Hàng không nội địa "thấm đòn" vì giá vé máy bay tăng cao

Dịp Lễ 30/4 - 1/5 năm nay, lượng khách đi, đến Cảng hàng không quốc tế Nội Bài và Tân Sơn Nhất đều giảm. Đây là điều ít thấy trong các dịp lễ.

Lăn tăn giá vé​

Theo thông tin từ Cảng hàng không quốc tế Nội Bài, dịp Lễ 30/4 - 1/5, sân bay phục vụ khoảng 2.600 lượt chuyến bay và 440 nghìn lượt hành khách đi, đến.
Theo số liệu tính toán, ngày cao nhất sẽ có khoảng 94 nghìn lượt khách và 538 lượt chuyến bay. Mức sản lượng hành khách đợt cao điểm 30/4 - 1/5 năm nay ghi nhận tăng nhẹ so với ngày thường tuy nhiên vẫn thấp hơn cùng kì (giảm 18%).
Hàng không nội địa thấm đòn vì giá vé máy bay tăng cao
Trong khi đó, tại Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất, lượng hành khách đến sân bay cũng giảm mạnh. Cảng hàng không Tân Sơn Nhất cho biết từ ngày 26/4 – 1/5 dự kiến khai thác tổng cộng 4.280 chuyến bay nội địa và quốc tế.
Đặc biệt, trong ngày thứ 3 của kì nghỉ lễ, sân bay Tân Sơn Nhất (TP Hồ Chí Minh) chỉ phục vụ 594 chuyến bay đi, đến với tổng lượng hành khách xấp xỉ 90.000 lượt, thấp hơn cả lượng khách ngày thường dù đang trong kì nghỉ Lễ 30/4 – 1/5.
So sánh với ngày 25/4 sân bay Tân Sơn Nhất đón 657 chuyến bay đi, đến với tổng cộng khoảng 98.000 lượt hành khách, sản lượng của ngày 29/4 thấp hơn cả ngày thường.
Hàng không nội địa thấm đòn vì giá vé máy bay tăng cao
Sân bay Tân Sơn Nhất đón lượng khách thấp bất ngờ trong ngày 29/4. Ảnh: Bình An
Khi được hỏi năm nay chọn phương tiện gì để di chuyển trong kì nghỉ lễ, anh Thế Phong (quận Cầu Giấy, Hà Nội) chia sẻ: “Dịp lễ này, gia đình tôi dự định đi du lịch bằng đường hàng không tới Đà Nẵng vì bình thương chỉ hơn 2 triệu/người. Nhưng sau khi xem giá vé tới khoảng 4 triệu đồng/người, vợ tôi quyết định gia đình sẽ đi ô tô cá nhân để tiết kiệm chi phí và cho các con có thêm trải nghiệm ở nhiều điểm dừng nghỉ trên hành trình. Với tôi, đi du lịch bằng ô tô cũng có cái hay và tính chủ động cao hơn”.
Còn chị Nguyễn Khuyên (quận Thanh Xuân, Hà Nội) cho biết: “Tôi dự định cho hai con đi du lịch TP Hồ Chí Minh, nhưng giá vé máy bay quá cao. Lúc ấy, đơn vị du lịch tư vấn gia đình nên cân nhắc thêm phương án chọn tour quốc tế giá tương đương, đi tàu hoặc đi ô tô. Vì tài chính gia đình cũng như các con chưa bao giờ được đi tàu, đường sắt năm nay cũng có nhiều đổi mới nên tôi quyết định cho các con đi Đà Nẵng bằng tàu chất lượng cao. Trải nghiệm đi tàu vào Đà Nẵng khiến các con tôi rất thích thú”.
Anh Mai Sơn (quận Nam Từ Liêm) thì chia sẻ: “Năm nay gia đình tôi bàn bạc việc đi chơi từ rất sớm nhưng xem giá vé máy bay cao nên lại thôi. Sau đó con gái đề nghị đi du lịch Sầm Sơn (Thanh Hóa) nên hôm nay gia đình tôi bắt xe khách về đó chơi 2 ngày. Giờ có cao tốc nên đi rất tiện. Đi muộn về sớm trong kì nghỉ lễ 5 ngày cũng giúp gia đình tôi tránh được thời điểm tắc đường mà vẫn được đi chơi”.
Như vậy, việc giá vé tăng cao đã ít nhiều tác động đến quyết định di chuyển của người dân dịp lễ. Nhiều người dần chuyển sang các phương tiện khác như tàu, ô tô khách hoặc phương tiện cá nhân dẫn đến sân bay vắng khách.

Đánh mất ưu thế​

Dự đoán được vấn đề này, từ trước nghỉ Lễ 30/4 - 1/5, anh Nguyễn Văn Phong - Giám đốc điều hành Let’s Tour đã nhận định, năm nay giá vé máy bay cao nên nhiều hành khách phải tính toán lại nhu cầu. Let’s Tour chuyển hướng sang khai thác khách đoàn bằng đường bộ là chủ yếu để giúp khách tiết kiệm chi phí. Thực tế, các tour đường bộ năm nay của Let’s Tour bán chạy hơn hàng không.
Về việc nhiều người vì cân nhắc giá vé mà quyết định “quay lưng” với hàng không và chọn một hình thức di chuyển khác cho kì nghỉ lễ, theo thạc sỹ quản lý kinh tế Hoàng Thị Thu Phương: “Với khách hàng, địa điểm là sự lựa chọn hàng đầu khi quyết định đi du lịch nhưng tài chính mới là yếu tố quyết định điểm đến cuối cùng của họ là ở đâu và họ sẽ đi bằng cách nào”.
Từ đầu năm đến nay, hàng không liên tục cải tổ và thiếu hụt máy bay. Việc giá vé nội địa ở một số chặng cao không kém các chặng bay quốc tế khiến người dân phải cân nhắc. Bên cạnh đó, năm nay, đường sắt cũng có nhiều đổi mới về dịch vụ và gia tăng thêm các trải nghiệm cho khách hàng. Các tuyến cao tốc thuộc đường cao tốc Bắc Nam cũng thông thêm nhiều đoạn tuyến giúp việc di chuyển của người dân thuận tiện hơn.
“Xét về yếu tố tài chính và tính chủ động, rõ ràng, hàng không sẽ bị “đuối thế” hơn đường sắt và đường bộ trong năm nay” – thạc sỹ Hoàng Thị Thu Phương nhận định.
Thêm vào đó, với việc áp trần giá vé máy bay nội địa, vé máy bay trong nước nhiều chặng tăng cao đến xấp xỉ 4 triệu đồng, không kém các chặng quốc tế đến Thái Lan, Trung Quốc hay Singapore. Điều này khiến hành khách chọn đường hàng không nhiều người sẽ bay quốc tế càng khiến cho lượng vé máy bay nội địa giảm mạnh, lượng khách qua sân bay sụt giảm.
Khảo sát ngày 29/4, nhiều chặng bay như TP Hồ Chí Minh - Hà Nội, TP Hồ Chí Minh - Phú Quốc vẫn còn vé máy bay nhưng giá cao. Vé TP Hồ Chí Minh đi Phú Quốc xấp xỉ 4 triệu đồng/vé khứ hồi.
Việc hàng không ít khách, dư vé một số chặng đã cho thấy, đường bộ chiếm dần ưu thế nhờ sự tiện lợi, tính chủ động. Còn đường sắt, các trải nghiệm mới đã trở thành điểm nhấn thu hút khách hàng. Trong khi đó, hàng không bao năm vẫn thế, giá vé vẫn cao mỗi dịp lễ tết, câu chuyện delay cũng khó tránh khỏi khiến không ít hành khách chán nản, dần chọn phương tiện mang tính chủ động cao hơn.
Sân bay vắng khách là điều rất hiếm thấy ở các kì nghỉ 30/4 - 1/5 các năm trước (trừ những năm ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19). Thực tế này cho thấy, nếu không có sự cải thiện về phương án bán vé sớm, sự “trả giá” của ngành hàng không có thể sẽ còn kéo dài đến dịp cao điểm Hè sắp tới cùng với đó là sự sụt giảm của du lịch nội địa.
>> Vé máy bay nội địa quá đắt, du khách thở dài: "Đi nước ngoài cho rẻ!"
 


Đăng nhập một lần thảo luận tẹt ga
Thành viên mới đăng
Top