Hết dịch! Nắng nóng! Bia tươi đắt khách trở lại

Thị trường bia của Việt Nam đang lấy lại phong độ khi mọi người bắt đầu quay lại các nhà hàng, quán bar và câu lạc bộ đêm để “uống bia”. Dịch COVID-19 dần được kiểm soát và chính quyền đã dỡ bỏ những biện pháp chống dịch nghiêm ngặt trước đó, không còn gì cản trở mọi người quay lại nhịp sống bình thường trước đó.
Báo Nhật Bản Nikkei viết rằng, thị trường bia của Việt Nam là một trong những thị trường lớn nhất Đông Nam Á. Việc thị trường phục hồi trở lại là tin vui đối với các nhà sản xuất bia như Công ty Bia Rượu Nước giải khát Sài Gòn, thường được gọi là Sabeco. Sản lượng của nhãn hiệu bia 333 nổi tiếng đang được tăng cường để đáp ứng cơn khát bia ngày càng tăng này.
“Cuối cùng chúng tôi cũng có thể đi uống bia”, chị Nguyễn Phương Hoa, nhân viên công ty cho biết khi thưởng thức ly bia lạnh ở phố Tạ Hiện, khu ăn uống lớn nhất ở thủ đô Hà Nội. "Tôi đã đợi điều này rất lâu rồi".
Những tiếng hô vang sống động "Mot, hai, ba, yo!" (Một, hai, ba, zô) thường xuyên vang lên trong không gian khá chật hẹp, nhiều người chen chúc nhau gần như kề vai sát cánh tại hàng chục nhà hàng ở khu vực này vào một buổi tối tháng Sáu.
Hơn nữa, sau khi chính phủ Việt Nam mở cửa biên giới Việt Nam vào tháng 3 cho du khách nước ngoài, nhu cầu bia ở đây cũng tăng lên do du khách nước ngoài dần quay trở lại.

Hết dịch! Nắng nóng! Bia tươi đắt khách trở lại
Lượng người đông đúc ăn uống tại phố Tạ Hiện (ảnh: Nikkei)
Ông Neo Gim Siong Bennett, Tổng giám đốc Sabeco, nhà sản xuất bia lớn nhất Việt Nam, cho biết: “Chúng tôi đã vượt qua một năm 2021 rất khó khăn, đồng thời luôn quan tâm đến nhân viên, đối tác và cộng đồng của chúng tôi. Tình hình COVID-19 được cải thiện, cuộc chiến Ukraine-Nga bớt leo thang, năm 2022 có vẻ đầy hứa hẹn".
Sabeco đã chi khoảng 650 tỷ đồng (28 triệu USD) để lắp đặt thiết bị chiết rót bia tiên tiến tại một nhà máy ở miền Trung Việt Nam, giúp nâng công suất sản xuất bia hàng năm lên khoảng 250 triệu lít. Họ cho biết sản lượng bia này đánh dấu mức tăng khoảng 150% so với năm 2010.
Công ty đặt mục tiêu doanh thu hợp nhất khoảng 35 nghìn tỷ đồng vào năm 2022, tăng 32% so với năm trước, trong đó lợi nhuận sau thuế hợp nhất tăng khoảng 17% lên 4,5 nghìn tỷ đồng.
Các nhà phân tích tại Việt Nam của Mirae Asset Securities, Hàn Quốc đã nhấn mạnh rằng họ kỳ vọng ngành đồ uống của Việt Nam sẽ phát triển mạnh nhờ lượng tiêu thụ bia "đặc biệt có khả năng tiến gần đến mức trước đại dịch".
Sau khi mua lại khoảng 53% cổ phần Sabeco với giá trị tương đương khoảng 4,8 tỷ USD vào năm 2017, Thai Beverage trở thành công ty mẹ của Sabeco. Việt Nam là nước tiêu thụ bia số 1 ở Đông Nam Á và lớn thứ 9 trên thế giới, theo công ty đồ uống Nhật Bản Kirin Holdings, và nhu cầu tiêu thụ bia ở Việt Nam có khả năng tăng hơn nữa khi một lượng lớn dân số trẻ đến tuổi trưởng thành.
Năm 2021, lợi nhuận ròng của Sabeco giảm 20% so với một năm trước đó, xuống còn khoảng 3,9 nghìn tỷ đồng do dịch coronavirus phủ bóng, mức thấp nhất kể từ khi công ty nằm dưới sự kiểm soát của ThaiBev.
Sabeco cũng vướng phải những lùm xùm xoay quanh tình trạng quản lý chi phí lỏng lẻo. Công ty hiện đang làm việc để số hóa các quy trình kinh doanh như quản lý tồn kho, bán hàng và logistic.
Ngoài ra, các nhà sản xuất bia cũng có thể phải chuẩn bị đối phó với các biện pháp kiểm soát chặt chẽ hơn của chính phủ đối với việc bán rượu khi thị trường phát triển, chẳng hạn như các mức phạt cao hơn đối với trường hợp lái xe trong tình trạng say rượu vào đầu năm 2020.


>>> TikToker đông người follow nhất thế giới.
Nguồn: Nikkei
 


Đăng nhập một lần thảo luận tẹt ga
Thành viên mới đăng
Top