Hết ưu đãi 50% lệ phí trước bạ, thị trường ô tô sẽ giảm nhiệt?

Lệ phí trước bạ dành cho xe ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước tăng trở lại về mức cũ từ ngày hôm nay (1/6), khi chính sách của chính phủ hết hiệu lực.
Nghị định 103 quy định mức thu lệ phí trước bạ đối với các loại ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước được Chính phủ ban hành và có hiệu lực từ 1/12/2021 nhằm kích cầu thị trường ô tô trong nước. Chính sách giảm 50% lệ phí trước bạ kéo dài trong 6 tháng, đưa mức nộp lệ phí trước bạ lần đầu đối với các dòng ô tô được sản xuất, lắp ráp tại Việt Nam ở mức 5 – 6% tùy địa phương.
Hết ưu đãi 50% lệ phí trước bạ, thị trường ô tô sẽ giảm nhiệt?
Chính sách ưu đãi giảm 50% lệ phí trước bạ kết thúc từ 1/6. Ảnh minh họa
Chính sách giảm 50% lệ phí trước bạ tác động tích cực, và là đòn bẩy cho thị trường ô tô trong nước. Theo đánh giá của Bộ Tài chính, chính sách ưu đãi 50% phí trước bạ sẽ kích cầu tiêu dùng, khuyến khích người dân mua sắm, sở hữu tài sản. Chính sách này cũng hỗ trợ các nhà sản xuất, nhà phân phối tiêu thụ được lượng xe tồn kho, nối lại chuỗi cung ứng, gia tăng sản xuất thúc đẩy doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô trong khi vẫn có thể giúp tăng tổng thu ngân sách nhà nước.
Thực tế cho thấy thị trường ô tô đã có nhiều khởi sắc đáng kể nhờ chính sách kích cầu từ Chính phủ.
Theo số liệu từ Hiệp hội các nhà sản xuất Ôtô Việt Nam (VAMA), tháng 12/2021, khi chính sách có hiệu lực, doanh số bán ô tô tại thị trường Việt Nam tăng 21% so với tháng trước đó. Trong đó xe lắp ráp tăng lên 23%.
Sang năm 2022, thị trường tiếp tục tăng trưởng mạnh mẽ. Báo cáo của VAMA cho thấy, 4 tháng đầu năm, lượng xe bán ra tăng tới 31% so với cùng kỳ. Trong đó, xe ô tô lắp ráp trong nước tăng lên tới 38%. Các hãng xe ghi nhận doanh số tăng mạnh mẽ ở hầu hết các tháng đầu năm 2022.
Dù có chính sách kích cầu từ Chính phủ nhưng để mua xe và nhận ưu đãi cũng không dễ. Nhu cầu tăng cao trong bối cảnh thiếu hụt linh kiện khiến năng lực sản xuất bị ảnh hưởng đã tác động đến thị trường trong thời gian ưu đãi trước bạ.
Nhiều mẫu xe rơi vào tình trạng khan hàng và tăng giá bán khi cung không đủ cầu. Nhiều hãng xe đã phải liên tục điều chỉnh giá bán các mẫu xe ăn khách, kéo dài thời gian giao hàng. Do đó, nhiều khách hàng đặt mua xe thường phải chờ nhiều tháng và nhiều mẫu xe xảy ra tình trạng bán “bia kèm lạc” với mức chênh lên tới cả trăm triệu đồng.
Một số ý kiến đánh giá, ưu đãi giảm 50% lệ phí trước bạ kết thúc sẽ có tác động tới thị trường ô tô Việt Nam trong thời gian tiếp theo và thị trường có thể giảm nhiệt trong ngắn hạn. Người dùng còn phải đối mặt với một vấn đề khác đó là tình trạng “không còn xe để bán” ở nhiều đại lý khi thiếu hụt linh kiện vẫn còn kéo dài, gây ảnh hưởng đến sản xuất của nhiều hãng xe.
Thời giao giao xe bị kéo dài, tăng giá và yêu cầu mua thêm phụ kiện hay việc hạn chế các lựa chọn cũng sẽ tác động tới quyết định mua sắm của người dân.
Theo ICTNews
 


Đăng nhập một lần thảo luận tẹt ga
Thành viên mới đăng
Top