Hiểm họa vi nhựa trong vấn đề an toàn thực phẩm

Nhựa đang được sử dụng một cách bừa bãi và "vô tội vạ" trong ngành nông nghiệp trên khắp thế giới, trở thành một mối đe dọa đến an toàn thực phẩm và sức khỏe con người, theo Tổ chức Nông Lương Liên Hợp Quốc FAO cho biết trong báo cáo mới nhất.
Môi trường đất nông nghiệp đang có tình trạng ô nhiễm vi nhựa hơn cả đại dương, cho thấy sự cần kíp của một chế tài quản lý về rác thải nhựa với khối lượng hàng triệu tấn được sử dụng trong hệ thống thực phẩm và nông nghiệp mỗi năm. Mặc dù báo cáo cũng nhấn mạnh đến những lợi ích của nhựa trong sản xuất và bảo vệ thực phẩm, chẳng hạn hệ thống tưới tiêu, ủ chua phân bón, chế tạo dụng cụ bảo vệ cây.
Nhưng FAO cũng cho biết, do việc dùng nhựa trở nên phổ biến và hầu hết chỉ dùng một lần, kéo theo các biện pháp xử lý chỉ mang tính chất tạm thời như chôn, đốt hoặc vứt bỏ.
Báo cáo của FAO cũng cho biết, việc các loại nhựa lớn bị phân hủy dẫn đến những lo ngại có cơ sở về việc hình thành hạt vi nhựa. Sau đó, con người và động vật hoang dã có thể tiêu thụ những vi nhựa có chứa nhiều chất phụ gia độc hại này mang theo những mầm bệnh nguy hiểm. Những ảnh hưởng xấu của vi nhựa đối động vật biển đã được chứng minh, nhưng những tác động của nhựa đối với con người và động vật trên cạn thì không được nhiều người biết đến.

Hiểm họa vi nhựa trong vấn đề an toàn thực phẩm
Phó tổng giám đốc FAO - bà Maria Helena Semedo cho biết "Báo cáo này như một lời kêu gọi hành động quyết liệt để hạn chế việc sử dụng loại chất dẻo độc hại này trong các ngành nông nghiệp." Bà cũng nhấn mạnh thêm "Đất là một trong những môi trường phổ biến tiếp nhận nhựa nông nghiệp và thực tế là đất chứa lượng vi nhựa lớn hơn đại dương. Vi nhựa rất có thể đã tích tụ trong chuỗi thực phẩm, đe dọa đến an ninh lương thực, an toàn thực phẩm và tiềm ẩn sức khỏe con người”.
Đất là nguồn gốc của tất cả sự sống trên trái đất nhưng tương lai của chúng thực sự "ảm đạm" do việc sử dụng và quản lý của con người và nếu không có những hành động kịp thời để ngăn chặn sự suy thoái, môi trường đất của chúng ta sẽ trở thành nguyên nhận đe dọa sự sống. Ô nhiễm vi nhựa hiện đang được cảnh báo trên toàn cầu, từ đỉnh Everest đến đáy các đại dương. Ước tính có khoảng 12.5 triệu tấn nhựa được sử dụng trong sản xuất vào năm 2019 và khoảng 37.3 tấn nữa trong bao bì thực phẩm.
Báo cáo của FAO cũng cho biết nhựa là chất liệu đa năng, dễ chế tạo và giá thành rẻ nên rất được ưa chuộng. Chúng cũng được dùng để tạo các loại màng bao phủ trong nông nghiệp và phân bón để giúp giải phóng chất dinh dưỡng chậm hơn và hiệu quả hơn. "Mặc dù có nhiều lợi ích nhưng nhựa nông nghiệp cũng tiềm ẩn nguy cơ ô nhiễm nghiêm trọng và gây hại cho sức khỏe con người và hệ sinh thái khi chúng phân hủy trong môi trường."
Những dữ liệu và thống kê chi tiết về việc sử dụng hiện chưa có nhiều và đầy đủ, nhưng ước tính các nước châu Á đang sử dụng nhiều nhất, chiếm khoảng 50% nhựa toàn cầu, đó là chưa kể đến các nhu cầu về các sản phẩm về màng phủ nhà kính và ủ chua nông nghiệp dự kiến sẽ tăng 50% vào năm 2030.
Mới chỉ có một phần rất nhỏ nhựa nông nghiệp được thu gom và tái chế, vì thế không thể coi nhẹ những hành động khẩn cấp để bảo vệ môi trường ngay lúc này. “Ô nhiễm nhựa trên đất nông nghiệp là một vấn đề phổ biến, dai dẳng đe dọa sức khỏe của đất trên khắp thế giới.” - Giáo sư Jonathan Leake là thành viên hội đồng của Liên minh Đất bền vững Vương quốc Anh cho biết.
Tác hại của nhựa vẫn chưa được quan tâm một cách cẩn thận, mặc dù con người đã thấy những tác động tiêu cực của nó đối với loài giun đất - loài giun đóng một vai trò quan trọng trong việc giữ cho đất và cây trồng khỏe mạnh. "Chúng ta hiện đang bổ sung một lượng lớn các vật liệu phi tự nhiên này vào đất nông nghiệp mà không hiểu được tác hại lâu dài của chúng. Ở Anh, việc ứng dụng bùn thải và các loại phân trộn nhựa bị ô nhiễm đã tạo ra yêu cầu cấp thiết của việc phải loại bỏ nhựa trước khi chúng được đưa vào đất, vì nếu đã bị chôn vào đất, chúng không thể phân hủy được."
Mô hình 6R (Refuse, Redesign, Reduce, Reuse, Recycle, and Recover) cũng được trích dẫn trong báo cáo của FAO để nhắm áp dụng các biện pháp canh tác tránh hoặc hạn chế tối đa nhựa, thay các sản phẩm nhựa bằng các chất thay thế tự nhiên hoặc phân hủy sinh học, thúc đẩy các sản phẩm nhựa có thể tái sử dụng và cải thiện quản lý chất thải nhựa.
Nguồn
Theguardian
 


Đăng nhập một lần thảo luận tẹt ga
Top