Hiện tượng "Genshin Impact" khiến ngành game Nhật Bản lo ngại

Sau hơn một năm ra mắt, Genshin Impact đã giúp ngành công nghiệp trò chơi điện tử của Trung Quốc gặt hái thành công vang dội đầu tiên trên trường quốc tế. Thành công này cũng đánh dấu sự thay đổi cán cân quyền lực trong ngành công nghiệp trò chơi điện tử toàn cầu, trị giá 200 tỷ đô la mỗi năm. Lâu nay, ngành game đã bị Nhật và Mỹ thống trị với nhiều sản phẩm vươn tầm quốc tế.

Trung quốc trong cuộc đua ngành game

Theo SensorTower, một công ty giám sát các ứng dụng di động, trong năm đầu tiên có mặt trên thị trường, game nhập vai thế giới mở Genshin Impact đã thu về 2 tỷ đô la qua iOS và Android, một kỷ lục đối với game di động. Khác với các game phổ biến khác ở Trung Quốc, Genshin Impact được cho là đã tạo ra phần lớn doanh thu từ nước ngoài.
Để gặt hái được thành quả như hiện tại, các nhà phát triển game của Trung Quốc đã phải trải qua một quá trình dài học hỏi và trau dồi. Họ ra sức chiêu dụ nhân tài đến từ Xứ sở mặt trời mọc, áp dụng các bài học kinh nghiệm sau nhiều năm học hỏi những ông lớn ngành game Nhật Bản. Họ coi Nhật Bản - siêu cường trò chơi điện tử lâu đời trên thế giới - là thị trường hàng đầu và cũng là đối thủ mà họ phải vượt qua. Do vậy lấy đây làm hình mẫu học tập.
Hiện tượng Genshin Impact khiến ngành game Nhật Bản lo ngại
"Genshin Impact" đã thu được thành tựu lớn trên trường quốc tế, đặc biệt là từ thị trường Nhật Bản
Giờ đây, Trung Quốc đã bắt đầu bỏ xa nước láng giềng của mình ở một số khía cạnh. Sau hơn một thập kỷ làm công việc gia công cho nhiều hãng game Nhật, quốc gia tỷ dân đã tích lũy được trình độ kỹ thuật đẳng cấp thế giới. Các công ty trong nước như NetEase và Tencent đang tích cực đầu tư vào phát triển trò chơi, với ngân sách dồi dào mà nhiều đối thủ Nhật Bản còn lâu mới theo kịp.
Tuy nhiên, Genshin Impact cũng cho thấy một sự thật: ngành công nghiệp game của Trung Quốc có thể đã đạt tới trình độ làm chủ kỹ thuật, nhưng vẫn còn đầy những thiếu sót lớn về mặt sáng tạo, tìm tòi cái mới.

Hàng Trung Quốc "đội lốt" Nhật Bản​

Ngoại trừ một số ít yếu tố có nguồn gốc Trung Quốc, về mặt hình ảnh, Genshin gần như bê nguyên tất cả những đặc điểm nổi bật trong văn hóa Nhật: người máy khổng lồ (mecha), những thanh đại kiếm và trường kiếm, nhân vật có đôi mắt to và mái tóc dựng nhiều màu. Các nhân vật nữ thì mặc trang phục hầu gái, ninja và nhiều bộ quần áo "thiếu vải" khác – mô-típ phổ biến trong anime Nhật.
Dễ hiểu nếu nhiều người chơi Genshin thừa nhận, họ tưởng game này là do studio nào đó của xứ mặt trời mọc phát triển. Hay hỏi 1 người ít chơi game, nhìn vào tạo hình nhân vật hay thiết kế đồ họa, họ sẽ nhận xét giống sản phẩm từ Nhật hơn là của Trung Quốc. Đặc biệt khi anime Nhật đã lan tỏa khắp thế giới từ lâu.
Hiện tượng Genshin Impact khiến ngành game Nhật Bản lo ngại
Về mặt hình ảnh, "Genshin Impact" gần như "bê nguyên" các đặc điểm của anime Nhật Bản
Những người sáng tạo ra trò chơi này hiện đang làm việc tại công ty miHoYo có trụ sở tại Thượng Hải. Và bạn sẽ không ngạc nhiên khi game có phong cách quá giống anime Nhật chứ không phải manhua hay các phim hoạt hình Trung Quốc. Bởi họ đều tự nhận mình là “otaku” - một thuật ngữ tiếng Nhật mô tả những người say mê văn hóa đại chúng Nhật Bản - manga và anime - cuồng nhiệt.
Sự phụ thuộc vào những mô-típ đậm chất Nhật Bản là minh chứng rõ nét cho ảnh hưởng to lớn của văn hóa quốc gia này trên toàn thế giới. Đồng thời, cũng cho thấy những hạn chế trong nỗ lực xây dựng “quyền lực mềm” của Trung Quốc. Không chỉ Genshin mà còn nhiều game khác của quốc gia tỷ dân cũng chịu ảnh hưởng từ anime Nhật. Theo thống kê, ở đây có tới hàng trăm triệu người tự xưng là "weeboo" (wibu), bị ám ảnh bởi những nội dung do Nhật sản xuất.
Lĩnh vực trò chơi điện tử của Trung Quốc nói riêng và ngành giải trí nói chung đã phải vật lộn để tạo ra những nội dung độc đáo, đặc biệt, mang nét riêng và có sức hấp dẫn quốc tế. Ngay cả khi Trung Quốc đã phát triển thành một cường quốc kinh tế, quốc gia này vẫn chưa thể xóa bỏ định kiến về việc chuyên đi bắt chước ý tưởng người khác thay vì nghĩ ra ý tưởng của riêng mình.

Quá trình chinh phục thị trường Nhật Bản

Genshin gây chú ý nhờ sự kỳ công trong khâu xây dựng cốt truyện và hình ảnh. Trong game, người chơi sẽ chọn vào vai một nhân vật để khám phá vương quốc ma thuật rộng lớn mang tên Teyvat, đi sâu vào các ngục tối, chiến đấu với quái vật, hoàn thành các nhiệm vụ để mở ra câu chuyện sử thi về một nhà lữ hành bí ẩn, bị vướng vào cuộc chiến giữa nhân loại và các vị thần. Có một lượng lớn nhân vật nữ trong số hàng chục nhân vật để người chơi lựa chọn.
Hiện tượng Genshin Impact khiến ngành game Nhật Bản lo ngại

Hiện tượng Genshin Impact khiến ngành game Nhật Bản lo ngại
Thời gian đầu xuất ngoại, Genshin phải đối mặt với vô số nghi ngờ do nguồn gốc của mình. Thậm chí, trò chơi này từng bị thờ ơ từ thị trường Nhật do tin đồn chứa phần mềm gián điệp của Trung Quốc. Hơn nữa, hầu hết các game thủ Nhật Bản đều coi Genshin là một bản ăn theo hoặc đạo nhái The Legend of Zelda - một trong những dòng game giả tưởng được yêu thích nhất tại Nhật.
Quả thực, các nhà phát triển Genshin đã vay mượn không ít chi tiết từ Breath of the Wild – phần ra mắt gần đây nhất của The Legend of Zelda. Kết hợp tham khảo thêm nhiều sản phẩm anime và video game khác của Nhật, chẳng hạn Castle in the Sky của đạo diễn Hayao Miyazaki, trò chơi nhập vai Dragon Quest. Thậm chí, miHoYo còn thêm một khu vực khám phá mới vào Genshin, được gọi là Inazuma, dựa trên đất nước Nhật Bản thời Tokugawa.
Theo Yusuke Shibata, một streamer và Youtuber về game nổi tiếng, mô tả: Inazuma là một quần đảo đông đúc, biệt lập, bị sương mù phóng xạ bao phủ. Có thể thấy, đây không phải là một miền đất lý tưởng với nhiều người. Tuy nhiên, nó gợi liên tưởng tới nước Nhật và đối với các game thủ bản xứ, những khía cạnh tiêu cực đó lại được đón nhận một cách thân thiện hơn rất nhiều.
Thị trường Nhật Bản chiếm gần 1/3 doanh thu của Genshin, mặc dù số giờ chơi và lượt tải xuống - ít nhất là trên thiết bị di động - thấp hơn so với các trò chơi hàng đầu do người Nhật tự sản xuất.
Hiện tượng Genshin Impact khiến ngành game Nhật Bản lo ngại
Quần đảo Inazuma được đưa vào game nhằm tạo ra sự khác biệt với một số game nhập vai khác
Genshin là game miễn phí, nhưng nó đã tạo ra khoản doanh thu khổng lồ thông qua một khái niệm khác cũng lại bắt nguồn từ Nhật Bản: nạp tiền và rút thăm để có có cơ hội giành được các nhân vật mới và trang bị mạnh mẽ. Khái niệm này được gọi là gacha - có nguồn gốc từ “gachapon”. Đây là một loại máy bán hàng tự động của Nhật, phân phối các viên nang nhựa có chứa đồ chơi. Tỷ lệ giành được những phần thưởng tốt nhất là rất thấp, nhiều phần thưởng chỉ có sẵn trong khoảng thời gian giới hạn.
Phương thức kiếm tiền này đã khiến nhà sản xuất Genshin nhận không ít chỉ trích từ cả người chơi và cơ quan quản lý ở Nhật Bản cũng như Trung Quốc. Nhưng miHoYo đã xoa dịu những lo ngại đó bằng cách cho phép người chơi có thể chơi game mà không tốn xu nào.
Daniel Ahmad, nhà phân tích cấp cao của công ty Niko Partners cho biết, chỉ 4 năm trước, các trò chơi hàng đầu tại Nhật toàn bộ đều đến từ nhà phát triển trong nước. Nhưng giờ đây, khoảng 1/3 trong số 100 trò chơi di động hàng đầu ở Nhật Bản lại đến từ Trung Quốc.
Những câu chuyện thần thoại trong Genshin đã truyền cảm hứng cho hàng loạt màn cosplay, vô số fan art và là đề tài bàn tán sôi nổi trên mạng xã hội (đây là trò chơi được nhắc đến nhiều nhất Twitter năm 2021). Tựa game này đã thu hút lượng người hâm mộ đông đảo từ nhiều quốc gia, nhiều ngành nghề, không phân biệt tuổi tác hay giới tính.
Hiện tượng Genshin Impact khiến ngành game Nhật Bản lo ngại
Những màn cosplay nhân vật trong "Genshin"
Yukio Futatsugi, giám đốc điều hành của Grounding Inc., một nhà phát triển trò chơi Nhật Bản nổi tiếng cũng phải thừa nhận, xét về phương diện công nghệ, chỉ đạo nghệ thuật và kịch bản game, Genshin thể hiện một bước tiến vượt bậc của Trung Quốc.
Trong nhiều năm, ngành công nghiệp trò chơi điện tử của Trung Quốc đã bị kìm hãm vì lệnh cấm của chính phủ đối với máy chơi game, cũng như quy trình kiểm duyệt nghiêm ngặt. Một bước ngoặt xảy ra vào năm 2018, khi chính phủ tạm dừng quy trình phê duyệt phát hành trò chơi trong nước. Nhiều hãng game đã phải hướng ra thị trường nước ngoài, nơi việc phát hành dễ dàng hơn nhiều.
Genshin hiện vẫn bị kiểm duyệt gắt gao tại quê nhà còn ở nước ngoài, người chơi bị cấm trò chuyện về các chủ đề nhạy cảm chính trị như Đài Loan hay Tân Cương.
Năm nay, miHoYo đã thiết kế trang phục bớt hở hang hơn cho một số nhân vật nữ. Thay đổi này được một số người hâm mộ đánh giá cao, số khác thì cho rằng động thái này là để vượt qua các quy định của chính phủ Trung Quốc.

Những thách thức cho ngành game Nhật Bản

Thành công vang dội của Genshin cũng là một dấu hiệu về những thách thức mà ngành công nghiệp game Nhật Bản phải đối mặt. Dưới sự cạnh tranh gay gắt từ Hoa Kỳ, Châu Âu và giờ đây là Trung Quốc, nước Nhật đã phải nhường lại vị trí thống trị suốt hai thập kỷ của mình.
Hiện tượng Genshin Impact khiến ngành game Nhật Bản lo ngại
Game Nhật Bản do Aniplex (Sony) phát hành thu về hơn 5,5 tỷ USD sau 6 năm, còn "Genshin Imacpt" chỉ cần 1 năm đầu đã kiếm về 2 tỷ USD
Ông Futatsugi, nhà phát triển trò chơi Nhật Bản, là một trong những người được hưởng lợi khi các công ty Trung Quốc hướng ra nước ngoài. Vào năm 2021, ông đã nhận được một khoản đầu tư lớn từ NetEase, giúp ông có điều kiện phát triển và thể hiện tài năng.
Ông chia sẻ: “Không có bất kỳ công ty nào ở Nhật Bản cung cấp cho chúng tôi tiền để tạo ra các loại trò chơi mà chúng tôi muốn làm. Các công ty Trung Quốc đã nhận ra giá trị của công ty chúng tôi”. Hơn nữa, Futatsugi còn được phép giữ 100% tài sản trí tuệ từ liên doanh.
Tuy vậy, ông Futatsugi nói rằng mối đe dọa lớn nhất đối với ngành công nghiệp trò chơi điện tử của Nhật không phải từ Trung Quốc, mà cốt lõi của vấn đề nằm ở chính nước Nhật. Cụ thể là dân số già và thị trường đang thu hẹp, các thỏa thuận cấp phép khiến lợi nhuận không nằm trong tay nhà sáng tạo, cùng sự bảo thủ của một số công ty trong việc đón nhận những ý tưởng mới.
Seiichi Mitsui, người đứng đầu công ty tư vấn Game Age Research Institute cho biết, các nhà phân tích trong ngành cảnh báo dòng vốn đầu tư từ nước ngoài sẽ khiến nhân tài tại các công ty Nhật hàng đầu dứt áo ra đi, đẩy nhanh sự suy giảm của ngành.
“Nếu các công ty Nhật Bản không biết cách đoàn kết và bảo vệ thành quả của mình, thì họ có thể sẽ tụt dốc nhanh hơn”- ông Mitsui nhận định.
Theo Chinese Intelligence
 


Đăng nhập một lần thảo luận tẹt ga

Gợi ý cộng đồng

Top