Hóa chất độc hại chuyên dùng sản xuất giấy vệ sinh có trong cơ thể cá voi sát thủ

Quần thể cá voi sát thủ cư trú ở phía Nam hiện nay đang đứng trước nguy cơ tuyệt chủng. Một kết quả nghiên cứu mới đây chỉ ra rằng, các chất gây ô nhiễm hóa học có liên quan mật thiết đến sự suy giảm cá thể của loài động vật săn mồi mang ngoại hình đen trắng nổi bật này.
Hồi tháng 12, một nhóm các nhà nghiên cứu tại Đại học British Columbia đã công bố phát hiện của mình trên tạp chí Khoa học và Công nghệ Môi trường; theo đó, họ đã tiến hành phân tích các mẫu mô lấy từ 06 con cá voi sát thủ cư trú tại phía Nam và 06 con cá voi sát thủ Bigg (
được đặt theo tên tiến sĩ Michael Bigg, người phát hiện ra ít nhất 2 loài cá voi sát thủ sống ở vùng ven biển British Columbia, Canada) bị mắc kẹt dọc theo bờ biển British Columbia từ năm 2006 đến năm 2018.
Các nhà khoa học đã phát hiện ra nhiều chất ô nhiễm hóa học phổ biến tồn tại trong cơ thể các cá thể cá voi sát thủ được lấy mẫu; trong đó, 01 chất hóa học thường được tìm thấy trong giấy vệ sinh xuất hiện phổ biến nhất, chiếm tới 46% tổng số chất ô nhiễm được xác định”, Đại học British Columbia nhận định trong một tuyên bố tuần trước.
4-nonylphenol (4NP) là hợp chất hóa học quen thuộc trong ngành công nghiệp chế biến giấy nói chung và sản xuất giấy vệ sinh nói riêng. Tại Canada, 4NP được liệt kê trong danh sách những hóa chất độc hại, với khả năng tác động nguy hiểm đến hệ thần kinh và chức năng nhận thức của con người.
4NP có thể bị rò rỉ ra đại dương thông qua các nhà máy xử lý nước thải hoặc các dòng chảy công nghiệp; các loài sinh vật nhỏ ở đại dương sẽ ăn hợp chất này, rồi dần dần leo cao trên chuỗi thức ăn để tiếp cận đích đến cuối cùng: những kẻ săn mồi đứng đầu chuỗi mà cá voi sát thủ là một đại diện tiêu biểu”, Đại học British Columbia cho biết thêm.
Hóa chất độc hại chuyên dùng sản xuất giấy vệ sinh có trong cơ thể cá voi sát thủ
Loài cá voi sát thủ (orca)
Đây là nghiên cứu khoa học đầu tiên chỉ ra sự tồn tại của 4NP trong cơ thể cá voi sát thủ; chưa dừng lại ở đó, các nhà nghiên cứu cũng chứng minh được rằng hợp chất hóa học này có thể chuyển từ cá voi sát thủ mẹ sang thai nhi của chúng. Điều này tiếp tục đặt ra câu hỏi mới với giới khoa học: 4NP có thể ảnh hưởng đến sự phát triển của thai nhi cá voi sát thủ như thế nào?
Theo Cơ quan Bảo vệ Môi trường Hoa Kỳ, tính đến tháng 12/2020, chỉ còn 74 cá thể cá voi sát thủ được tìm thấy thuộc quần thể cư trú ở phía Nam (khu vực gần British Columbia, bang Washington và Oregon); chúng được liệt kê là loài động vật đang đứng trước bờ vực tuyệt chủng ở cả Hoa Kỳ và Canada. Cơ quan Bảo vệ Môi trường Hoa Kỳ cũng đã nêu bật lên 03 nguyên nhân chính của nguy cơ này: hoạt động của tàu biển, nguồn cá hồi (thức ăn của cá voi sát thủ) sụt giảm và quá trình tiếp xúc với các chất gây ô nhiễm trong đại dương.
Hợp chất hóa học 4NP được xem như “
hung thần mới nổi trong danh sách các chất gây ô nhiễm”, trước đây chúng ta chưa tiến hành nghiên cứu kỹ lưỡng cũng như chưa quản lý chặt chẽ hoạt động sử dụng hợp chất này. Sự hiện diện của 4NP trong cơ thể cá voi mắc cạn cho thấy hợp chất này rất có thể tiềm ẩn khả năng gây tác động rộng hơn đến môi trường biển cùng các loài động vật thủy sinh khác. Chưa dừng lại ở đó, 4NP cũng có thể đe dọa gián tiếp đến sức khỏe con người, vì cá hồi không chỉ là món ăn khoái khẩu của mỗi loài cá voi sát thủ.
Đại học British Columbia kêu gọi chính phủ các nước chung tay giúp đỡ loài cá voi sát thủ đang có nguy cơ tuyệt chủng bằng cách ngừng sản xuất các hóa chất độc hại được phát hiện trong cơ thể của chúng, song song với việc tiến hành giải quyết triệt để các nguồn ô nhiễm trên biển.
Nghiên cứu này là một lời cảnh tỉnh”, Juan José Alava, đồng tác giả tham gia thực hiện nghiên cứu nói trên cho biết. “Cá voi sát thủ miền Nam là một quần thể động vật đang có nguy cơ tuyệt chủng, và các chất gây ô nhiễm rất có thể phải chịu trách nhiệm chính trong việc làm sụt giảm nghiêm trọng số lượng cá thể của loài này. Chúng ta cần nhanh chóng có biện pháp để bảo vệ chúng, không thể chần chừ trì hoãn thêm được nữa”.
Tham khảo: Cnet
>> Tại sao cá voi sát thủ mới là loài săn mồi đáng sợ nhất đại dương?
 


Đăng nhập một lần thảo luận tẹt ga
Thành viên mới đăng
Top