Hóa thạch vượn cổ hơn 8 triệu năm tuổi có thể viết lại lịch sử loài người

Dấu tích hóa thạch của loài vượn Anadoluvius turkae thuộc kỷ nguyên Miocene gần đây được khai quật tại khu cổ sinh vật học Çorakyerler ở Anatolia, miền trung Thổ Nhĩ Kỳ.
Nguồn gốc của vượn nhân hình (vượn châu Phi và con người) là một trong những chủ đề được tranh luận sôi nổi nhất trong nghiên cứu về nguồn gốc nhân loại. Theo quan điểm truyền thống từ thời Charles Darwin, vượn nhân hình có nguồn gốc từ châu Phi, nơi tìm thấy những giống người sớm nhất và là nơi tất cả những giống vượn không phải con người sinh sống.
Một phần hộp sọ được bảo quản tốt của Anadoluvius turkae, gồm hầu hết cấu trúc khuôn mặt và phần trước của hộp não, được tìm thấy tại khu Çorakyerler ở bán đảo Anatolia năm 2015.
GS David Begun, một chuyên gia cổ sinh vật học tại ĐH Toronto, cho biết, mẫu hóa thạch hoàn chỉnh này giúp nhóm của ông thực hiện phân tích rộng hơn và chi tiết hơn để tính toán các mối quan hệ tiến hóa.
Anadoluvius turkae có kích thước tương đương một con tinh tinh đực lớn (50-60 kg), sống trong môi trường rừng khô cằn và có lẽ đã dành rất nhiều thời gian trên mặt đất.
TS Ayla Sevim-Erol, nhà nghiên cứu công tác tại ĐH Ankara, cho biết, nhóm nghiên cứu không tìm thấy xương chi, nhưng dựa trên hàm, răng và những hóa thạch động vật khác cùng được tìm thấy, nhóm nghiên cứu xác định Anadoluvius turkae có thể sống trong điều kiện tương đối thoáng đãng, không giống như môi trường rừng của loài vượn lớn đang sống.
Hóa thạch vượn cổ hơn 8 triệu năm tuổi có thể viết lại lịch sử loài người
“Giống như những gì chúng ta nghĩ về môi trường của con người sơ khai ở châu Phi, bộ hàm chắc khỏe và những chiếc răng to, lớp men dày gợi ý một chế độ ăn bao gồm các loại thức ăn cứng hoặc dai trên cạn, như rễ và thân cây”, TS Sevim-Erol cho biết.
Các loài động vật sống cùng thời với Anadoluvius turkae thường gắn liền với đồng cỏ châu Phi và rừng khô ngày nay, như hươu cao cổ, lợn, tê giác, linh dương, ngựa vằn, voi, nhím, linh cẩu và động vật ăn thịt giống sư tử.
Nghiên cứu mới cho thấy cộng đồng sinh thái dường như đã phân tán từ phía đông Địa Trung Hải đến châu Phi từ khoảng 8 triệu năm trước.
“Sự hình thành của hệ động vật châu Phi hiện đại từ phía đông Địa Trung Hải đã được biết đến từ lâu và bây giờ chúng tôi có thể bổ sung vào danh sách những sinh vật có thể là tổ tiên của loài vượn châu Phi và con người”, Tiến sĩ Sevim-Erol cho biết.
Phát hiện này xác định Anadoluvius turkae là một nhánh của cây tiến hóa đã tạo ra tinh tinh, tinh tinh lùn, khỉ đột và con người.
Mặc dù loài vượn châu Phi ngày nay được biết đến là có nguồn gốc từ châu Phi, cũng như những con người sớm nhất được biết đến, nhưng nhóm tác giả kết luận rằng tổ tiên của cả hai đều đến từ châu Âu và phía đông Địa Trung Hải.
Anadoluvius turkae và các loài vượn hóa thạch khác từ Hy Lạp (Ouranopithecus) và Bulgaria (Graecopithecus) tạo nên một nhóm giống nhau về nhiều chi tiết giải phẫu và sinh thái với vượn nhân hình hoặc con người sơ khai.
Các hóa thạch tìm thấy ở Anatolia là mẫu vật được bảo quản tốt nhất của nhóm người nguyên thủy, trở thành bằng chứng mạnh mẽ nhất cho đến nay rằng nhóm này có nguồn gốc từ châu Âu, sau đó phân tán sang châu Phi. Phân tích của nhóm cũng cho thấy loài vượn Balkan và Anatolian đã tiến hóa từ tổ tiên ở Tây và Trung Âu.

Theo Sci.news
 


Đăng nhập một lần thảo luận tẹt ga
Top