Hơn 200.000 nhân sự IT mất việc, bong bóng công nghệ đã vỡ

Trong 5 ngày vừa qua: Google đã sa thải 12.000 nhân sự, Microsoft sa thải 10.000 nhân sự, và Amazon sa thải 18.000 nhân sự. Tháng 11 năm ngoái, Meta cũng đã sa thải 11.000 nhân sự!
Có lẽ không ai trong chúng ta ngờ đến một cuộc sa thải hàng loạt, trên quy mô lớn như vậy, có thể xảy ra tại các công ty công nghệ lớn nhất và sinh lời bậc nhất thế giới.
Dữ liệu từ trang
Layoffs.fyi cho biết hơn 200.000 nhân sự ngành công nghệ đã bị sa thải từ năm 2022 đến nay. Mọi dấu hiệu đều chỉ ra rằng thị trường lao động có thể tiếp diễn tồi tệ trong phần còn lại của năm, khi mà ngành công nghệ bước vào thời kỳ hoàn vốn (pull-back period). Đối với đại đa số nhân sự bắt đầu đặt chân vào ngành này từ sau khủng hoảng kinh tế thế giới 2008 - 2009, đây có lẽ là lần đầu tiên họ phải chứng kiến một cuộc suy thoái trên toàn ngành công nghiệp như thế này.
Hơn 200.000 nhân sự IT mất việc, bong bóng công nghệ đã vỡ
Đại dịch COVID là một trong những điều… tuyệt vời nhất từng diễn ra đối với ngành công nghệ. Bởi ai ai cũng phải làm việc tại nhà, chính phủ các nước đồng loạt tung ra các chương trình trợ cấp với những khoản tiền khá hào phóng, kéo theo đó là số lượng tiền giao dịch trên internet cũng tăng chưa từng có tiền lệ. Gần như mọi công ty công nghệ, dù là công ty đại chúng hay tư nhân, đều đạt được những cột mốc cao nhất từ trước đến nay. Giá trị vốn thị trường của Zoom và Snapchat lần đầu cán mốc 100 tỷ USD, trong khi Meta thì đạt 1 nghìn tỷ USD.
Kết quả là, từ tháng 4/2020 đến tháng 1/2022, những công ty này đã tăng trưởng với tốc độ tên lửa: Meta, Snap, và Google liên tục tuyển dụng trên quy mô lớn; trong một số trường hợp, số lượng nhân sự của nhiều công ty thậm chí tăng gấp đôi trong chưa đầy một năm. Nếu bạn đang sở hữu một công ty với hàng chục ngàn nhân sự, thì đó quả thực là một thành tích vô tiền khoáng hậu.
Bên cạnh COVID, sự tăng trưởng của các công ty còn có yếu tố cái tôi và nhận thức. Nếu bạn là CEO một công ty, bạn tiền đầy túi, chi phí tuyển dụng gần như bằng không, thì làm sao có thể vượt qua cám dỗ của việc xây dựng thêm nhiều cơ sở, thuê thêm nhiều nhân viên, và chi đậm hơn cho marketing?
Nhưng hoá ra, tất cả chỉ là giả tạo, và sự tăng trưởng kia không hề bền vững. Khi những hạn chế do COVID dần nới lỏng, chính phủ ngừng trợ cấp (vì…hết tiền), lãi suất tăng cao, thì số tiền đang có chắc chắn quan trọng hơn rất nhiều so với số tiền bạn có thể thu về sau này. Tất cả những dự án mang tính đầu cơ - những thứ thường mất từ 3 - 4 năm mới cho kết quả, với lợi nhuận biên khá thấp - nay phải tạm hoãn hoặc bị đưa vào diện tái đánh giá nghiêm ngặt.
Nhiều chuyên gia nhận định, gốc rễ vấn đề nằm ở chỗ nhiều công ty công nghệ đã tuyển dụng quá nhiều, quá nhanh, và khi gió đảo chiều, họ trở thành nạn nhân đau đớn nhất của thị trường nói chung.
Một cơn bão hoàn hảo thổi bay hàng trăm ngàn giấc mơ tưởng chừng chưa bao giờ đẹp hơn thế.
Và có lẽ mọi chuyện sẽ chưa dừng lại. Nếu bạn cho rằng tình hình lúc này đã đủ tồi tệ, thì việc các công ty sa thải từ 2 - 3 đợt không phải là điều hiếm hoi, và những đợt sau thường nghiêm trọng không kém đợt đầu. Coinbase - sàn giao dịch tiền mã hoá hàng đầu nước Mỹ - từng khiến cả ngành công nghệ ngỡ ngàng khi sa thải đến 20% nhân sự, rồi chưa đầy 6 tháng sau đó tiếp tục sa thải thêm 18% nhân sự nữa!
Ít nhất thì những ai không may trở thành nạn nhân của bong bóng công nghệ lần này không phải buồn bã: tình hình sa thải hàng loạt không phải do năng lực của họ yếu kém, mà trên thực tế nó cho thấy bản thân hoạt động kinh doanh của công ty đang có dấu hiệu không ổn.

Tham khảo: JoinTaro
>> Đầu năm mới, Amazon sa thải 18.000 nhân viên
 


Đăng nhập một lần thảo luận tẹt ga
Top