Huawei và Ericsson đạt thỏa thuận cấp phép chéo bằng sáng chế dài hạn

T
Thanh Phong
Phản hồi: 0

TienCM

Pearl
Huawei vừa công bố hãng này và Ericsson đã ký thỏa thuận cấp phép chéo bằng sáng chế dài hạn trên quy mô toàn cầu bao gồm bằng sáng chế thiết yếu theo các tiêu chuẩn: 3GPP, ITU, IEEE và IETF cho công nghệ di động 3G, 4G và 5G.
Huawei và Ericsson đạt thỏa thuận cấp phép chéo bằng sáng chế dài hạn
Huawei và công ty Thụy Điển đã có hợp tác về giấy phép bằng sáng chế nhưng đây là thỏa thuận dài hạn đầu tiên giữa hai bên.
Theo đó, thoả thuận này cho phép đôi bên kinh doanh qua lại các thiết bị hạ tầng mạng và thiết bị tiêu dùng, cũng như quyền truy cập toàn cầu vào danh mục các công nghệ chuẩn hoá, đã được cấp phép của nhau.
Ông Alan Fan, Trưởng phòng sở hữu trí tuệ của Huawei cho biết: “Chúng tôi rất vui mừng khi đạt được Thỏa thuận cấp phép chéo bằng sáng chế dài hạn trên quy mô toàn cầu với Ericsson. Là các doanh nghiệp đóng góp mạnh mẽ vào danh mục bằng sáng chế thiết yếu tiêu chuẩn (Standard Essential Patents – SEP) cho lĩnh vực viễn thông di động, Huawei và Ericsson đều nhìn nhận được giá trị tài sản trí tuệ của nhau. Thỏa thuận hợp tác này sẽ giúp xây dựng một môi trường sáng chế mạnh mẽ hơn, đồng thời thể hiện sự cam kết của hai bên đối tác trong việc thúc đẩy sự tôn trọng và bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ đúng mực.”
Trong suốt 20 năm qua, Huawei là nhà cung cấp tiêu chuẩn ICT chính thống, bao gồm các lĩnh vực công nghệ di động, Wi-Fi và chương trình mã hoá dữ liệu đa phương tiện. Năm 2022, Huawei đứng đầu bảng xếp hạng các doanh nghiệp đăng ký bằng sáng chế của Văn phòng Sáng chế châu Âu với 4.504 đơn đăng ký.
Phát triển và kiếm tiền từ các bằng sáng chế là con đường để Huawei bù đắp doanh số bị mất và tìm kiếm sự tăng trưởng sau khi bị các lệnh trừng phạt của phương Tây siết chặt.
Vào năm 2019, Mỹ đã cấm các công ty xuất khẩu sang Huawei mà không có giấy phép để cắt đứt nguồn cung cấp chất bán dẫn quan trọng cần để sản xuất smartphone, khiến thị phần của hãng này trong lĩnh vực kinh doanh điện tử tiêu dùng bị sụt giảm đáng kể. Mỹ tin rằng Huawei đang giúp chính phủ Trung Quốc tiến hành hoạt động gián điệp mạng và trộm cắp công nghệ nên đã tăng cường các biện pháp kiềm chế. Huawei phủ nhận những cáo buộc như vậy.
Ở châu Âu, các nước Anh, Đan Mạch, Thụy Điển, Estonia, Latvia và Litva đều đã cấm các nhà mạng xây dựng mạng 5G bằng công nghệ Huawei. EU cũng đang xem xét lệnh cấm bắt buộc đối với các quốc gia thành viên sử dụng Huawei trong mạng 5G.
Chia sẻ với tờ FT, Paolo Pescatore, nhà phân tích tại PP Foresight, cho biết việc thúc đẩy hoạt động kinh doanh phí cấp phép là “huyết mạch cho Huawei nhằm tối đa hóa mọi cơ hội có thể có và sự chắc chắn lâu dài”. “Huawei đang ở trong tình thế bấp bênh, do tâm lý tiêu cực đối với công ty chủ yếu do lo ngại về địa chính trị.”
Huawei là chủ sở hữu bằng sáng chế 5G lớn nhất thế giới với 20% bằng sáng chế toàn cầu.
Vào năm 2021, công ty bắt đầu tính phí bản quyền cho các nhà sản xuất smartphone khi sử dụng 5G đã được cấp bằng sáng chế của mình và các công nghệ khác. Tháng trước, công ty tiết lộ rằng mức phí bản quyền tối đa cho thiết bị cầm tay 5G là 2,5 USD/chiếc, mức mà các chuyên gia pháp lý cho rằng thấp hơn đáng kể so với mức trung bình của ngành.
Doanh thu cấp phép của Huawei là 560 triệu USD vào năm ngoái, nghĩa là hãng mang lại thu nhập từ bằng sáng chế nhiều hơn số tiền phải trả cho các công ty khác để sử dụng bằng sáng chế của họ trong năm thứ hai liên tiếp.
Emil Zhang, người đứng đầu bộ phận quyền sở hữu trí tuệ của Huawei ở châu Âu, cho biết: “Người nắm giữ bằng sáng chế cần nhận được khoản bồi thường hợp lý từ ngành thực hiện bằng sáng chế . . . nhưng người thực hiện cũng có quyền tiếp nhận và chia sẻ công nghệ bằng cách trả tiền bản quyền hợp lý.”
Benjamin Grzimek, một đối tác chuyên về bằng sáng chế của Fieldfisher cho biết, sự tích cực gần đây trong việc kiếm tiền từ các bằng sáng chế của Huawei cho thấy “một sự thay đổi lớn trong chiến lược vì hãng này từng là nhà triển khai lớn [bằng sáng chế của người khác] trong một thời gian dài”.
Tuy nhiên, ông lưu ý rằng đó là một thông lệ kinh doanh thường xuyên đối với những hãng lớn trong việc phát triển các bằng sáng chế tiêu chuẩn tham gia vào các thỏa thuận cấp phép chéo để “tạo hòa bình giữa họ”.
>> Huawei kiếm được 560 triệu USD tiền phí bản quyền bằng sáng chế năm ngoái
 


Đăng nhập một lần thảo luận tẹt ga
Thành viên mới đăng
Top