Khoa học mô phỏng 100 tương lai của loài người vào năm 2100, tốt hay xấu đều do chúng ta

nhhgiap

Pearl
Khi xem những bộ phim chủ đề ngày tận thế, ta luôn nghĩ nếu nhân vật chính có khả năng biết trước tương lai phải chăng họ có thể né tránh thảm họa diệt vong. Khoa học đang nỗ lực biến điều đó thành sự thật. Họ sử dụng công nghệ máy tính để mô phỏng tất cả tương lai có thể xảy ra với loài người.
Frances Moore, nhà nghiên cứu chính sách môi trường từ Đại học California cùng các đồng nghiệp đã sử dụng những mô phỏng trên máy tính để dự đoán và phân tích 100.000 tương lai liên quan đến biến đổi khí hậu.

Khoa học mô phỏng 100 tương lai của loài người vào năm 2100, tốt hay xấu đều do chúng ta
Bằng cách chạy đi chạy lại các kịch bản, đồng thời điều chỉnh nhiều yếu tố khác nhau, chúng ta có cơ hội hiểu số phận loài người đang quay quanh trục tương lai nào. Với lượng phát thải carbon tăng nhanh, băng hai cực liên tục tan cùng nhiều sự kiện cực đoan khác, việc tìm ra những điểm trọng tâm như vậy là hết sức cấp thiết.
Moore và nhóm nghiên cứu đã tìm kiếm các yếu tố xã hội, kinh tế và chính trị có khả năng ảnh hưởng đến tỷ lệ phát thải để đưa vào mô hình dự đoán mức độ ấm lên năm 2100.
“Chúng tôi đang cố gắng hiểu đặc điểm nào trong hệ thống chính trị-xã hội-kỹ thuật cơ bản quyết định lượng khí thải”, ông nói. Họ đã thêm nhiều ràng buộc liên quan đến dữ liệu lịch sử và một số yếu tố xã hội như cách công chúng nhìn nhận về biến đổi khí hậu vào các biến mô phỏng.
“Các tín hiệu thiên nhiên cực đoan đang xuất hiện với tần suất dày đặc hơn, điều này buộc con người phải có cái nhìn nghiêm túc hơn về hiện tượng nóng lên toàn cầu, từ đó nghiên cứu và nhanh chóng tìm ra giải pháp. Xu hướng hướng tới sự phù hợp xã hội có thể tạo nên động lực chuyển đổi hệ thống quy mô lớn”, Moore nói.
Đó là lý do tại sao yếu tố nhận thức của xã hội và cộng đồng đóng vai trò rất quan trọng. Moore cũng xem xét yếu tố thành kiến ảnh hưởng như thế nào đến yếu tố xã hội. Điển hình như việc con người có xu hướng so sánh sự bất thường của thời tiết hiện tại với những gì họ nhớ trong tám năm qua, thay vì thời điểm xa hơn. Đây là một trong những điều ảnh hưởng đến tương lai loài người và cần được tìm hiểu sâu hơn.
Kết quả mô phỏng có thể bị chi phối bởi các yếu tố xã hội đan xen chặt chẽ với chi phí và hiệu quả của công nghệ giảm thiểu, cũng như khả năng phản ứng nhanh chóng của các thể chế chính trị.
Tin tốt là mô hình cho thấy khi mọi tính toán được đưa vào thực tế, khả năng tăng tốc giảm phát thải của con người sẽ rất cao. Hơn 90% mô phỏng của họ kết luận chúng ta đang đi đúng hướng để giảm nhiệt độ ấm lên toàn cầu từ 3,9 độ C vào năm 2100 xuống ít nhất khoảng 3,4 độ C.
Trong tình huống xấu nhất, nhóm nghiên cứu lưu ý: "Dân số phần lớn thường phân tán theo quan điểm chính sách. Nếu các thể chế chính trị thiếu phản ứng, có khả năng cao sẽ làm trì hoãn chính sách khí hậu cho đến sau năm 2080".
Các mô phỏng cho thấy hiện nay rất khó để duy trì nhiệt độ dưới 1,5 độ C, ngay cả trong một 'kịch bản hành động tích cực', giống như các nghiên cứu khác đã cảnh báo. Điều này không có gì đáng ngạc nhiên, Moore và nhóm giải thích, vì mức 1,5 độ C yêu cầu sử dụng rộng rãi các công nghệ “phát thải âm” chưa ra đời ở điều kiện thực tế.
Thêm nữa, nhiều khu vực trên thế giới mất khả năng cải thiện lượng carbon dựa vào hệ sinh thái.
Tuy nhiên, các kịch bản trong tương lai chứng minh rằng chúng ta vẫn có một cơ hội tốt để giữ lượng khí thải dưới 2 độ C. 30% kết quả dự đoán tương lai diễn ra như thế này:
“Nhờ sự ủng hộ lớn dần đối với các chính sách khí hậu, nhiều dự án và kế hoạch tham vọng bắt đầu ra đời kể từ năm 2020. Công nghệ giảm phát thải hiệu quả cùng với nhận thức gia tăng trên toàn thế giới mang đến hy vọng giảm lượng khí thải toàn cầu xuống con số không vào năm 2060”, Moore tuyên bố.
Nhóm nghiên cứu thừa nhận vẫn còn nhiều ẩn số chưa được xem xét, nhưng công trình này giúp chúng ta có cái nhìn tổng quan về cách các mô hình khí hậu kết nối với thế giới con người, ở quy mô cá nhân, quốc gia và toàn cầu.
Các nhà khoa học kết luận tương lai có trở nên tốt hơn hay không đều phụ thuộc vào yếu tố thái độ xã hội, cải tiến, cắt giảm chi phí công nghệ và khả năng đáp ứng của hệ thống chính trị. Cho dù nắm trong tay những tiến bộ công nghệ tốt nhất, nhưng nếu loài người tiếp tục phạm sai lầm thì diệt vong là viễn cảnh không thể tránh khỏi.
Nguồn: Sciencealert
 


Đăng nhập một lần thảo luận tẹt ga
Thành viên mới đăng
Top