Không có tủ lạnh, người cổ đại bảo quản thực phẩm như thế nào?

Trong nhiều thiên niên kỷ, khi không có tủ lạnh, con người đã phải tìm ra những cách thông minh để bảo quản thực phẩm. Những cách làm này đã làm chậm sự phát triển của vi sinh vật gây bệnh từ thực phẩm hoặc làm thực phẩm bị thối rữa.
Rất nhiều phương pháp bảo quản như ướp muối, sấy khô, hun khói, ngâm chua và lên men đã được sử dụng trong một thời gian dài. Dù vậy, đó là những cách được sáng tạo ra khi cuộc sống đã có những bước tiến bộ. Vào thời cổ đại, trong thời kỳ săn bắn hái lượm, con người cũng phải bảo quản thực phẩm. Vậy tổ tiên của chúng ta đã làm như thế nào?
Vào một buổi sáng mùa thu năm 2015, hai người nông dân ở Michigan đã có một phát hiện bất ngờ: một chiếc xương chậu từ một con voi ma mút. Sau vài cuộc điện thoại và một cuộc khai quật, nhóm nghiên cứu đã phát hiện ra thêm bằng chứng cổ sinh vật học và khảo cổ học giúp bối cảnh về sự tồn tại của chiếc xương này được rõ ràng hơn.
Vào hơn 11.000 năm trước, đàn voi ma mút đã lang thang khắp Bắc Mỹ. Đối với những người cổ đại, việc săn được voi ma mút như là trúng xổ số. Vì vậy, họ phải tìm cách bảo quản và phương pháp được thực hiện là bỏ đồ ăn thừa xuống ao.
Không có tủ lạnh, người cổ đại bảo quản thực phẩm như thế nào?
Giáo sư Daniel Fisher, công tác tại Bảo tàng cổ sinh vật học thuộc Đại học Michigan trả lời LiveScience: 'Ao là nơi cất giữ các phần thịt voi chưa dừng đến một cách lý tưởng. Còn lựa chọn nào hợp lý hơn việc cất giữ đồ ăn dưới ao để tránh những kẻ săn mồi và động vật ăn xác thối'.
Phần thịt chưa dùng tới được đặt trong nhiều ao nhỏ, nông nằm rải rác trong cảnh quan hậu băng hà. Tuy nhiên, chính xác thì nước không phải là yếu tố giúp bảo quản thịt, nó được thực hiện bởi vi khuẩn Lactobacilli, sống trong nước.
Lactobacilli tạo ra axit lactic, một sản phẩm phụ hóa học của quá trình hô hấp kỵ khí. Vi khuẩn xâm nhập vào thịt và axit lactic được tạo ra giúp bảo quản thịt. Fisher cũng cho rằng nhiệt độ thấp và hàm lượng oxy thấp trong nước đã hỗ trợ quá trình bảo quản.
Đồng thời, Fisher cũng cho rằng những cuộc đi săn của người cổ đại được thực hiện vào mùa thu. Những con vật bị xẻ thịt ngay tại nơi chúng chết. Cuối cùng, những tảng thịt lớn sẽ được thả xuống các ao nước gần đó. Thịt vẫn có thể ăn được cho đến tận mùa hè năm sau. Fisher đã thực hiện các thí nghiệm sử dụng hươu, nai, ngựa cho vào nước. Ông nhận thấy rằng thịt vẫn có thể ăn được (sau khi đã nấu chín để tiêu diệt vi khuẩn có hại) ngay cả khi đã ngập trong các ao nhỏ lạnh giá trong nhiều tháng.
Fisher trả lời LiveScience: 'Axit lactic cũng làm mềm thịt. Nó làm cho thịt có mùi vị đậm đà giống như pho mát Limburger và tạo nên một bữa ăn thú vị'.
Giữ lạnh thức ăn là một điều khá hợp lý nhưng không phải vùng đất nào cũng có những ao nhỏ để bảo quản. Vì vậy, tại nhiều nơi người cổ đại đã chôn thực phẩm để giữ nó luôn tươi. Việc chôn thực phẩm giúp che chắn nó khỏi ánh sáng mặt trời, nhiệt và oxy - những yếu tố khiến đồ ăn nhanh hỏng.
Tại Bắc Âu, con người ở các nền văn minh cổ đại sẽ đặt thực phẩm, bao gồm cả bơ vào những vũng lầy để bảo quản. Các nhà khảo cổ học đã lấy được những miếng bông chứa một chất giống như sáp từ bãi cỏ ngập nước. Các nhà nghiên cứu đã thực hiện các phân tích hóa học trên chất sáp và xác định nó là một sản phẩm từ sữa, họ đặt cho nó một cái tên khá vui nhộn là 'bơ đầm lầy'.
Jessica Smyth, trợ lý giáo sư tại Trường Khảo cổ học University College Dublin đã công bố một công trình về 'bơ đầm lầy' trên tạp chí Nature vào năm 2019 cho rằng: 'Trong vòng 2 hoặc 3 năm, chất béo trong bơ tươi sẽ phân giải thành các thành phần cấu thành. Thứ còn lại là một tảng axit béo'.
Theo LiveScience
 


Đăng nhập một lần thảo luận tẹt ga
Thành viên mới đăng

Gợi ý cộng đồng

Top