Không phải Trung Quốc, Mỹ mới là nước gây ô nhiễm nhựa nhất thế giới

Mỹ là nước gây ô nhiễm nhựa tồi tệ nhất thế giới, lượng rác thải nhựa cao hơn toàn EU cộng lại. Theo Iflscience, Mỹ là đất nước rộng lớn và dẫn đầu thế giới trên nhiều lĩnh vực. Tuy nhiên, không phải lúc nào đứng đầu cũng là tốt.
Điển hình như ô nhiễm về nhựa: trên toàn thế giới thải ra 242 triệu megaton mỗi năm, tương đương với trọng lượng của 10 tỷ Tượng Nữ thần Tự do cộng lại. Hơn 1/6 trong tổng số đó đến từ một quốc gia – chính là Mỹ.
Không phải Trung Quốc, Mỹ mới là nước gây ô nhiễm nhựa nhất thế giới
Báo cáo mới từ Viện Hàn lâm Khoa học, Kỹ thuật và Y học Quốc gia cho biết: “Vào năm 2016, Mỹ là quốc gia tạo ra rác thải nhựa hàng đầu”. Báo cáo này là một phần của Đạo luật Save Our Seas 2.0, được thông qua với sự ủng hộ của cả đảng Dân Chủ và Cộng Hòa vào tháng 12 năm 2020.
Margaret Spring, giám đốc khoa học và bảo tồn tại Monterey Bay Aquarium, người chủ trì ủy ban các chuyên gia biên soạn báo cáo cho biết: “Rác thải nhựa là một cuộc khủng hoảng môi trường và xã hội mà Mỹ cần giải quyết dứt điểm, đặc biệt là với môi trường biển”.
Spring nói thêm: “Chất thải nhựa từ Mỹ tạo ra gây ra rất nhiều hậu quả - tác động đến các cộng đồng nội địa và ven biển, gây ô nhiễm sông, hồ, bãi biển, vịnh và đường thủy. Nó đặt ra gánh nặng kinh tế và xã hội lên các nhóm dân cư dễ bị tổn thương, gây nguy hiểm cho các sinh cảnh biển và động vật hoang dã, đồng thời làm ô nhiễm các vùng nước mà con người dựa vào đó để kiếm thức ăn và sinh kế”.
Báo cáo cho thấy, Mỹ chịu trách nhiệm về “khoảng 42 [triệu megaton] rác thải nhựa vào năm 2016 - nhiều gấp đôi hầu hết các quốc gia khác trên hành tinh, hơn toàn bộ 28 quốc gia thuộc Liên minh Châu Âu cộng lại”. Tính bình quân đầu người, mỗi người Mỹ tạo ra khoảng 130 kg rác thải nhựa hàng năm.
Báo cáo lưu ý rằng phần lớn chất thải này được đưa vào các bãi chôn lấp nhưng một lượng lớn đã bị rò rỉ ra môi trường. Ngoài ra, báo cáo cũng đề cập đến hành vi vô trách nhiệm như xả rác hoặc vận chuyển tương đương 68.000 thùng chứa rác đến các nước đang phát triển. Ngay cả chất thải nhựa được quản lý đúng cách cũng có thể tồn tại trong môi trường mà không thể bị phân hủy ngay.
Chúng ta đã biết hậu quả của việc này sẽ như thế nào: trong vòng chưa đầy một thập kỷ, “lượng chất thải nhựa thải ra đại dương có thể lên tới 53 [triệu megaton] mỗi năm vào năm 2030, tương đương một nửa trọng lượng hải sản đánh bắt từ đại dương mỗi năm”.


Theo một báo cáo năm 2016 của Tổ chức Ellen Macarthur, đại dương được cho là có nhiều nhựa hơn cá vào năm 2050. Đó là nguyên nhân dẫn đến vô số loài được phát hiện bị nghẹt thở, ngạt thở, bị nhiễm độc, v.v.. Tổ chức này mô tả nó giống như ‘một trận đại hồng thủy rác thải nhựa trên quy mô toàn cầu, ở khắp mọi nơi mà chúng ta nhìn thấy’.
Sản xuất ngày càng tăng, chất thải ngày càng tăng và do đó Jenna Jambeck, một thành viên của ủy ban khoa học đứng sau báo cáo, nói với The Guardian: “Có một sự cấp bách đối với vấn đề này. Sản xuất ngày càng tăng, chất thải ngày càng tăng và do đó rò rỉ nhựa ra môi trường cũng ngày càng tăng”.
Giải pháp - hoặc ít nhất là khởi đầu của một giải pháp - được đưa ra trong một kế hoạch can thiệp sáu điểm. Đầu tiên, ủy ban nói rằng Mỹ nên giảm sản xuất nhựa, đặc biệt là nhựa không thể tái sử dụng hoặc tái chế. Sự can thiệp thứ hai đưa vấn đề này đi xa hơn, yêu cầu tìm ra các vật liệu thay thế nhựa - những vật liệu phân hủy nhanh hơn hoặc có thể tái chế hay tái sử dụng dễ dàng hơn.
Thứ ba, chúng ta cần thay đổi các loại nhựa mà chúng ta sử dụng - khá đơn giản, nếu chúng ta sử dụng ít sản phẩm dùng một lần thì chúng ta sẽ vứt bỏ rác ít hơn.
Mục tiêu can thiệp thứ tư là cải thiện hệ thống quản lý chất thải của quốc gia - có nghĩa là mọi thứ từ cơ sở hạ tầng, thu gom, xử lý, kiểm soát rò rỉ, thậm chí cả kế toán. Đặc biệt, ủy ban khuyến nghị “nỗ lực tăng cường thu gom nhựa vào hệ thống quản lý chất thải, tái chế nhựa và cách ly hoặc xử lý [chất thải] nhựa còn lại để tránh rò rỉ ra môi trường” - về cơ bản, tái chế nhiều hơn và bảo quản thật kỹ những gì không thể tái chế.
Điểm năm liên quan đến "thu giữ chất thải." Nói cách khác, chúng ta cần bắt đầu nhặt rác, dọn dẹp sông hoặc bãi biển nơi nhựa tích tụ… Báo cáo chỉ ra nếu chúng ta dọn sạch chất thải trước khi nó ra biển, nhiệm vụ làm sạch đại dương sẽ dễ dàng hơn nhiều: bản thân việc nạo vét biển là “rất tốn kém, không hiệu quả và không thực tế”.
Điểm thứ 6 là kêu gọi “giảm thiểu việc thải rác nhựa ra biển” - có nghĩa là cần ngừng xả rác trực tiếp xuống biển như hiện nay.
Tất nhiên, những điều này nói thì dễ hơn làm. Đầu tiên là cơ sở hạ tầng "hoàn toàn không đủ" để giải quyết nó. Và cũng không phải một, hai giải pháp là có thể giải quyết vấn đề. Tuy nhiên, báo cáo đưa ra một tầm nhìn “mạnh mẽ về mặt khoa học”. Ủy ban này cho rằng Mỹ có thể giữ vai trò dẫn đầu trong cuộc chiến chống ô nhiễm nhựa trên toàn thế giới, ảnh hưởng đến sự đổi mới, sản xuất và kinh tế toàn cầu.
Một thông cáo báo chí từ Viện Hàn lâm quốc gia cho biết: “Báo cáo khuyến nghị Mỹ thiết lập một chiến lược nghiên cứu và chính sách liên bang chặt chẽ, toàn diện và xuyên suốt để giảm lượng rác thải nhựa ra môi trường và đại dương. Chiến lược này nên được phát triển bởi một nhóm chuyên gia hoặc cơ quan tư vấn bên ngoài trước ngày 31 tháng 12 năm 2022. Việc thực hiện chiến lược phải được đánh giá trước ngày 31 tháng 12 năm 2025”.
Nguồn: Iflscience
 


Đăng nhập một lần thảo luận tẹt ga
Thành viên mới đăng
Top