Làn sóng di dời sản xuất của Apple khỏi Trung Quốc có thực sự diễn ra?

Không ít thông tin mang tính nhận định và cả dự báo, phỏng đoán cho rằng, từ năm 2019 tới nay, khi thương chiến Mỹ - Trung xảy ra và hai bên cạnh tranh gay gắt, rồi tới đại dịch COVID-19 gây đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu, Apple đã di dời một phần sản xuất khỏi Trung Quốc.

Có lúc “ẩn mình chờ thời”

Nhưng tới thời điểm này, điều chúng ta có thể thấy, là chả xảy ra làn sóng di dời sản xuất nào của Apple khỏi Trung Quốc cả. Apple tiến hành sản xuất tai nghe AirPods và AirPods Pro, Apple Watch và cả máy tính bảng tại Việt Nam đi nữa, thì cũng không phải xuất phát từ động thái làn sóng di dời sản xuất khỏi Trung Quốc. Apple quyết định đầu tư dự án 1 tỉ USD vào Indonesia, đó cũng không nằm trong làn sóng di dời sản xuất khỏi Trung Quốc. Apple đã đầu tư nhà máy sản xuất iPhone tại Ấn Độ và đang quyết liệt thúc đẩy gia tăng sản lượng tại một đất nước có dân số xấp xỉ Trung Quốc và thị trường lớn trong Top 5 thế giới, nhưng rất tiếc đó cũng không phải là động thái của làn sóng di dời sản xuất khỏi Trung Quốc. Các nhận định và dự đoán rất dễ có điểm chung rằng, việc Apple di dời sản xuất một phần khỏi Trung Quốc chỉ có lợi cho “ông lớn” này vì rất nhiều quốc gia mong chờ và trải thảm đỏ mời gọi Apple đầu tư dự án mở nhà máy sản xuất (tất nhiên là từ các đối tác của Apple chứ không phải do Appletrực tiếp đầu tư) các loại thiết bị đặc biệt là iPhone. Nhưng trên thực tế, vấn đề không đơn giản vậy. Chính sách chào đón đầu tư tốt tại nhiều quốc gia Châu Á là một chuyện, nhưng phức tạp hơn còn là chuỗi cung ứng cho các nhà máy sản xuất, nguồn nhân lực tại địa phương… Và còn nữa, sự bảo thủ và cực kỳ thận trọng của Apple, sẽ khiến cho không dễ xảy ra làn sóng di dời trên thực tế. Quay lại giai đoạn 2017-2019, Apple gặp rất nhiều khó khăn tại thị trường Trung Quốc khi doanh số sụt giảm. Khi đó, Apple bị Huawei cạnh tranh mạnh mẽ. Huawei cùng với nhiều thương hiệu smartphone Trung Quốc khác đã đẩy Apple rơi khỏi Top 5, còn Samsung thì văng khỏi Top 10. Nhưng phản ứng, đối sách của Apple như thế nào? Không thay gì cả. Thay vào đó Apple đã “ẩn mình chờ thời” như cách nhà lãnh đạo lỗi lạc Đặng Tiểu Bình của Trung Quốc từng áp dụng cho nền kinh tế và chính trị tại quốc gia này. Trong khi đó, Samsung thực hiện đối sách hoàn toàn khác, gần như rút dần toàn bộ sản xuất khỏi Trung Quốc đặc biệt là mảng sản xuất smartphone. “Ẩn mình chờ thời” và cũng gặp thiên thời. Thương chiến Mỹ - Trung với việc Huawei bị chính quyền Mỹ đưa vào “Entity list” và bị cấm vận, nhà sản xuất smartphone số 1 Trung Quốc khi đó đã dần mất đi thế mạnh, phải ngừng sản xuất những dòng smartphone ưu việt có khả năng cạnh tranh vượt trội cả về công nghệ, chất lượng và giá cả so với Samsung và cả Apple.

Thị trường “con gà đẻ trứng vàng” cho Apple

Trong khoảng 3 năm trở lại đây, thị phần của Apple tại Trung Quốc đã trở lại. Apple hưởng lợi không ít từ phần thị phần của Huawei. Mặt khác có thể thấy, sau khi Huawei “gục ngã” trên thị trường smartphone, các thương hiệu smartphone Trung Quốc còn lại cũng không cho thấy một sự bứt phá thực sự ấn tượng như Huawei từng làm được. Có lẽ, một phần năng lực R&D và đầu tư cho vấn đề này của các hãng không được như Huawei, một phần sau khi Huawei phải tạm dừng “cuộc chơi” smartphone thì các hãng còn lại không phải cạnh tranh gay gắt như trước để có được sự tăng trưởng thị phần. Trong khi đó, lượng khách hàng trung thành của iPhone nói riêng và Apple nói chung vẫn còn đó. Một phần trong số họ và cả những khách hàng mới cần phải tìm sự thay thế xứng tầm cho Huawei cả về đẳng cấp và thương hiệu, và Apple chính là sự lựa chọn số 1 trong trường hợp này. Đại dịch COVID-19, hàng loạt tỉnh, thành tại Trung Quốc bị phong tỏa, Apple vẫn kiên trì chờ thời. Việc đưa một số dây chuyền sang các quốc và vùng lãnh thổ để duy trì nhịp sản xuất (như Việt Nam, Ấn Độ, Đài Loan…) là điều bình thường chứ không phải là một cuộc “tháo chạy”. Điều này đã diễn ra từ năm 2020 đến nay và vẫn tiếp tục như vậy. Cho đến trước thời điểm iPhone 14 ra mắt, tình hình dịch COVID-19 tại Trung Quốc lắng xuống. Tuy nhiên từ nửa cuối tháng 10/2022 tới nay, dịch lại bùng phát tại một số khu vực có nhà máy của Foxconn ở Trung Quốc khiến sản xuất lại đình trệ, dẫn đến chậm nguồn cung iPhone đến các thị trường trong đó có Việt Nam. Cần biết rằng, Ấn Độ là quốc gia ngoài Trung Quốc đầu tiên đã sản xuất iPhone và thông tin được cho rằng khả năng gần nhất trong thời gian tới là Indonesia, nhưng cho dù thế thì các nhà máy sản xuất iPhone tại Trung Quốc vẫn còn đảm nhận từ 80% sản lượng trở lên. Như vậy, thời gian đã trải qua gần 4 năm từ khi thương chiến Mỹ - Trung xảy ra và gần 3 năm từ khi đại dịch COVID-19 bùng phát, vẫn không có làn sóng di dời sản xuất nào của Apple rời khỏi Trung Quốc. Việc tái cơ cấu, phân bố lại mạng lưới sản xuất và cung ứng sau mỗi giai đoạn là điều bình thường. Việc điều chuyển một phần và mở rộng điểm sản xuất chính là tính toán trong chiến lược kinh doanh để hạn chế rủi ro, ách tắc từ đó hiệu quả hóa việc cung ứng linh kiện và sản phẩm. Đối sách của Apple tại Trung Quốc là cả một sự nhẫn nhịn, mềm nắn rắn buông và “ẩn mình chờ thời”, rất khác với đối sách của nhiều “ông lớn” Mỹ và phương Tây khác đã áp dụng tại Trung Quốc. Chính vì thế, sau khi Huawei bị cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump “khai đao”, thị phần iPhone đã trở lại cùng với những “quả trứng vàng” lợi nhuận. Theo thống kê trong 24 tháng qua, lợi nhuận của Apple tại Trung Quốc (bao gồm Hong Kong, Macau, Đài Loan và đại lục) đã tăng 104%, và đạt mức lợi nhuận 31,2 tỉ USD trong 12 tháng tính đến tháng 9/2022. Lợi nhuận của Apple thậm chí còn cao hơn lợi nhuận của nhiều “ông lớn” công nghệ Trung Quốc cộng lại. Dạ Thảo
 


Đăng nhập một lần thảo luận tẹt ga
Thành viên mới đăng
Top