Làng trông xe đi sân bay ở Hà Nội

TienCM

Pearl
8h sáng 10/2, vợ chồng anh Nguyễn Văn Thành lần thứ năm phải chạy xe máy sang sảnh A, nhà ga T1 sân bay Nội Bài để nhận xe ôtô khách gửi, lái về nhà.
"Họ đều là khách quen nên tôi mới dám nhận xe tại sảnh rồi tự lái về bãi. Khách lạ thì phải đánh xe vào tận nơi. Buổi chiều còn nhiều nữa", anh Thành, 47 tuổi, chủ bãi giữ xe Thành Hùng, nói.
Trước đây, vợ chồng anh Thành cũng như hầu hết người dân làng Tân Trại, xã Phú Cường, huyện Sóc Sơn mưu sinh bằng nghề trồng lúa, hoa màu. Năm 1995, sân bay Nội Bài xây dựng nhà ga nội địa T1, một phần ruộng của gia đình bị thu hồi do nằm trong đất quy hoạch. Đến khi xây ga quốc tế T2, gia đình anh chỉ còn lại hơn 200 m2. Không đủ cày cấy, vợ chồng bỏ không mảnh ruộng, chuyển làm nghề tự do, mỗi tháng kiếm khoảng 5 triệu đồng, không đủ cho bốn miệng ăn.
Năm 2014, thấy nhiều khách muốn tự đi ôtô từ nội thành ra sân bay nhưng không biết gửi xe ở đâu, một vài gia đình trong làng mở dịch vụ trông giữ xe ôtô. Anh Thành bàn với em trai tận dụng mảnh đất vườn bố mẹ để lại, mở bãi gửi xe.
Hai người lấy một phần đất, nâng nền cao, láng bê tông làm sàn, dựng cột làm mái che, chứa được 10 xe. Khách gửi xe được trung chuyển miễn phí từ bãi ra sân bay. Riêng khách quen hỗ trợ nhận xe tại sân bay rồi đưa về bãi.
Làng trông xe đi sân bay ở Hà Nội
Anh Thành chỉ vào chiếc ôtô khách vừa gửi vào bãi xe của gia đình tại thôn Tân Trại, xã Phú Cường vào sáng 10/2. Ảnh: Quỳnh Nguyễn.
"Em tôi vốn lái taxi nên nhận việc giao nhận xe. Tôi quanh quẩn ở bãi trông giữ vì không biết lái. Dịch vụ tốt, xe gửi ngày càng nhiều, anh em tôi mở rộng bãi. Nay có thể chứa tối đa 60 xe", anh Thành cho biết.
Từ năm 2018, nhu cầu trả xe tại sân bay cho khách ngày càng cao, lắm khách gọi cùng lúc khiến người em xoay không kịp, người anh vốn chỉ quen làm ruộng bấy giờ mới đi học lái. "Giờ tôi có bằng, lái thành thạo rồi. Anh em chia nhau làm đỡ vất vả", anh Thành cười.
Trung bình mỗi ngày vợ chồng anh Thành cùng em trai chạy 50 chuyến từ nhà ra sân bay cách đó chừng một cây số để nhận xe gửi mới và trả xe cho khách. Thu nhập của vợ chồng anh hiện gấp ba so với ngày làm ruộng, đủ dư giả nuôi các con ăn học và tích góp một khoản phòng thân.
Theo khảo sát của phóng viên VnExpress, cứ cách hai ba nhà tại làng Tân Trại lại có một biển "Trông giữ xe ôtô". Ước tính, cả làng có khoảng 70 bãi, nhỏ nhất có sức chứa từ 5 đến 7 xe, nhiều bãi lớn có thể chứa đến vài chục xe. Hầu hết các bãi đều có giấy phép kinh doanh, có tường bao, lắp hệ thống mái che, phòng cháy chữa cháy, camera giám sát. Giá trông giữ là 60.000 đồng một ngày.
"So với giá khoảng 240.000 đồng một ngày tại sân bay, mức này khá hợp lý. Đặc biệt, các bãi xe ở đây đều có mái che, sân rộng, xe không bị va quệt, xây xước mà an ninh đảm bảo. Khi gửi còn được đưa đón miễn phí hai chiều", anh Nguyễn Hùng, khách gửi ôtô tại làng Tân Trại từ năm 2017 mỗi khi đi công tác, nói.
Là khách quen, anh Hùng không phải vào tận làng mà giao xe cho chủ bãi ngay tại sân bay. Anh chia sẻ, khi mới biết dịch vụ này cũng khá e ngại khi giao xe nhưng gửi nhiều thành quen và đặc biệt là các bãi đều có camera, trước khi gửi đều chụp lại công tơ mét nên rất an tâm.
Làng trông xe đi sân bay ở Hà Nội
Anh Tuấn, chồng chị Nguyễn Thị Bình, chủ một bãi xe ở làng Tân Trại, khoe cách lưu các số điện thoại người gửi xe theo biển số, để dễ nhớ, dễ tìm xe, sáng 10/2. Ảnh: Quỳnh Nguyễn.
"Làm nghề trông xe tưởng nhàn nhưng bận bịu không khác gì chăm con mọn", chị Nguyễn Thị Bình, 51 tuổi, chủ bãi xe Tuấn Bình, nói.
Chị cho biết, nghề trông giữ xe trở thành lối thoát sinh kế cho hầu hết người dân làng Tân Trại bởi hầu hết ruộng đất đã bị thu hồi để xây dựng và mở rộng sân bay. Công việc này tuy không vất vả như làm ruộng nhưng thời gian lại bó buộc. Không chỉ ngồi trông, các chủ bãi phải hỗ trợ giao nhận xe tận nơi và chở khách miễn phí. Cứ khách gọi là đi, chẳng kể ngày đêm. Đêm nào ít chuyến bay thì chị phải đi một hai lần, có nhiều đêm phải chạy ra sân bay năm sáu lần, giấc ngủ vì thế mà luôn trong tình trạng chập chờn. "Cả đợt Tết vừa rồi, vợ chồng tôi chẳng dám đi đâu, chỉ nhận và trả xe là hết ngày", chị Bình nói.
Chị trước làm nông, anh Tuấn, chồng chị, lái taxi trong sân bay. Năm 2015, thấy tiềm năng của dịch vụ trông xe ôtô tại nhà lớn, vợ chồng chị chuyển hướng. Nhưng sân hẹp, chứa tối đa được năm xe, chị thuê mảnh đất cạnh nhà, mỗi tháng trả 10 triệu đồng để mở rộng nơi trông đỗ.
Thời gian đầu mở bãi, chị Bình bị mất ngủ kéo dài vì không quen với giờ giấc. "Ăn bữa cơm đến 4-5 lần vẫn chưa xong vì cứ đang ăn lại bỏ dở vì khách gọi", chị thở dài. Chưa kể, đêm mùa đông mưa phùn gió bấc, trời rét căm căm vẫn phải đi giao xe hoặc chở khách ra sân bay. Con cái đi làm xa, bãi xe do hai vợ chồng chị quản lý nên vất vả gấp bội.
Hiện mỗi tháng, bãi xe nhà chị Bình thu lãi gần 20 triệu đồng, đã trừ chi phí thuê mặt bằng. Chị nói, khoản tiền không nhiều, nhưng gấp nhiều lần ngày còn làm nông. Nay ruộng không còn, vợ chồng cũng đã nhiều tuổi nên chỉ biết nương nhờ vào bãi xe.
Làng trông xe đi sân bay ở Hà Nội
Con đường dẫn vào làng Tân Trại sáng 10/2. Cứ cách một hai nhà lại có một bãi gửi xe gia đình. Nhà ít đất có sức chứa khoảng năm xe, nhà nhiều thì vài chục xe. Ảnh: Quỳnh Nguyễn
"Thời chưa có Covid, khi nhà ga quốc tế T2 còn hoạt động bình thường, xe ôtô nườn nượp chạy suốt ngày đêm. Đường làng, lại ở ngoại thành mà không ít lần ùn tắc", ông Lê Bảy, 71 tuổi, chủ bãi gửi xe Bảo Lộc, kể.
Mười năm trước, vợ chồng ông Bảy gom tiền dựng tám phòng trọ cho nhân viên sân bay thuê dài hạn. Mỗi căn rộng 24 m2, tốn vài chục triệu đồng tiền xây sửa, giá cho thuê một triệu đồng. Cuối năm 2019, lượng khách thuê trọ giảm một nửa, trong khi nhu cầu gửi ôtô tăng cao, ông Bảy phá bỏ dãy trọ làm bãi xe, chứa tối đa 28 ôtô rồi cho hai con quản lý, tháng thu lãi vài chục triệu đồng.
"So với những năm kinh doanh nhà trọ, mở bãi xe đơn giản hơn nhiều, chi phí đầu tư thấp lại thu hồi vốn nhanh. Kinh tế ổn định", ông nói.
Nhưng hai năm dịch bệnh, hàng không bị đóng băng khiến gia đình ông Bảy cùng nhiều hộ có bãi xe từng sống dư dả, bỗng lao đao. "Ngày trước các bãi xe trong làng đều kín chỗ, nhưng mấy tháng dịch nhiều bãi để không, phải đóng cửa. Ngủ tròn giấc nhưng chẳng còn nguồn thu, phải tiêu vào tiền tích góp", ông Bảy thở dài. Nhưng ngay khi đường bay được nối lại từ tháng 10/2021, nhu cầu di chuyển đường hàng không tăng, làng Tân Trại nhộn nhịp trở lại.
Ông Phan Trường Thành, Phó trưởng phòng Kế hoạch tài chính, Sở Giao thông vận tải Hà Nội, cho biết, từ năm 2019, thành phố đã có Nghị quyết 07 về khuyến khích người dân lấy đất nhà, đầu tư làm bãi đỗ xe. "Trước mắt chúng tôi đang thí điểm khu vực nội đô vì nơi đây đang thiếu các bãi gửi xe. Còn đối với mô hình ở xã Phú Cường sẽ phải căn cứ vào giấy phép kinh doanh và đơn vị nào cấp để xem xét. Nhưng trên thực tế vẫn chỉ là tạm thời vì chưa có trong quy định", ông Thành nói.
Những ngày đầu năm mới, người làng Tân Trại lại tất bật nhận xe ôtô vào bãi. "Anh ra ga quốc nội lấy xe gấp. Tôi sắp muộn giờ bay", vị khách quen gọi vào máy của anh Thành. Vợ chồng lại bỏ dở bữa trưa lúc hai giờ chiều, lấy xe máy chạy ra sân bay.
"Cái nghề của tôi nó vậy. Khách gọi giờ nào đi giờ đó. Khổ một tí nhưng nó ra tiền, nên cố làm. Còn tương lai sau này sẽ mở rộng kinh doanh hay đóng cửa khi có các đơn vị chuyên nghiệp hơn, tôi chưa dám nghĩ đến", anh Thành cười.
Theo Quỳnh Nguyễn/VnExpress
 


Đăng nhập một lần thảo luận tẹt ga
Thành viên mới đăng
Top