Lãnh đạo Hội Truyền thông số đề nghị Google đối xử công bằng giữa doanh nghiệp Việt và doanh nghiệp Anh

T
Thanh Phong
Phản hồi: 0

TienCM

Pearl
Ông Nguyễn Xuân Cường đã lên tiếng đề nghị Bộ TT&TT cần sớm trao đổi với YouTube để đảm bảo quyền kinh doanh giữa doanh nghiệp Anh và doanh nghiệp Việt Nam trong vụ tranh chấp bản quyền giữa hai bộ nhân vật hoạt hình Wolfoo (của Sconnect Việt Nam) và Peppa Pig (của Entertaiment One UK).
Liên quan đến vụ tranh chấp bản quyền giữa hai bộ nhân vật hoạt hình Wolfoo và Peppa Pig, mới đây, ông Nguyễn Xuân Cường, Phó Chủ tịch Hội Truyền thông số Việt Nam (VDCA) đã bày tỏ quan điểm cá nhân của ông về trách nhiệm của nền tảng YouTube trong việc đảm bảo công bằng cho các nhà sáng tạo nội dung số.
Ông Nguyễn Xuân Cường cho rằng, Sconnect đã giành nhiều lợi thế khi thắng kiện tại Toà án Moscow (Liên bang Nga). Hiện nay hai bên đang kiện ngược lẫn nhau tại hai toà án, EO khởi kiện Sconnect ở Toà án London (Vương quốc Anh) và Sconnect khởi kiện EO ở Toà án nhân dân TP Hà Nội. Để đảm bảo công bằng cho cả hai bên trong khi chờ phán quyết của toà án, Bộ TT&TT cần có ý kiến với YouTube để đảm bảo công bằng về quyền kinh doanh giữa doanh nghiệp Anh và doanh nghiệp Việt trên nền tảng này.
“Hiện nay YouTube đã khoá các video Wolfoo của Sconnect do EO nộp đơn khiếu kiện ở toà án London, thì YouTube cũng cần khoá các video của Peppa Pig của EO do doanh nghiệp này cũng đang bị Sconnect kiện ở toà án nhân dân TP Hà Nội. Việc YouTube khoá gần 2.000 video Wolfoo gây thiệt hại rất lớn cho Sconnect, trong khi lại không xử lý các video Peppa Pig là đối xử thiên vị, gây thiệt hại cho doanh nghiệp Việt Nam”, ông Nguyễn Xuân Cường nói.
Ngày 12/10/2022, VDCA cũng đã có văn bản số 80/HTTS-DCC gửi Cục Phát thanh Truyền hình và Thông tin điện tử (Bộ TT&TT) và Cục Bản quyền Tác giả (Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch) đề nghị hai cơ quan nhà nước là Cục Phát thanh truyền hình và Thông tin điện tử và Cục Bản quyền Tác giả xem xét đầy đủ hồ sơ vụ việc, có văn bản chính thức gửi đến các đơn vị cung cấp dịch vụ trung gian YouTube, Facebook cho phép giữ nguyên hiện trạng của Sconnect và EO trước quá trình khiếu nại, khởi kiện của EO đối với Sconnect cho đến khi có phán quyết chính thức của một trong các tòa án mà các chủ thể quyền đang khởi kiện.
VDCA cũng gửi văn bản cho bà Liên Nguyễn, Cố vấn cao cấp về Chính sách của Google cho thị trường Việt Nam với đề nghị tương tự và nêu rõ YouTube cần xem xét đầy đủ, thấu đáo hồ sơ vụ việc, hỗ trợ hoạt động của doanh nghiệp Việt Nam.

Entertaiment One (EO) đổ trách nhiệm cho YouTube

Sau khi Sconnect gửi đơn kêu cứu tới 4 Bộ trưởng, ngày 4/10/2022, EO cũng đã có văn bản gửi 4 Bộ: TT&TT, Công Thương, Văn hoá – Thể thao và Du lịch, Khoa học và Công nghệ, theo đó EO đã đổ lỗi cho YouTube trong việc xoá/chặn các video Wolfoo. “eOne (EO) chưa bao giờ yêu cầu quyền sở hữu đối với bất kỳ tập phim Wolfoo nào trên YouTube. Việc xoá/chặn một số video trong bộ phim hoạt hình Wolfoo không phải là quyết định của eOne hoặc bất kỳ bên khiếu nại nào khác, mà là quyết định của YouTube”, văn bản của EO nêu rõ.
Với nội dung này, EO đang đổ trách nhiệm cho phía nền tảng YouTube. Theo chính sách của YouTube, chỉ có chủ sở hữu của video mới được phép đánh bản quyền bên vi phạm. Wolfoo là do Sconnect sở hữu (100% sản xuất tại Việt Nam, được toà án Moscow khẳng định thuộc quyền sở hữu của Sconnect), nhưng EO đã mạo nhận các video này là của EO để khiếu nại với YouTube và đánh bản quyền là sai chính sách của YouTube.
Phía YouTube chấp nhận mọi yêu cầu đánh bản quyền của EO và tiến hành xoá các video Wolfoo là thực hiện sai chính sách của YouTube. Trong vụ việc này cả EO và YouTube đều thực hiện sai chính sách của YouTube và cố tình không tuân thủ phán quyết của Tòa án Moscow đã có hiệu lực.
Lãnh đạo Hội Truyền thông số đề nghị Google đối xử công bằng giữa doanh nghiệp Việt và doanh nghiệp Anh
Hai nhân vật hoạt hình heo Peppa Pig (trái) và sói Wolfoo (bên phải).
Vụ tranh chấp giữa hai bên xảy ra từ tháng 11/2021, khi EO liên tục thực hiện đánh bản quyền các video của Wolfoo trên YouTube và Facebook. Tháng 1/2022, EO đã nộp đơn khởi kiện Sconnect ra tòa án Moscow vì cho rằng Wolfoo là nhân vật làm lại của Peppa Pig. Ngày 14/06/2022, Hội đồng chuyên gia nghệ thuật Nga đã kết luận: “Wolfoo không làm lại từ Peppa Pig”. Từ kết luận này, EO đã tự rút đơn kiện ở Nga, 07/07/2022 Tòa án Moscow đã ra quyết định chấm dứt vụ kiện, đồng thời Thẩm phán toà án Moscow cũng: “Cấm EO không được quyền khiếu nại, khiếu kiện về vụ việc này nữa”.
Phán quyết của Toà án Nga có hiệu lực từ ngày 23/7/2022 là sở cứ pháp lý chắc chắn nhất khẳng định Wolfoo không vi phạm bản quyền Peppa Pig.
Tuy nhiên, từ tháng 7 tới nay EO đã không tôn trọng quyết định của Tòa án Moscow và tiếp tục đánh bản quyền Wolfoo trên YouTube, dẫn đến bị thiệt hại doanh thu vô cùng lớn cho doanh nghiệp Việt Nam. Sconnect đã nhiều lần tỏ thiện chí, liên lạc với EO để hai bên cùng làm việc tìm giải pháp tháo gỡ vướng mắc, nhưng EO không có phản hồi và tiếp tục đánh bản quyền Wolfoo sai trái.
Sconnect đã gửi quyết định của toà án Moscow cho nền tảng YouTube và thực hiện quyền khiếu nại với YouTube nhưng không được nền tảng này chấp nhận.

Con số thiệt hại của Wolfoo tăng chóng mặt

Việc YouTube và EO không tôn trọng, không tuân thủ bản án có hiệu lực của toà án Moscow dẫn đến Sconnect bị thiệt hại nghiêm trọng. “Do 3 kênh đạt nút kim cương của Wolfoo bị khoá, không đăng được nội dung mới dẫn tới lượt xem giảm từ 3 tỷ mỗi tháng xuống còn 1 tỷ, con số thiệt hại tiếp tục tăng lên từng giờ. Tính từ tháng 8 tới nay, doanh thu của Wolfoo bị thiệt hại lên tới hơn 2 triệu USD, chưa kể các thiệt hại gián tiếp như ảnh hưởng tới uy tín thương hiệu, hàng trăm video sản xuất mới bị “tồn kho” do không thể up lên kênh được”, đại diện Sconnect cho biết.
Lãnh đạo Hội Truyền thông số đề nghị Google đối xử công bằng giữa doanh nghiệp Việt và doanh nghiệp Anh
Nhân vật hoạt hình sói Wolfoo trong các phim hoạt hình của Sconnect
Hiện nay EO đang có đơn kiện Sconnect ở tòa án London (Anh) từ tháng 24/01/2022 (sau khi khởi kiện ở Nga), nhưng chưa được tòa án London thụ lý, như vậy là đơn kiện của EO chưa có giá trị pháp lý. Dựa theo phán quyết của tòa án Moscow thì “EO không được phép khiếu nại, khiếu kiện về vụ việc này nữa”, các luật sư của Sconnect đã nộp quyết định của Toà án Moscow lên tòa án London và hiện nay tòa án London đang xem xét thẩm quyền sau đó sẽ đưa ra quyết định có thụ lý đơn kiện của EO trong phiên xét xử vào ngày 3/11 tới đây. Hiện Sconnect có nhiều lợi thế trong vụ kiện tại Anh, vì trong trường hợp tòa án London tôn trọng quyết định của toà án Moscow sẽ không tiến hành thụ lý đơn kiện của EO.
Cho đến nay, tòa án London vẫn chưa có bất cứ thông báo hay quyết định nào về việc thụ lý và giải quyết vụ việc, đồng thời cũng chưa có bất cứ lệnh áp đặt hay biện pháp ngăn chặn cho bất cứ bên nào, tức đơn khởi kiện của EO tại Vương quốc Anh chưa có giá trị pháp lý và chưa có bất cứ quyết định hạn chế nào với Sconnect và Wolfoo.
-------------------o0o-------------------
Luật sư Trịnh Thị Dung: YouTube cần tôn trọng luật pháp quốc tế và Việt Nam
Liên quan tới vụ việc này, Luật sư - Thạc sỹ Trịnh Thị Dung, đoàn luật sư tỉnh Bắc Ninh cho rằng: Căn cứ theo Điều 41 Hiệp định tương trợ tư pháp và pháp lý về các vấn đề dân sự, gia đình và hình sự giữa Việt Nam và Liên bang cộng hòa xã hội chủ nghĩa xô viết có hiệu lực ngày 10/10/1982 và Điều 51 Hiệp định tương trợ tư pháp và pháp lý về các vấn đề dân sự và hình sự giữa Việt Nam và Liên Bang Nga có hiệu lực từ ngày 27/08/2012 thì Quyết định của Tòa án Moscow được công nhận và có hiệu lực thi hành ngay trên toàn lãnh thổ Việt Nam. Do đó EO phải tuân thủ phán quyết này ở cả Nga, Việt Nam và các quốc gia có hiệp định tương trợ tư pháp với Nga. YouTube cũng có trách nhiệm tôn trọng và tuân thủ Quyết định của Toà án Moscow.
Lãnh đạo Hội Truyền thông số đề nghị Google đối xử công bằng giữa doanh nghiệp Việt và doanh nghiệp Anh
Luật sư Trịnh Thị Dung
Dưới góc độ pháp luật về sở hữu trí tuệ, các sản phẩm trí tuệ như hoạt hình Wolfoo mặc dù đã được chứng nhận bảo hộ tại Cơ quan có thẩm quyền ở Việt Nam và các quốc gia là thành viên của Công ước Berne theo Công ước Berne về Bảo hộ tác phẩm văn học nghệ thuật và đã được tòa án Moscow phán quyết “wolfoo không phải là tác phẩm làm lại hay phái sinh của Peppa Pig” nhưng vẫn bị đánh bản quyền đồng nghĩa với việc EO và YouTube đang không tuân thủ pháp luật quốc tế, không thừa nhận giá trị pháp lý của các Giấy chứng nhận về quyền tác giả, quyền sở hữu trí tuệ đã được ban hành. Đây là hành vi xâm hại quyền tác giả, vi phạm Điều 28 Luật Sở hữu trí tuệ.
Dưới góc độ pháp luật cạnh tranh, EO thực hiện các hành vi gây thiệt hại về cả vật chất và danh dự cho Sconnect được xác định là hành vi cạnh tranh không lành mạnh vi phạm Điều 45 Luật cạnh tranh.
Dưới góc độ pháp luật về an ninh mạng, hành vi EO lạm dụng Internet để tung tin không đúng sự thật, bịa đặt rằng Wolfoo là sản phẩm làm lại của Peppa Pig là một trong những hành vi bị cấm theo Điều 16 Luật an ninh mạng. Đối với những hành vi trên, các đơn vị trung gian như YouTube, Facebook phải có biện pháp ngăn chặn hoặc từ chối cung cấp dịch vụ cho các bên vi phạm như EO theo Điều 26 Luật an ninh mạng.
Các video Wolfoo vẫn bị xóa khỏi YouTube khi Tòa án Moscow đã tuyên “Wolfoo không phải là làm lại của Peppa Pig và EO không được khiếu nại, khiếu kiện nữa”, và Sconnect có đầy đủ các giấy chứng nhận bản quyền. Điều này thể hiện rằng cả YouTube và EO đang không tôn trọng luật pháp quốc tế và luật pháp của Việt Nam.
>> Hội Truyền thông số đề nghị 2 bộ vào cuộc vụ tranh chấp bản quyền “sói Wolfoo” và “heo Peppa Pig”
 


Đăng nhập một lần thảo luận tẹt ga
Top