Lí do NATO chưa thể cung cấp chiến đấu cơ cho Ukraine

Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg đã ca ngợi “sự đoàn kết” đặc biệt của liên minh quân sự xuyên Đại Tây Dương, đồng thời hối thúc tăng cường viện trợ quân sự khẩn cấp cho Ukraine: “Chúng ta sẽ giải quyết yêu cầu cấp thiết phải tăng cường hỗ trợ cho Ukraine, đặc biệt là nhu cầu đạn dược và cả cách đẩy mạnh sản xuất, cũng như củng cố ngành quốc phòng để có thể cung cấp các loại đạn dược cần thiết cho Ukraine, cũng như bổ sung nguồn dự trữ. Chúng ta phải đảm bảo rằng Ukraine có được vũ khí cần thiết để có thể giành được ưu thế với tư cách là một quốc gia độc lập, có chủ quyền”.
Tuy nhiên, đối với vấn đề được dư luận quan tâm nhất lúc này là cung cấp máy bay chiến đấu cho Ukraine, các chính phủ phương Tây dường như chưa sẵn sàng đưa ra các cam kết cụ thể. Anh là quốc gia "đi xa nhất" cho tới nay khi thông báo sẽ đào tạo phi công Ukraine. Tuy nhiên, khi đề cập đến việc cung cấp máy bay cho Ukraine, Bộ trưởng Quốc phòng Anh Ben Wallace cảnh báo, đây không chỉ đơn giản là việc đưa máy bay đến biên giới.
Trong khi đó, Bộ trưởng Quốc phòng Ba Lan Mariusz Blaszczar thừa nhận, việc gửi máy bay F-16 là một quyết định không dễ thực hiện: “Đây không phả là vấn đề mới xuất hiện, mà đã diễn ra trong nhiều tháng và trên thực tế là ngay sau khi xung đột tại Ukraine nổ ra. Tôi nghĩ rằng, giống như với xe tăng chủ lực Leopard hay tên lửa Patriot, vấn đề này cũng đòi hỏi áp lực lên các đồng minh”.
Lí do NATO chưa thể cung cấp chiến đấu cơ cho Ukraine
Việc thực hiện các yêu cầu của Ukraine đang trở nên khó khăn hơn cùng với những diễn biến của cuộc xung đột với Nga. Đó không chỉ là các trang thiết bị quân sự tấn công hạng nặng như xe tăng chủ lực hay máy bay chiến đấu, mà cả những hỗ trợ quân sự cơ bản. Trên thực tế, tốc độ cung cấp đạn dược tới Ukraine, nơi quân đội của Kiev đang tiêu thụ tới 10.000 quả đạn pháo mỗi ngày, đã làm cạn kiệt kho dự trữ của phương Tây. Cựu chỉ huy quân đội Mỹ tại châu Âu Ben Hodges nhận định, đây một lo ngại rất thực tế. Không ai trong số các nước thành viên NATO, kể cả Mỹ, hiện đang sản xuất đủ đạn được. Hơn nữa, một số quốc gia thành viên cũng lo ngại, việc tăng cường hỗ trợ quân sự cho Ukraine sẽ chỉ càng đẩy NATO lún sâu hơn nữa vào cuộc xung đột với Nga, với những hậu quả vượt tầm kiểm soát.
Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov ngày 14/2 một lần nữa cảnh báo, sự can dự của NATO vào cuộc xung đột ngày càng trở nên rõ ràng hơn, đòi hỏi Nga phải có các biện pháp phòng ngừa: “NATO là một tổ chức thù địch với chúng tôi. Họ đang khẳng định sự thù địch này mỗi ngày và đang cố gắng làm cho sự can dự của họ vào cuộc xung đột xung quanh Ukraine trở nên rõ ràng hơn rất nhiều. Các hoạt động của NATO đòi hỏi Nga phải có các biện pháp phòng ngừa nhất định”.
Nga nhiều lần cảnh báo, việc Ukraine được cung cấp thêm nhiều vũ khí nước ngoài sẽ làm leo thang xung đột, nhấn mạnh xe tăng và các loại vũ khí khác do phương Tây cung cấp cho Ukraine sẽ được coi là mục tiêu hợp pháp của quân đội Nga.
 


Đăng nhập một lần thảo luận tẹt ga

Gợi ý cộng đồng

Top