Loài người sẽ dùng điện từ năng lượng tái tạo nhiều hơn than đá vào năm 2025

Theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), năng lượng tái tạo đang trên đà vượt qua than đá, sắp trở thành nguồn phát điện lớn nhất toàn cầu vào giữa thập kỷ này.
Báo cáo Năng lượng tái tạo năm 2022 của IEA, được công bố hôm 6/12, dự đoán sẽ có một sự thay đổi lớn trong cơ cấu nguồn điện của thế giới vào thời điểm có nhiều biến động và căng thẳng địa chính trị.
Theo báo cáo của IEA: “Cuộc khủng hoảng năng lượng toàn cầu đầu tiên, bắt nguồn từ xung đột giữa Ukraine và Nga, đã châm ngòi cho động lực chưa từng có đối với năng lượng tái tạo. Năng lượng tái tạo sẽ vượt qua than đá và trở thành nguồn phát điện lớn nhất toàn cầu vào đầu năm 2025”.
IEA dự kiến năng lượng tái tạo sẽ chiếm gần 40% sản lượng điện trên toàn thế giới vào năm 2027, trùng với thời điểm giảm tỷ trọng điện than, khí đốt tự nhiên và điện hạt nhân.
Phân tích được đưa ra vào thời điểm có sự gián đoạn lớn trong thị trường năng lượng toàn cầu sau xung đột giữa Nga và Ukraine vào tháng Hai.
Theo cơ quan thống kê châu Âu Eurostat, Điện Kremlin (Nga) là nhà cung cấp khí đốt tự nhiên và dầu mỏ lớn nhất cho EU vào năm 2021. Tuy nhiên, xuất khẩu khí đốt từ Nga sang Liên minh châu Âu đã giảm trong năm nay, khi các quốc gia thành viên tìm cách rút cạn ngân quỹ chiến tranh của Điện Kremlin.
Do đó, các nền kinh tế lớn của châu Âu cố gắng tăng nguồn cung từ các nguồn thay thế cho mùa đông lạnh sắp tới lẫn lâu dài.

Loài người sẽ dùng điện từ năng lượng tái tạo nhiều hơn than đá vào năm 2025
Tua bin gió, một trong những nguồn cung cấp điện quan trọng trên toàn cầu trong ba năm tới, vượt qua than đá
Trong một tuyên bố được đưa ra cùng với báo cáo, IEA đã nhấn mạnh hậu quả của tình hình địa chính trị hiện tại: “Cuộc khủng hoảng năng lượng toàn cầu đang thúc đẩy việc lắp đặt năng lượng tái tạo tăng tốc mạnh mẽ, với tổng mức tăng trưởng công suất trên toàn thế giới sẽ tăng gần gấp đôi trong 5 năm tới”.
“Những lo ngại về an ninh năng lượng do xung đột giữa Nga và Ukraine gây ra đã thúc đẩy các quốc gia chuyển dần sang sử dụng năng lượng tái tạo như năng lượng gió, mặt trời để giảm sự phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch nhập khẩu, loại nhiên liệu có giá tăng đột biến trong thời gian qua”.

Trong bản sửa đổi lớn nhất từ trước tới nay về dự báo năng lượng tái tạo, IEA hiện kỳ vọng công suất tái tạo của thế giới sẽ tăng gần 2.400 gigawatt từ năm 2022 đến năm 2027 - tương đương với “toàn bộ công suất điện lắp đặt của Trung Quốc hiện nay”.

Năng lượng gió và mặt trời tăng vọt

IEA dự kiến điện năng từ gió và mặt trời sẽ cung cấp gần 20% sản lượng điện toàn cầu vào năm 2027.
Cơ quan cho biết thêm: “Những công nghệ biến đổi này chiếm 80% mức tăng sản lượng điện tái tạo toàn cầu trong giai đoạn dự báo. Điều này yêu cầu các nguồn bổ sung cho tính linh hoạt của hệ thống điện”.
Tuy nhiên, IEA dự kiến sự tăng trưởng về địa nhiệt, năng lượng sinh học, thủy điện và năng lượng mặt trời tập trung sẽ ở mức “hạn chế” dù vai trò của chúng là quan trọng trong việc tích hợp năng lượng mặt trời và gió vào hệ thống điện toàn cầu.
Fatih Birol, giám đốc điều hành của IEA, cho biết cuộc khủng hoảng năng lượng toàn cầu đã thúc đẩy năng lượng tái tạo “sang một giai đoạn mới phi thường với tốc độ tăng trưởng thậm chí còn nhanh hơn khi các quốc gia tìm cách tận dụng lợi ích an ninh năng lượng của họ”.
Ông Birol phát biểu: “Thế giới sẽ bổ sung nhiều năng lượng tái tạo trong 5 năm tới như đã làm trong 20 năm trước”.
Người đứng đầu IEA cho biết thêm việc tiếp tục tăng tốc năng lượng tái tạo là “rất quan trọng” để hạn chế sự nóng lên toàn cầu ở mức 1,5 ° C.
Mục tiêu 1,5 độ C là tham chiếu đến Thỏa thuận Paris năm 2015 , một hiệp định mang tính bước ngoặt nhằm “hạn chế sự nóng lên toàn cầu ở mức dưới 2, tốt nhất là 1,5 độ C, so với mức thời kỳ tiền công nghiệp”.
Việc cắt giảm lượng khí thải CO2 xuống mức 0% vào năm 2050 được coi là rất quan trọng, nhằm đạt được mục tiêu 1,5 độ C.
Đầu năm 2022, một báo cáo từ Cơ quan Năng lượng Quốc tế cho biết đầu tư năng lượng sạch có thể sẽ vượt quá 2 nghìn tỷ USD mỗi năm vào năm 2030 , tăng hơn 50% so với hiện nay.


>>> Khủng hoảng năng lượng – thời điểm vàng cho xuất khẩu viên nén gỗ của Việt Nam

Theo CNBC
 


Đăng nhập một lần thảo luận tẹt ga
Thành viên mới đăng
Top