Lý do tỷ lệ sống sót trong tai nạn trực thăng thấp hơn máy bay khác

Mr. Macho

Writer
Gần một ngày sau vụ rơi máy bay trực thăng chở 5 người trên Vịnh Hạ Long, lực lượng cứu nạn đã tìm được 4 thi thể. Người còn lại vẫn đang mất tích với tiên lượng sống sót không cao.
Chiếc Bell 505 số hiệu VN-8650 - dòng trực thăng mang lại trải nghiệm du lịch cao cấp trên vùng di sản - đã gặp nạn khi người cầm lái là một đại tá phi công gần 60 tuổi. Nhân chứng kể lại rằng máy bay phát ra tiếng động lạ, có dấu hiệu mất lái, bay không ổn định trước khi lao xuống biển.
Lý do tỷ lệ sống sót trong tai nạn trực thăng thấp hơn máy bay khác
Mảnh vỡ của trực thăng Bell 505 được trục vớt. Ảnh: H.D.
Theo dõi vụ tai nạn hàng không với mức thương vong lớn, cơ trưởng Nguyễn Nam Liên, nguyên hiệu trưởng Trường đào tạo phi công Bay Việt, đánh giá lực lượng cứu hộ không có nhiều cơ hội tìm được người còn sống khi phương tiện gặp nạn là một chiếc trực thăng.
"Lái trực thăng khó hơn, đòi hỏi nhiều kỹ năng của phi công hơn lái máy bay cánh bằng. Giữa một chiếc máy bay cánh bằng chết động cơ và một chiếc trực thăng chết động cơ thì cơ hội sống sót trên máy bay cánh bằng cũng cao hơn", ông Liên chia sẻ.
Nhận định của vị giảng viên trường phi công dựa trên nguyên lý khí động học khác biệt giữa máy bay trực thăng và các dòng máy bay có sải cánh.
Máy bay có sải cánh có thể liệng theo luồng khí và hạ cánh theo đường chéo trong trường hợp động cơ gặp trục trặc. Ví dụ kinh điển của nguyên lý này là sự kiện máy bay A320 (số hiệu 1549 của US Airways) hạ cánh xuống sông Hudson (New York, Mỹ) vào năm 2009.
Trong tình huống cả 2 động cơ phản lực ngừng hoạt động, phi công của chiếc A320 đã lợi dụng khí động học để đưa máy bay hạ cánh xuống mặt sông an toàn. 155 người (gồm cả phi hành đoàn) bị chấn động mạnh nhưng đều sống sót.
Máy bay trực thăng, do khác biệt về thiết kế khí động học, gần như không thể liệng khi động cơ gặp trục trặc. Điều này khiến tốc độ rơi của nó ở mức cao và gây ra thương vong lớn.
Theo cơ trưởng Nguyễn Nam Liên, dù không thể liệng như máy bay cánh bằng, chiếc trực thăng vẫn có cơ may bảo toàn được sinh mạng hành khách dựa vào "chế độ tự quay" (auto rotation) được kích hoạt khi động cơ hỏng. Lúc này, máy bay tụt độ cao, luồng khí đi lên sẽ giúp cho cánh quạt chính tiếp tục quay và nhờ đó giảm tốc độ rơi.
Lý do tỷ lệ sống sót trong tai nạn trực thăng thấp hơn máy bay khác
Nguyên lý auto rotation giúp chiếc trực thăng trục trặc động cơ có thể giảm tốc độ rơi. Ảnh: Wikipedia.
"Tuy nhiên, điều kiện để auto rotation là chiếc trực thăng phải đạt được độ cao nhất định", chuyên gia phân tích.
Nói về các trang bị cứu sinh cho máy bay trực thăng, ông Nguyễn Nam Liên cho biết hầu hết trực thăng không có ghế phóng dù (ejection seats). Trang bị tối tân giúp cứu mạng phi công này hiện mới được trang bị trên các dòng trực thăng chiến đấu KA-50 và KA-52.
Theo ghi nhận của lực lượng cứu hộ, các nạn nhân được tìm thấy tại hiện trường có mang theo áo phao. Tuy nhiên, họ đều tử vong sau cú va chạm của máy bay với mặt nước.
Trao đổi với Zing chiều 6/4, lãnh đạo Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam (VATM) cho biết hoạt động bay tham quan Vịnh Hạ Long của trực thăng Bell 505 không thuộc quản lý của VATM mà được điều hành trực tiếp bởi bộ phận không lưu của Tổng công ty Trực thăng Việt Nam. VATM hiện chỉ quản lý hoạt động của thủy phi cơ tham quan Vịnh Hạ Long do dòng máy bay này cất cánh từ Nội Bài và sử dụng các đường bay dân dụng.
Máy bay Bell 505 mang số hiệu VN-8650 thuộc sở hữu Công ty Trực thăng miền Bắc, cất cánh từ Tuần Châu (TP Hạ Long) lúc 16h56 ngày 5/4.
Trên máy bay có 4 khách và một phi công đang thực hiện tour tham quan vịnh Hạ Long. Sau khi cất cánh được khoảng 19 phút, máy bay gặp sự cố và mất tín hiệu với đài kiểm soát không lưu.
Vị trí máy bay Bell 505 bị rơi nằm mép bờ, thuộc phía đông bắc đảo Cát Bà, Hải Phòng.
Sau khi máy bay bị rơi, lực lượng chức năng của Hải Phòng, Quảng Ninh và Quân khu 3 cử hàng trăm cán bộ, chiến sĩ cùng các phương tiện tổ chức tìm kiếm các nạn nhân mất tích.
Theo Zingnews
 


Đăng nhập một lần thảo luận tẹt ga
Thành viên mới đăng
Top