Mắc Covid-19 nhẹ vẫn có thể để lại di chứng kéo dài

Nhiều người chủ quan cho rằng mắc Covid-19 nhẹ sẽ nhanh khỏi và không ảnh hưởng lớn đến sức khỏe. Tuy nhiên, điều này không hoàn toàn đúng.
Nhiều người mắc Covid-19 được bác sĩ cho biết họ bị nhiễm trùng "nhẹ" với các triệu chứng đặc trưng như sốt, ho, mệt mỏi... Nhưng thực tế, bệnh của họ không thật sự như vậy.
Theo CNN, điều đó đúng với Michelle Cordes, chuyên gia dinh dưỡng tại bệnh viện ở bang Chicago (Mỹ). Cô đã tiêm đủ 2 liều vaccine Covid-19 và mũi tăng cường, thực hiện đầy đủ quy định phòng tránh lây nhiễm virus như đeo khẩu trang, tránh đám đông. Vì vậy, vào ngày 30/12, khi cảm thấy không khỏe, Cordes chỉ nghĩ cô bị cảm lạnh hoặc có thể dị ứng với con mèo mà con gái cô đưa về từ trường học.
Tuy nhiên, để an toàn, cô vẫn tự xét nghiệm Covid-19 tại nhà và rất ngạc nhiên khi có kết quả dương tính với SARS-CoV-2. Chồng, con trai và bố chồng của cô cũng cho kết quả dương tính.
Cordes nói: "Tất cả chúng tôi đều bị ho. 'Nhẹ' là một từ có vẻ phù hợp với các triệu chứng của tôi khi so với những triệu chứng của bệnh nhân tại bệnh viện tôi làm việc". Tuy nhiên, Cordes cảm thấy bệnh của cô cũng không giống cảm lạnh nhẹ.

Covid-19 dù nhẹ vẫn có thể gây khó chịu và kéo dài​

Viện Y tế Quốc gia Mỹ định nghĩa về Covid-19 "nhẹ" bao gồm các triệu chứng quen thuộc là sốt, ho, đau họng, và mệt mỏi. Tiến sĩ Shira Doron, nhà dịch tễ học và bác sĩ bệnh truyền nhiễm tại Trung tâm Y tế Tufts ở Boston, cho biết việc sử dụng từ "nhẹ" không phải ám chỉ trải nghiệm của người bệnh.
Mắc Covid-19 nhẹ vẫn có thể để lại di chứng kéo dài
Sốt, ho, đau họng, mệt mỏi được xem là triệu chứng của người mắc Covid-19 nhẹ. Ảnh: Irishmiror.
Theo Healthline, Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC) cho biết các triệu chứng Covid-19 phổ biến bao gồm sốt, ớn lạnh, khó thở, buồn nôn, nhức đầu, nôn mửa và mất vị giác hoặc khứu giác. Và đó là những triệu chứng không cần chăm sóc y tế ngay lập tức.
Mặc dù cảm lạnh hoặc cúm có thể kéo dài nhiều nhất là vài tuần, một số người bị Covid-19 nhẹ sẽ có các triệu chứng trong nhiều tháng.
Ngay cả những người bị bệnh nhẹ cũng có thể phát triển hội chứng Covid kéo dài, với các triệu chứng từ 6 tháng trở lên. Vì vậy, bác sĩ Doron cho rằng thuật ngữ "nhẹ" mà các chuyên gia thường dùng có thể cần phải được điều chỉnh lại.
"Khi chúng tôi hay CDC hoặc NIH nói 'nhẹ', có nghĩa là điều đó không khiến bạn bị ốm đến mức phải nhập viện. Nhưng khi bạn mắc căn bệnh giống cúm khiến bạn phải nằm bệt trên giường, nó lại không hề là nhẹ", tiến sĩ Doron nói.
Với trường hợp của Cordes cũng vậy. Cô phải nằm trên giường trong suốt 3 ngày, điều mà trước đây cô chưa từng trải qua. "Chúng tôi cảm thấy rất tồi tệ và mệt mỏi. Chỉ làm một việc nhỏ thôi cũng khiến chúng tôi kiệt sức. Sau vài ngày mắc bệnh, tôi cảm thấy tốt hơn, nhưng vẫn chưa thể trở lại làm việc", Cordes cho biết.
Ngày 8/12, Dave Juday, thầy giáo dạy âm nhạc tại Trung học Arizona, cũng bị sốc khi có kết quả xét nghiệm Covid-19 dương tính. Do làm việc tại trường, Juday test Covid-19 hàng tuần, thường xuyên đeo khẩu trang cẩn thận vì anh không muốn bị nhiễm bệnh và lây cho người vợ mắc bệnh lupus ở nhà.
Juday nói rằng do đã tiêm 2 liều vaccine và mũi tăng cường, anh chưa phải nhập viện. Tuy nhiên, cơn đau đầu do Covid-19 lại là cơn đau tồi tệ nhất anh phải chịu đựng.
"Đầu tôi giống một quả bóng bowling nặng 7 kg, tôi có thể cảm nhận được khứu giác và vị giác của mình mất dần đi. Mỗi khi dạy học trực tuyến, tôi đã phải xì mũi liên tục trong giờ học. Tôi thậm chí không tưởng tượng được nó sẽ như thế nào nếu tôi chưa tiêm phòng", Juday chia sẻ.
Mắc Covid-19 nhẹ vẫn có thể để lại di chứng kéo dài
Ngay cả các triệu chứng Covid-19 nhẹ cũng ảnh hưởng lâu dài đến sức khỏe. Ảnh: Healthline.
Chia sẻ với BBC, Melissa Heightman, chuyên gia cố vấn về bệnh hô hấp tại Bệnh viện thuộc Đại học University College London (Anh), cho biết: "Ban đầu khi dịch bệnh mới bùng phát, chúng tôi nghĩ nó cũng giống như các bệnh khác, sẽ khỏi hẳn và ổn định thôi".
Tuy nhiên, bà Heightman không ngờ rằng rất nhiều trường hợp vẫn chưa thể khỏe lên sau hơn một năm. Hơn một nửa trong số đó chưa từng phải nhập viện để điều trị Covid-19.
"Tôi nhận được điện thoại từ rất nhiều người với câu chuyện chung là: ban đầu, họ chỉ có các triệu chứng khá nhẹ, nhưng sau đó, hàng loạt chứng bệnh khác bắt đầu xuất hiện. Thay vì giảm dần, chúng tàn phá cơ thể của bệnh nhân trong nhiều tuần, thậm chí nhiều tháng khi mà virus có thể không còn trong cơ thể", chuyên gia này cho biết.
Theo bà Heightman, triệu chứng phổ biến nhất khoảng 80% bệnh nhân tại phòng khám của bà gặp phải là mệt mỏi, chán nản đối với cuộc sống, khiến họ thậm chí khó có thể hoàn thành những công việc đơn giản nhất hàng ngày.

Bệnh Covid-19 "nhẹ" khiến nhiều người chủ quan​

Theo tiến sĩ Doron, khi cơ thể có những triệu chứng này, điều đó cho thấy nó đang làm những gì cần thiết để vô hiệu hóa virrus.
"Điều đó là tốt, nhưng đôi khi lại không tốt. Bản thân các triệu chứng không nguy hiểm. Vì vậy, mắc Covid-19 nhẹ, bạn không cần phải đến viện, đặc biệt là trong thời gian nguồn lực chăm sóc sức khỏe khan hiếm", Doron nói.
Tuy nhiên, chính vì vậy, bệnh Covid-19 "nhẹ" có thể có nhược điểm khác. Nó có thể khiến một số người dần không nghiêm túc với việc phòng ngừa lây nhiễm.
"Covid-19 gây mệt mỏi quá nhiều. Điều đó dần trở nên bình thường đến mức mọi người có thể thực sự coi thường các triệu chứng và chọn không xét nghiệm. Họ nghĩ rằng nó có thể là Covid-19 hoặc bệnh cúm", tiến sĩ William Schaffner, Giáo sư về các bệnh truyền nhiễm tại Trung tâm Y tế Đại học Vanderbilt, cho biết.
Chuyên gia này khuyến cáo ngay cả với các triệu chứng nhẹ, mọi người nên đi xét nghiệm Covid-19 để theo dõi dấu hiệu nặng hơn cần được chăm sóc y tế. Xét nghiệm cũng cho biết liệu họ có cần phải cách ly để không lây lan virus sang người khác không. Trường hợp của bạn có thể nhẹ, nhưng nếu bạn lây cho người thân mắc bệnh nền, chẳng hạn tiểu đường, họ có thể bị bệnh nặng hơn nhiều.
Ngoài ra, mặc dù biến chủng đang lây lan mạnh hiện nay là Omicron có thể gây bệnh nhẹ hơn các biến chủng trước đó, mọi người không nên lấy đó làm cái cớ để không tiêm vaccine hoặc mũi tăng cường. Schaffner nói: "Các trường hợp vẫn phải nhập viện vì biến chủng này, và phần lớn là những người chưa được tiêm chủng".
Tiến sĩ Claudia Hoyen, Trưởng khoa Kiểm soát nhiễm trùng nhi tại Bệnh viện Nhi UH Rainbow Babies ở Cleveland, cũng khuyến khích tất cả người mà cô biết nên tiêm vaccine và mũi tăng cường. Hoyen nói rằng bệnh viện có thể hỗ trợ điều trị rất hiệu quả cho những người mắc Covid-19, nhưng các triệu chứng và biến chứng của bệnh sẽ tồn tại rất lâu sau khi khỏi bệnh.
"Những người chưa được tiêm chủng có thể nghĩ rằng 'ai đó sẽ cứu tôi, và sẽ ổn thôi', nhưng bạn biết đấy, không phải ai cũng quay trở lại được cuộc sống bình thường như trước kia của họ", Hoyen cảnh báo.
Nguồn: Zingnews
 


Đăng nhập một lần thảo luận tẹt ga
Thành viên mới đăng
Top