Mạng xã hội phi tập trung là gì?

Ngày nay, nếu bạn muốn giữ liên lạc với một người bạn nào đó, khả năng cao bạn sẽ cần đến mạng xã hội. Dù muốn đọc tin tức, nói chuyện với người yêu, hay chia sẻ những cập nhật liên quan cuộc sống của mình, kết nối qua web cũng đã trở thành một phần quan trọng trong hoạt động thường ngày của chúng ta. Và trong bối cảnh đó, mạng xã hội phi tập trung, một hiện tượng tương đối mới, bắt đầu xuất hiện và ngày càng trở nên phổ biến hơn.
Nhưng mạng xã hội phi tập trung là gì? Và liệu một ngày nào đó nó có thể thay thế mạng xã hội truyền thống mà chúng ta đang dùng ngày nay hay không?

Phi tập trung là gì?

Mạng xã hội phi tập trung là gì?
Bạn có lẽ từng nghe thuật ngữ “phi tập trung” khi đọc tin tức về tiền mã hóa hoặc NFT. Loại công nghệ này đã trở nên cực kỳ phổ biến trong vài năm trở lại đây, bởi nó cung cấp một giải pháp mạng minh bạch hơn, công bằng hơn, và bảo mật hơn. Trong một mạng lưới phi tập trung, không thực thể nào nắm giữ mọi dữ liệu trong tay. Thay vào đó, dữ liệu được phân tán giữa các node, hay các điểm kết nối, bên trong mạng lưới.
Cấu trúc này khiến các hacker gặp rất nhiều khó khăn nếu tìm cách chiếm quyền truy cập và kiểm soát một mạng lưới. Ngoài ra, mạng lưới cũng không có bộ máy quản lý trung ương, từ đó tạo nên một môi trường công bằng và đề cao tính cộng tác hơn.
Đặc tính phi tập trung là xương sống của ngành công nghiệp crypto, với mọi giao dịch được lưu trữ an toàn trên blockchain. Nhưng phi tập trung và mạng xã hội kết hợp với nhau sẽ ra sao?

Mạng xã hội phi tập trung vận hành như thế nào?

Mạng xã hội phi tập trung là gì?
Điều quan trọng nhất cần lưu ý về mạng xã hội phi tập trung là nó không có một máy chủ trung tâm. Nhiều mạng xã hội lớn nhất thế giới hiện nay, bao gồm Facebook, Twitter, và Instagram, đều là mạng xã hội tập trung, có nghĩa là có một thực thể nắm toàn quyền kiểm soát mạng lưới. Hình thức này có thể khá nguy hiểm, bởi nó làm tăng nguy cơ xảy ra những vụ tấn công, chiếm đoạt, và rò rỉ dữ liệu quy mô lớn.
Các mạng xã hội phi tập trung có một đặc tính rất đặc biệt: nhiều mạng lưới phân tán có thể cùng tồn tại bên trong chúng. Có nghĩa là các cá nhân có thể chọn mạng lưới mà họ thích tham gia. Bất kỳ người dùng nào cũng có thể tạo ra mạng lưới của riêng mình, cho phép các cá nhân với cùng sở thích hoặc ý tưởng kết nối vào.
Những nền tảng như vậy sử dụng một hệ thống quản lý thay vì dựa vào ý kiến của một vài cá nhân để đưa ra quyết định. Người dùng có thể bầu chọn để thể hiện tiếng nói của họ trong việc phát triển nền tảng, chứ không phải tuân theo bất kỳ thứ gì thực thể nắm quyền trung tâm muốn.
Do đó, mạng xã hội phi tập trung mang lại một làn gió mới đối với hoạt động giao tiếp số, trong đó nhiều mạng lưới có thể cùng tồn tại trong một nền tảng, tất cả đều được kiểm soát bởi những máy chủ độc lập.
Vậy, điều đó có ý nghĩa gì với chúng ta, những người dùng, và với bản thân các công ty mạng xã hội?

Tăng cường bảo mật

Các nền tảng mạng xã hội phi tập trung sử dụng nhiều máy chủ độc lập để vận hành, không như các nền tảng truyền thống. Bạn có lẽ đã từng nghe đến việc các mạng xã hội phổ biến bị lỗi vì máy chủ sập, và đây thực sự không phải là điều hiếm khi xảy ra.
Do đó, bằng cách sử dụng nhiều máy chủ, khả năng sập toàn bộ mạng lưới do lỗi kỹ thuật sẽ được giảm thiểu. Bên cạnh đó, khả năng xảy ra các cuộc tấn công DDoS cũng giảm đáng kể khi sử dụng hệ thống phân tán như thế này.
Chưa hết, người dùng sẽ không cần xác thực bản thân khi tham gia các mạng xã hội phi tập trung. Họ có thể chọn sử dụng biệt danh, từ đó tăng thêm một lớp riêng tư nữa.

Tăng cường quyền kiểm soát của người dùng

Mạng xã hội phi tập trung là gì?
Một vấn đề khác mà người dùng chưa có đủ khi sử dụng các nền tảng mạng xã hội là quyền kiểm soát. Một mạng xã hội phát triển được là nhờ người dùng và đội ngũ phát triển có đáp ứng được nhu cầu người dùng hay không. Do đó, sẽ hợp lý hơn khi chính người dùng bắt tay vào nắm một phần quyền kiểm soát mạng xã hội đang sử dụng.
Đây là một trong những khái niệm cốt lõi đằng sau mạng xã hội phi tập trung. Trao cho người dùng dữ liệu, khả năng tương tác, và trải nghiệm xã hội nói chung chính là chìa khó mở ra một mạng lưới công bằng và bình đẳng cho tất cả mọi người. Tránh được sự kiểm duyệt của Big Tech cũng là một điểm cộng trong quá trình trao quyền hơn nữa cho người dùng.
Nhưng các mạng phi tập trung không hoàn hảo. Giống mọi công nghệ khác, mạng xã hội phi tập trung cũng có những điểm cần cải thiện.

Những điểm yếu của mạng xã hội phi tập trung

Không thể bàn cãi khi nói các nền tảng mạng xã hội phi tập trung mang lại một số ưu điểm thú vị. Nhưng cũng có những rủi ro liên quan loại công nghệ này, đầu tiên là việc những kẻ có dụng ý xấu có thể lợi dụng cấu trúc của nó để vụ lợi cá nhân.
Dù ý tưởng tạo ra nhiều mạng phi tập trung nghe khá hay ho, luôn có khả năng những nội dung thù địch, bất hợp pháp lan tràn nhanh chóng thông qua các cộng đồng độc hại. Bởi bạn có thể đăng tải bất kỳ thứ gì trong mạng lưới của chính mình, sẽ rất dễ dàng cho các nhóm người dùng có tà ý phát tán nội dung ra công khai.
Mặc cho nhiều mạng xã hội phi tập trung có một bộ tiêu chuẩn đạo đức, người dùng vẫn có thể tìm cách lợi dụng những mạng mới hoặc quy mô nhỏ hơn, vốn chưa đưa ra những quy định chặt chẽ.
Ngoài ra, còn có khả năng những người dùng với cùng một mục tiêu chung tìm cách thao túng hệ thống quản lý theo ý họ, có nghĩa là bản thân nền tảng sẽ không còn tính công bằng nữa.

Mạng xã hội phi tập trung đã tồn tại hay chưa?

Mạng xã hội phi tập trung là gì?
Với quá nhiều ưu điểm mà mạng xã hội phi tập trung mang lại, bạn có lẽ tự hỏi liệu loại hình này đã tồn tại hay chưa? Câu trả lời là bạn có lẽ đang dùng nó rồi.
Một nền tảng mạng xã hội phi tập trung cực kỳ phổ biến là Mastodon, với hơn 4 triệu người dùng kể từ khi ra mắt năm 2016. Nền tảng này bao gồm nhiều mạng nội bộ cho các cộng đồng khác nhau, cho phép người dùng kết nối với những người bạn cùng ý tưởng khác. Thậm chí nó còn có nhiều công cụ chống lạm dụng để bảo vệ người dùng trước nguy cơ bị phỉ báng và những nguy hiểm khác.
Một loạt các nền tảng mạng xã hội vận hành trên blockchain như Steemit cũng đang hoạt động.
Nhưng tại sao chưa có nền tảng nào thu hút được nhiều người dùng như các mạng truyền thống, như TikTok, Instagram, Facebook...?
Đầu tiên, ý tưởng phi tập trung vẫn còn rất xa lại với nhiều người. Ở thời điểm hiện tại, chỉ những người yêu công nghệ, crypto, hay NFT biết về cách phi tập trung vận hành, bởi công nghệ này đơn giản là chưa đủ phổ biến để nhiều người cần nắm.
Hơn nữa, nhiều mạng xã hội phi tập trung không thân thiện với người dùng như các nền tảng lớn nhất ngày nay, và sự đơn giản hay phức tạp của giao diện một ứng dụng chính là thứ tạo nên, hoặc ngăn cản, sự thành công của nó. Trên hết, nhiều người không biết các nền tảng mạng xã hội có thể lấy dữ liệu của họ để phục vụ mục đích riêng, cũng như kiểm duyệt nội dung, do đó ở thời điểm hiện tại, đại đa số công chúng chưa nhận ra sự cần thiết của một loại hình kết nối trực tuyến mới mẻ như mạng xã hội phi tập trung.
Có thể nói, đến lúc này, các nền tảng mạng xã hội phi tập trung vẫn chỉ là một “ngách” trong ngành công nghiệp mạng xã hội mà thôi.

Có tiềm năng nhưng cần thời gian

Mạng xã hội là những cỗ máy cực kỳ tinh vi, cần nhiều năm trời mới vận hành mượt mà. Đó là lý do tại sao cũng phải mất nhiều năm mạng xã hội phi tập trung mới trở nên phổ biến và hữu dụng đủ để thu hút những lượng lớn người dùng tìm hiểu.
Nhưng điều đó không có nghĩa chúng không có tiềm năng. Với việc ngày càng nhiều người bất mãn với Big Tech và những lỗi vặt thường xuyên của các nền tảng này, có lẽ chúng ta sẽ thấy một sự dịch chuyển sang các nền tảng phi tập trung trong tương lai không quá xa.
Tham khảo: MakeUseOf
 


Đăng nhập một lần thảo luận tẹt ga
Thành viên mới đăng
Top