Mạng xã hội và sự bất lực trong thảm kịch livestream xả súng tại Mỹ

Cuối tuần qua, Internet lại trở thành ‘sân khấu’ cho những kẻ cực đoan, khi thảm kịch xả súng tại một siêu thị ở thành phố Buffalo, New York được hung thủ phát sóng trực tiếp (livestream) trên nền tảng Twitch. Vụ bạo lực khiến 10 người thiệt mạng một lần nữa làm dấy lên câu hỏi về trách nhiệm của các nền tảng truyền thông xã hội khi đã quá chậm chạp trong việc phòng ngừa và ngăn chặn sự lây lan của bạo lực.
Mạng xã hội và sự bất lực trong thảm kịch livestream xả súng tại Mỹ
Hung thủ, mới chỉ 18 tuổi, hiện đã bị bắt giữ. “Bản tuyên ngôn” và những tin nhắn trên Discord cho thấy hắn bị cực đoan hóa bởi 4chan, một diễn đàn ẩn danh với đủ các thành phần con người. Hắn ca ngợi kẻ xả súng tại nhà thờ Hồi giáo Christchurch, New Zealand và lên kế hoạch chi tiết nhắm vào người da màu trong vụ xả súng của mình.
Theo TechCrunch, hung thủ đã livestream toàn bộ quá trình thực hiện hành vi bạo lực của mình trên Twitch do nền tảng này không yêu cầu người xem phải đăng nhập. Trong kỷ nguyên internet và livestream, những kẻ máu lạnh, cực đoan bỗng nhiên lại có cho mình một “sân khấu” với đông đảo khán giả, cho phép chúng tuyên truyền những giá trị man rợ của mình.
Các nền tảng truyền thông xã hội vẫn đang phải vật lộn với những nội dung bạo lực trong nhiều năm qua. Dù kết hợp cả trí tuệ nhân tạo lẫn con người để kiểm duyệt, những cảnh bắn giết này vẫn tìm được cách để đến với người xem.
Đoạn phát sóng vụ xả súng ngày 14/5 bị Twitch xóa trong vài phút, nhưng chừng đó là quá đủ để những kẻ khác copy và reup lên các nơi khác, thu hút hàng triệu lượt xem trước khi bị phát hiện và cứ thế tiếp diễn. Sẽ ra sao nếu một kẻ cực đoan khác được “truyền cảm hứng” từ livestream này và quyết định cầm súng đoạt mạng người khác?
Biết là rất khó, nhưng các nền tảng truyền thông xã hội cần làm tốt hơn nữa để ngăn chặn sự lây lan của bạo lực, để internet trở nên trong sạch hơn, an toàn hơn.
 


Đăng nhập một lần thảo luận tẹt ga
Top