VNR Content
Pearl
Mark Zuckerberg – CEO của Meta (công ty mẹ của Facebook) vừa có quyết định sa thải 11.000 nhân viên. Đây là vụ sa thải lớn nhất trong lĩnh vực dịch vụ mạng xã hội từ trước tới nay. 1. Meta công bố việc sa thải nhân viên sau Twitter. Hay nói chính xác hơn, Mark Zuckerberg đã thông báo cắt giảm nhân sự kỷ lục sau người bạn thân và cũng là ông chủ mới của Twitter - Elon Musk. Nhưng về số lượng, Mark còn mạnh tay sa thải hơn Elon Musk gấp 3-4 lần. Có thể thấy, tình hình kinh doanh tại Facebook chưa tới mức thảm họa dù có sự sụt giảm rõ rệt về doanh thu và lợi nhuận trong khi chi phí thì tăng lên mức 2 con số so với cùng kỳ quý III năm trước. Thế nhưng, cách cắt giảm nhân sự của Mark lại cho thấy như đang xử lý một thảm họa đang xảy ra. Chỉ một quyết định, 13% nhân viên công ty bị cho “ra đường”. Không khó để thấy rằng, khi giá cổ phiếu của Facebook đã giảm khoảng 2/3 giá trị trong thời gian qua, khi chi phí doanh nghiệp cũng tăng lên tới 19% so với cùng kỳ năm trước, bài toán cắt giảm nhân sự đã được tính đến như một giải pháp cắt giảm chi phí hiệu quả ngay tức thì. Tất nhiên, đối tượng bị ảnh hưởng đầu tiên, cuối cùng và cũng là những người bị ảnh hưởng nặng nề nhất, chính là nhân viên, người lao động. Trên thực tế, với mạng xã hội lớn nhất hành tinh như Facebook, các chi phí lâu nay đã được tiết giảm đáng kể, thì việc cắt giảm chi phí bằng cách sa thải nhân viên là con đường nhanh nhất. Oái oăm thay, người lao động không phải là đối tượng đưa ra các quyết định làm gia tăng chi phí. Nguyên nhân sâu xa của vấn đề này là từ cách quản lý, điều hành của giới chóp bu tại Meta trong bài toán vĩ mô, nhưng nhân viên và người lao động thì phải nhận đủ hệ lụy, hậu quả từ đó. Tội vạ này ai chịu? Mark Zuckerberg trong bức thư gửi cho những nhân viên bị sa thải qua email, đã nhận trách nhiệm về tình hình hoạt động đang sa sút của Facebook trong đó có việc doanh thu, lợi nhuận giảm sút còn chi phí thì tăng lên. Chi phí càng trở thành vấn đề một khi đã tăng song doanh thu và lợi nhuận lại giảm. Vấn đề đã và đang được tiếp tục đặt ra là, Mark Zuckerberg đã đưa ra viễn kiến với tầm nhìn về thế giới metaverse và đã đầu tư hàng chục tỉ USD vào đó, nhưng tới thời điểm này chưa thể mang lại hiệu quả kinh doanh. Chính dự án đầu tư này làm cho chi phí tại Meta gia tăng mạnh trong thời gian qua. 2. Metaverse là một tầm nhìn được Mark thúc đẩy lên thành một mũi nhọn chiến lược mạnh mẽ để giật lấy ngọn cờ tiên phong về mình. Cũng chính vì thế, Mark nói riêng và Meta nói chung đã bị thiệt hại (tính đến thời điểm hiện tại) nặng nề nhất trong khi thế giới đó còn chưa “ra tấm ra món”. Một cách khách quan nhận thấy, người tiên phong luôn phải gánh chịu thiệt hại nặng nề nhất khi gặp rủi ro. Sự hăng hái của Mark đối với metaverse giờ lại trở thành hố sâu khiến anh ta sa lầy. Nhưng điều quan trọng là, Mark vẫn còn đang bảo vệ tầm nhìn chiến lược của mình chứ chưa vì kinh doanh sa sút mà “bỏ chạy” khỏi metaverse. Có lẽ đó chính là cá tính của vị CEO này. Dù được mệnh danh là keo kiệt nhưng Mark sẵn sàng chi hàng chục tỉ USD cho tầm nhìn công nghệ tương lai. Mà nghĩ cho cùng, metaverse “đốt tiền” tỉ USD thì hầu bao của Mark cũng vơi quá nửa (tài sản cổ phiếu mất giá hơn 50%) chứ không chỉ riêng giá trị công ty Meta. Nhưng Meta và Mark có mất hàng chục tỉ USD thì Mark vẫn là tỉ phú đôla và Meta vẫn trong tốp những công ty đắt giá hàng đầu thế giới. Nhưng nhân viên mà mất việc thì nồi cơm và đời sống gia đình họ lâm nguy. Tới thời điểm này, cả Mark và Meta vẫn còn khá yên ổn thì 11.000 nhân viên Meta dưới quyền Mark Zuckerberg đã phải “ra đường”. Trong thư gửi qua email, Mark đã gửi lời xin lỗi nhân viên. Nhưng cho dù vị CEO có nhận trách nhiệm hay xoa dịu thế nào đi nữa thì đối với những người bị “ra đường”, đó cũng chỉ là những lời sáo rỗng. Bởi thiệt hại, sự hụt hẫng của họ chả thể nào được khỏa lấp hay bù đắp được. Tính toán của lãnh đạo nếu “sai một ly đi một dặm”. Bài toán chiến lược đầu tư metaverse của Mark Zuckerberg tính đến thời điểm này chưa thể nói là sai, mà chỉ là chưa hứa hẹn hiệu quả rõ ràng, thế nhưng hệ lụy khủng khiếp đã ập tới. Một doanh nghiệp công nghệ luôn cần có tầm nhìn chiến lược và sự tiên phong đi trước để nắm giữ vị thế đi đầu dẫn dắt. Chính vì thế, thật khó buộc tội Mark Zuckerberg vì đã theo đuổi metaverse. Song cũng thật đắng cay chua chát khi ít nhất tới thời điểm này, chính Mark Zuckerberg đã bắt 11.000 nhân viên phải gánh chịu hệ lụy từ những gì anh ta đã tính toán và triển khai trong tầm nhìn chiến lược của mình tại Meta. Dạ Thảo