Mỹ phẩm chăm sóc da đang giết hại hàng triệu con cá mập

Vì nhu cầu làm đẹp của con người, hàng triệu con cá mập bị giết hại để sản xuất mỹ phẩm chăm sóc da. Đánh bắt cá mập không kiểm soát không chỉ gây nguy hiểm cho loài sinh vật này, mà còn làm trầm trọng thêm vấn đề khủng hoảng khí hậu.
Được quảng cáo là “sản xuất theo phương pháp hữu cơ” và có nguồn gốc từ dãy núi Alps của Thụy Sĩ, những chai thủy tinh serum tự nhiên màu nâu trông có vẻ khá bình thường. Nhưng nếu nhìn kỹ danh sách thành phần của nó, bạn có thể thấy dòng chữ squalene được in cực nhỏ, đó là một chất tự nhiên được lấy từ dầu gan cá mập.
Mỹ phẩm chăm sóc da đang giết hại hàng triệu con cá mập

Nguồn gốc từ cá mập​

Những nhà sản xuất thay nhau quảng cáo công dụng: “Hãy thử sử dụng. Sản phẩm sẽ làm trắng da của bạn và nó là chất dưỡng ẩm tuyệt vời cho những làn da khô”.
Tuy nhiên, thông thường sẽ có một sự thật xấu xí ẩn giấu đằng sau những sản phẩm trang điểm và chăm sóc da phổ biến này, ngay cả khi chúng được cho là có nguồn gốc hữu cơ. Lọ serum kể trên được tìm thấy trong quầy bán hàng tại một trung tâm mua sắm cao cấp, thuộc trung tâm vành đai mua sắm của Singapore. Nó chỉ là một trong nhiều thương hiệu được gắn nhãn sản phẩm chăm sóc da “hữu cơ và tự nhiên”, nhưng lại chứa dầu squalene từ cá mập.
Có thể nhiều người sẽ biện hộ rằng, họ không làm gì khiến cho loài cá mập hay cá đuối đứng trước nguy cơ tuyệt chủng bởi họ không hề ăn súp vi cá từ chúng. Tuy nhiên, thực tế là ngay cả những người mua sắm có ý thức về môi trường nhất cũng vô tình góp phần giết hại các loài này. Bằng cách mua mỹ phẩm và đồ chăm sóc da có chứa squalene.

Tình trạng săn bắt quá mức​

Vây cá mập được nhắc đến nhiều nhất vào cuối những năm 90. Trong những năm qua, mọi người trên khắp thế giới ngày càng biết đến sự tàn ác khủng khiếp liên quan đến vấn đề tận thu vây cá mập để làm món súp vi cá - một món chiêu đãi xa hoa thường được phục vụ trong các bữa tiệc cưới của Trung Quốc và những sự kiện lớn. Nhưng nhờ sự ủng hộ của những người nổi tiếng và hành động quyết liệt của chính quyền Trung Quốc, công chúng đã bắt đầu tẩy chay và khiến cho “cơn thèm” súp giảm mạnh. Sự sụp đổ của những giao dịch buôn bán tại châu Á đã trở thành một trong những câu chuyện thành công nhất về bảo tồn động vật hoang dã trong những năm gần đây.
Tuy nhiên, các chuyên gia và nhà bảo tồn cá mập cho rằng “chuyến đi săn” đã chuyển sang các khu vực khác, với khoảng 100 triệu cá thể liên tục bị săn bắt và giết thịt mỗi năm, không còn vì vây của chúng nữa mà là các bộ phận khác như da, sụn và gan - những thứ vẫn được người ta truyền tai nhau về đặc tính dưỡng ẩm và khả năng chữa bệnh.
Squalene, một chất chống oxy hóa có đặc tính giữ ẩm, được cơ thể người sản sinh tự nhiên nhằm cung cấp nước cho da và ngăn ngừa các yếu tố gây ung thư. Tuy nhiên quá trình tự sản sinh chất này diễn ra chậm lại khi con người già đi và nó khiến cho làn da trở nên khô và thô ráp hơn. Đó là lý do tại sao người tiêu dùng chuyển sang sử dụng thêm các nguồn bổ sung bên ngoài như kem dưỡng da, kem chống nắng, serum, kem dưỡng ẩm.
Squalene không phải là hợp chất bền vững nhất ở trạng thái tự nhiên và do đó nó cần trải qua một quá trình bão hòa được gọi là hydro hóa để tạo ra sản phẩm là squalane, chất được sử dụng trong các sản phẩm chăm sóc da và làm đẹp. Squalane cũng có nguồn gốc từ dầu thực vật và các nguồn khác như ô liu, cám gạo và mía.
Mỹ phẩm chăm sóc da đang giết hại hàng triệu con cá mập
Cá mập bị săn bắt đế lấy squalane.
Ở động vật, squalene có trong gan của cá mập, và loài động vật này sử dụng dầu trong gan của chúng để điều chỉnh sức nổi của cơ thể trong nước.
“Trong một thời gian rất dài, thế giới dành sự chú ý cao độ đến vấn nạn buôn bán vây cá mập. Nhưng tình trạng đánh bắt cá mập và cá đuối không bền vững đang tiếp tục xảy ra. Hiện tại đã trở thành một vấn đề lớn đến mức, nó hoàn toàn làm lu mờ mọi thứ khác”, Andrew Chin, một nhà khoa học hàng hải và nghiên cứu viên cao cấp tại Đại học James Cook của Úc cho biết.
Các chuyên gia về cá mập như Chin tin rằng có hơn 60 loài cá mập biển sâu được đánh bắt để lấy gan, 26 loài trong số đó được cho là dễ bị tổn thương và cực kỳ nguy cấp được liệt kê trong Sách đỏ IUCN. Chin nói: “Chúng ta có quá ít thông tin về việc buôn bán dầu gan cá mập bởi vì các sản phẩm có chứa squalene được ghi chép rất ít”. Ông nói thêm rằng việc “đánh giá lại toàn bộ” hoạt động buôn bán dầu gan cá mập đã quá chậm trễ từ rất lâu.
“Cá mập đã tồn tại hơn 400 triệu năm và đóng một vai trò quan trọng cho đại dương và hệ sinh thái biển của chúng ta. Nhưng nhiều loài hiện nay cực kỳ dễ bị tổn thương với các hoạt động khai thác công khai. Đây là điều cực kỳ đáng lo ngại và nếu xu hướng này tiếp tục, chúng ta có thể sớm mất hơn 1/3 số loài cá mập do nguy cơ tuyệt chủng”, ông nói.

Mô hình kinh doanh không bền vững môi trường​

Tuy nhiên, bên cạnh nguy cơ tuyệt chủng, việc đánh bắt cá mập quá mức còn làm trầm trọng thêm tình trạng biến đổi khí hậu, đe dọa toàn bộ hệ sinh thái biển và cản trở nghiêm trọng khả năng giảm thiểu và thích ứng của đại dương với sự nóng lên toàn cầu.
Các nhà khoa học và nhà bảo tồn cho biết hơn 90% trữ lượng cá trên toàn cầu đang bị đánh bắt quá mức hoặc đã suy giảm hoàn toàn. Nếu các quần thể như cá mập được tái sinh sẽ góp phần làm cho môi trường biển trong lành hơn, củng cố sức chứa của đại dương và khả năng đối phó với khủng hoảng khí hậu. “Có rất nhiều bằng chứng cho thấy cá mập quan trọng đối với đại dương vì chúng duy trì được hệ sinh thái lành mạnh”, Chin lưu ý.
Mỹ phẩm chăm sóc da đang giết hại hàng triệu con cá mập
Những con cá mập vừa bị đánh bắt tại một khu chợ (ảnh: Courtesy Of Traffic).
Dẫu vậy, cá mập cũng ko kém phần quan trọng đối với ngành công nghiệp mỹ phẩm và làm đẹp trị giá hàng tỷ USD. Một nghiên cứu trên toàn cầu được tiến hành vào năm 2015 bởi tổ chức bảo tồn biển Bloom của Pháp đã tiết lộ, lĩnh vực mỹ phẩm là ngành tiêu thụ chính của squalene nguồn gốc động vật, mặc dù đã có những sản phẩm thay thế từ thực vật không hề độc hại. “Cứ 5 loại kem dưỡng ẩm thì có 1 loại chứa squalene cá mập”, Bloom cho hay.
Nghiên cứu cũng nhấn mạnh cách các công ty sử dụng squalene từ cá mập nhưng lại thực hiện những “quảng cáo đánh lừa” khi tiếp thị sản phẩm. Bloom công khai thương hiệu chăm sóc da Thụy Sĩ Méthode Swiss với các sản phẩm như mặt nạ mắt, serum se khít lỗ chân lông, gel cream là một trong những công ty thực hiện thủ thuật này. “Méthode Swiss sử dụng squalene cá mập nhưng lại không đề cập đến nó. Họ nói rằng tất cả sản phẩm của mình đều được lấy từ nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú nhất trên dãy Alps của Thụy Sĩ”, theo Bloom.
“Có thể một số nhà cung cấp đã lừa dối khách hàng của mình bằng cách bán cho họ một loại ‘squalane thực vật tinh khiết’, nhưng thực tế đó là sản phẩm pha trộn với squalene cá mập”, nghiên cứu cho hay.
Mỹ phẩm chăm sóc da đang giết hại hàng triệu con cá mập
Nhưng Méthode Swiss không phải là cái tên duy nhất. Các thương hiệu nổi tiếng khác ở châu Á mà Bloom nhắc đến còn bao gồm Missha và Etude House đến từ Hàn Quốc. Ngoài ra, Haba - một tập đoàn chăm sóc da đình đám của Nhật Bản được thành lập vào năm 1983 và nổi tiếng với nhiều loại sản phẩm “không chứa chất phụ gia”, cũng không trình bày rõ ràng nguồn gốc squalene của họ. Tuy vậy, kể từ đó, công ty đã giới thiệu một dòng sản phẩm squalane có nguồn gốc thực vật, mà họ tuyên bố mang lại hiệu quả tương tự như squalene cá mập.
Theo hướng dẫn chính thức bởi ASEAN Cosmetics Directive (ACA), một trong những cơ quan hàng đầu châu Á giám sát các quy định trong ngành mỹ phẩm, thì squalene được phép sử dụng như là một thành phần trong các sản phẩm và không có quy định nào cấm hoặc hạn chế việc sử dụng. Nhưng ACA lưu ý rằng “các biện pháp phòng ngừa đặc biệt” cần được tuân thủ đối với các thành phần có nguồn gốc động vật. “Các nước thành viên có thể yêu cầu các cảnh báo cụ thể dựa trên nhu cầu của nơi đó về việc khai báo các thành phần có nguồn gốc động vật. Phải có một thông báo (dù dưới bất kỳ hình thức nào) trên nhãn sản phẩm liệt kê sự hiện diện của các thành phần có nguồn gốc động vật. Đối với nguyên liệu có nguồn gốc từ trâu, bò, lợn thì phải khai báo chính xác”, ACA cho hay.
Một nhà quảng bá tiếp thị có trụ sở tại Singapore từ tập đoàn Etude House đình đám của Hàn Quốc, xác nhận squalene có nguồn gốc động vật được sử dụng trong các sản phẩm son môi, dưỡng da và trang điểm bán chạy nhất của họ. Nhưng không giải thích được tại sao những sản phẩm có nguồn gốc từ thực vật lại không được lựa chọn thay thế.
Một công ty làm đẹp nổi tiếng khác của Trung Quốc, không muốn được nêu tên công khai, đã bảo vệ ý kiến sử dụng squalene cá mập trong các loại serum và kem dưỡng mắt nổi tiếng của mình bởi vì “chất lượng vượt trội” trong việc thúc đẩy sản xuất collagen so với các sản phẩm thay thế có nguồn gốc thực vật. Người phát ngôn công ty nói rằng: “Các thử nghiệm trong phòng thí nghiệm của chúng tôi cho thấy squalene có nguồn gốc động vật mang đến kết quả êm dịu và mịn màng hơn”. Bà nói thêm rằng công ty “tuân thủ các tiêu chuẩn công nghiệp”“các thành phần có nguồn gốc từ các nhà cung cấp hợp pháp”.

Các công ty chăm sóc da cần minh bạch thông tin sản phẩm​

Vẫn còn một chặng đường dài để bảo vệ cá mập khỏi nạn khai thác và giết hại, đặc biệt là từ nhu cầu của các công ty mỹ phẩm và làm đẹp.
Nhà động vật học người Úc Glenn Sant gần đây đã công bố một báo cáo thống kê chi tiết việc buôn bán dầu gan cá mập và những thiệt hại mà việc đánh bắt quá mức gây ra đối với quần thể cá mập vốn đã suy giảm trên toàn cầu.
Sant cho hay: “Cá mập thường được coi là sản phẩm đánh bắt thứ cấp và không được nhà nước quan tâm và bảo vệ như những loài cá có giá trị cao như cá ngừ, vì vậy có rất nhiều vụ đánh bắt quá mức diễn ra với quy mô không được kiểm soát”.
Theo ông, đại dịch đang đặt ra nhiều thử thách đối với việc bảo vệ cá mập và cá đuối khỏi nạn săn bắt. “Các tình nguyện viên của chúng tôi thường có mặt trên tàu để thu thập thông tin về hoạt động đánh bắt cá mập nhưng do các biện pháp giãn cách xã hội nên họ khó lòng có mặt trên tàu để quan sát như thường lệ”.
Theo Sant, vấn đề không chỉ nằm ở việc thiếu thông tin xung quanh hoạt động buôn bán dầu gan cá mập. Điều đáng báo động không kém là tình trạng thị trường không được kiểm soát chặt chẽ, các công ty “không có nghĩa vụ pháp lý” phải tiết lộ nguồn squalene trong sản phẩm đến người tiêu dùng. “Các công ty cần phải minh bạch hơn về việc sử dụng squalene cá mập và cần hiểu những rủi ro to lớn mà họ gây ra đối với loài sinh vật này”, Sant nói.

Để thúc đẩy mục tiêu này, tổ chức phi chính phủ về động vật hoang dã Traffic đã ra mắt SharkTrace, một website chuyên truy tìm và gắn thẻ các sản phẩm có nguồn gốc cá mập.
“Người tiêu dùng xứng đáng biết được sự thật rằng sản phẩm của họ đến từ đâu và được quyền đặt niềm tin và sự tin tưởng cao độ vào các thương hiệu này. Các công ty có nghĩa vụ phải làm những điều đúng đắn, không chỉ vì người tiêu dùng mà còn vì môi trường”, ông nói.
Chin, nhà khoa học hàng hải cho rằng: “Người tiêu dùng đóng một vai trò rất quan trọng và có thể thực hiện quyền lực của mình bằng cách yêu cầu trách nhiệm giải trình và sự minh bạch từ các công ty làm đẹp và mỹ phẩm. Nếu bạn mua một sản phẩm và nghi ngờ nó được làm từ những con cá mập bị giết chết, bạn có quyền được biết nơi chúng sinh sống và bị săn bắt, cách chúng bị bắt và liệu nguồn cung này có đảm bảo tính bền vững không”.
“Đó là tất cả những thông tin cơ bản và nếu nó không được nêu hoặc không rõ ràng, thì xin hãy nhớ rằng hàng triệu con cá mập và 1/3 số loài đang phải đối mặt với nguy cơ bị xóa sổ vĩnh viễn khỏi trái đất của chúng ta”
.
Nguồn: VICE
 


Đăng nhập một lần thảo luận tẹt ga
Thành viên mới đăng
Top