Nam giới Nhật Bản thích đi tiểu ngồi hơn tư thế truyền thống

Nam giới Nhật Bản có xu hướng chọn tiểu ngồi thay vì đứng khi họ không rảnh tay hoặc để tránh những giọt nước tiểu văng tung toé.
Một cuộc khảo sát được thực hiện hồi tháng 6 cho thấy khoảng 60% nam giới chọn tiểu ngồi, với gần một nửa đã chuyển từ tiểu đứng sang ngồi và khoảng 1/4 số người cho biết họ đã tiểu ngồi từ khi còn bé.
Nam giới Nhật Bản thích đi tiểu ngồi hơn tư thế truyền thống
Cuộc khảo sát trực tuyến được thực hiện bởi công ty sản xuất thiết bị vệ sinh Nhật Bản Lion Corp, thu hút 1.500 nam giới tham gia với độ tuổi từ 20 đến 60 tuổi. Và kết quả là có 60,9% người tham gia khảo sát chọn tiểu ngồi.
Cuộc khảo sát chỉ đặt ra hoàn cảnh là sử dụng bồn cầu để tiểu mà không nhắc đến việc nhà vệ sinh có bồn tiểu đứng hay không.
Trong số những người chọn tiểu ngồi, khoảng 49% người tham gia khảo sát cho biết họ đã chuyển từ tiểu đứng sang tiểu ngồi, trong khi 11,9% cho biết họ đã biết tiểu ngồi từ khi có khả năng nhận thức.
Trong số những người này, chỉ có khoảng 2,7% số người trên 60 tuổi, trong khi có đến 25,7% chỉ mới ở độ tuổi 20.
Nam giới Nhật Bản thích đi tiểu ngồi hơn tư thế truyền thống
Một nhà vệ sinh ở Nhật Bản yêu cầu nam giới tiểu ngồi (Ảnh: Kyodo)
Lý do mà nhiều người chọn tiểu ngồi là vì họ đã chứng kiến sự bựa bộn mà mình gây ra khi tiểu đứng, trong đó có 37,2% cho biết bản thân đã chứng kiến những vấn đề liên quan đến sức khoẻ do những giọt nước tiểu bắn tung toé gây ra.
Ngoài ra, có 27,9% nam giới cho rằng họ cảm thấy phiền cho những người dọn vệ sinh, 19,3% cho biết vì bản thân họ phải tự dọn nhà vệ sinh và 16,6% cho biết người thân của họ đã nói rằng những giọt nước tiểu bắn xung quanh – hầu hết không thể thấy bằng mắt thường – thật sự phiền phức.
Thậm chí, nhà sản xuất Lion đã thực hiện một thí nghiệm bằng đèn cực tím và kết quả cho thấy ngay cả khi tiểu ngồi, nước tiểu vẫn bắn tung toé bên trong bồn cầu và bên dưới bệ ngồi. Trong khi tiểu đứng, nước tiểu thường bắn ra cả bên ngoài bồn cầu như trên tường và dưới sàn nhà.
Tomoyuki Isowa, một doanh nhân 53 tuổi tại Nagakute, tỉnh Aichi, gần đây đã chuyển sang tiểu ngồi sau nhiều năm sử dụng tư thế truyền thống. Sự thay đổi này diễn ra sau khi ông đến thăm nhà người con trai và anh ta dặn ông phải tiểu ngồi. Bên cạnh đó, ông cũng bị thuyết phục sau khi xem một chương trình TV nói về thói quen đi vệ sinh của nam giới.
“Tôi cũng cân nhắc việc vợ tôi luôn phải dọn dẹp nhà vệ sinh. Và tôi cũng nhận ra rằng việc tiểu ngồi khiến tôi thoải mái hơn so với tiểu đứng”, ông Isowa cho biết.
Nam giới Nhật Bản thích đi tiểu ngồi hơn tư thế truyền thống
Biển báo hướng dẫn người dân thực hiện tiểu ngồi tại Nhật Bản bằng cả tiếng Nhật và tiếng Anh (Ảnh: Kyodo)
Mặc dù vậy, một số người cho rằng tiều ngồi sẽ khiến dòng nước bị chặn lại và không được đẩy hết ra bên ngoài. Ông Isowa cho biết ông giải quyết việc này bằng cách sử dụng giấy vệ sinh để đảm bảo rằng không bị sót lại một giọt nào.
Và với những người muốn nhà vệ sinh sạch sẽ nhưng lại không biết nên nói chuyện với những người đàn ông trong nhà nhà như thế nào, các hãng cũng cho ra mắt sản phẩm giúp họ “thay lời muốn nói”.
Kể từ năm 2015, công ty bán lẻ Tech Tech tại tỉnh Aichi đã cho ra mắt các loại nhãn dán hướng dẫn người sử dụng nhà vệ sinh cần phải tiểu ngồi. Bên cạnh các gia đình và nhà hàng, Tech Tech cho biết họ còn nhận được đơn đặt hàng từ những người sống một mình.
Nhãn dán gồm hình ảnh một người tiểu đứng bị gạch chéo và hình ảnh một người tiểu ngồi ngay bên cạnh kèm dòng chú thích ở bên dưới. Ngoài ra còn có chú thích bằng tiếng Anh như “Please sit down”.
Ngoài ra còn có một số nhãn dán sáng tạo hơn, cho rằng nam giới nên phổ cập tiểu ngồi như nữ giới để bảo vệ phái nữ khỏi những “phát súng” thiếu chính xác của họ.
Nam giới Nhật Bản thích đi tiểu ngồi hơn tư thế truyền thống
Nhà phân tích quảng bá sản phẩm Yohei Harada cho biết việc nâng cao nhận thức về vấn đề vệ sinh đã giúp nhiều phụ huynh dạy cho con của họ tiểu ngồi từ khi còn bé và hình thành thói quen này cho đến khi trưởng thành.
“Các thế hệ trẻ hơn có quan hệ với phụ huynh tốt hơn, vì vậy chúng sẽ nghe lời bố mẹ và giữ nhà vệ sinh sạch sẽ”, Harada cho biết.
Ông cũng cho rằng giới trẻ ngày này có thể sử dụng điện thoại ngay cả khi đi tiểu bằng cách ngồi xuống cũng là một điểm cộng lớn.
“Rất có thể có những nam giới trẻ tuổi không muốn rời mắt khỏi chiếc điện thoại dù chỉ một giây, nên họ chọn ngồi xuống để có thể tiếp tục sử dụng điện thoại”, ông nói.
Theo Kyodo
 


Đăng nhập một lần thảo luận tẹt ga
Thành viên mới đăng
Top