Mình vừa nhận email của ngân hàng HSBC gửi để cảnh báo lừa đảo. Trong email, ngân hàng đã liệt kê ra 20 thủ đoạn của bọn tội phạm công nghệ thường dùng để lừa. Mình thấy hay nên chia sẻ để anh em tham khảo, biết cách phòng tránh nhé.
1. Giả danh cơ quan thực thi pháp luật
Sử dụng các đầu số lạ như 0840, 0882, … tự xưng là cán bộ viện kiểm sát, công an, thông báo sai phạm và yêu cầu nạn nhân gửi tiền vào số tài khoản mà chúng cung cấp. 2. Bẫy tình trên mạng xã hội
Giả làm quân nhân, doanh nhân nước ngoài muốn gởi quà có giá trị về Việt Nam. Sau đó, giả là hải quan yêu cầu đóng phí trước khi nhận hàng. 3. Chuyển tiền làm từ thiện
Vờ làm người nước ngoài muốn gửi tiền về Việt Nam làm từ thiện và nhờ người giúp đỡ với hoa hồng lên đến 30-40%. Sau đó, giả làm cán bộ hải quan bắt nạn nhân đóng phí thực hiện giao dịch. 4. Lừa đảo mua bán hàng trực tuyến
Gửi link thanh toán trực tuyến giả mạo và yêu cầu nạn nhân đăng nhập để thực hiện thanh toán. Sau đó, họ sử dụng những thông tin này để đăng nhập vào tài khoản ngân hàng trực tuyến của nạn nhân và chiếm đoạt tiền trong tài khoản. Họ cũng có thể yêu cầu nạn nhân chuyển cọc trước sau đó chiếm đoạt tiền cọc. 5. Giả nhân viên ngân hàng hỗ trợ nâng cấp ứng dụng
Chủ động gọi điện cho nạn nhân, tự xưng là nhân viên ngân hàng hướng dẫn nâng cấp phần mềm. Họ sẽ thu thập thông tin quan trọng, đăng nhập ngân hàng trực tuyến và chiếm đoạt tiền của nạn nhân. 6. Lừa đảo qua hình thức trúng thưởng
Giả danh nhân viên ngân hàng, công ty tài chính gọi điện thông báo trúng thưởng (vd, xe máy, sổ tiết kiệm, v.v). Họ yêu cầu nạn nhân đóng phí trước khi nhận thưởng, sau đó chiếm đoạt khoản tiền phí này. 7. Chiếm quyền tài khoản Facebook lừa đảo mượn tiền
Chiếm quyền sử dụng tài khoản Facebook và nhắn tin cho người thân/ bạn bè của chủ tài khoản Facebook hỏi mượn tiền. Họ luôn yêu cầu nạn nhân chuyển tiền vào tài khoản ngân hàng có tên khác lạ, không phải tên thực của người chủ tài khoản Facebook. 8. Lừa đảo tìm người làm việc tại nhà
Họ thông báo tìm nhân lực làm tại nhà cho những công việc đơn giản (như lắp ráp bút bi, dán tem, v.v) và yêu cầu nạn nhân đặt cọc trước khi nhận sản phẩm. Họ biến mất sau khi nhận được tiền cọc. 9. Mạo danh công ty tài chính lừa vay
Chủ động liên hệ nạn nhân hứa hẹn cung cấp các khoản vay lãi suất thấp, thủ tục đơn giản. Họ yêu cầu nạn nhân đóng phí vay và sau đó biến mất. 10. Mạo danh cơ quan bảo hiểm xã hội
Thông báo nạn nhân nợ tiền hoặc vay mượn quỹ Bảo hiểm xã hội và yêu cầu nạn nhân đóng phí, nếu không sẽ trình báo công an. Nạn nhân lo sợ đóng phí và bị chiếm đoạt số tiền phí này. 11. Giả vờ chuyển tiền nhầm để ép vay
Vờ chuyển nhầm vào tài khoản của nạn nhân và yêu cầu nạn nhân chuyển trả lại vào một tài khoản khác. Sau đó, chủ tài khoản (người tự nhận đã chuyển tiền nhầm cho nạn nhân trước đây) yêu cầu nạn nhân đóng lãi vay. Nạn nhân bị đe dọa sẽ kiện ra tòa nêu không thanh toán. 12. Lừa nâng cấp sim 4G để chiếm đoạt tài sản
Giả nhân viên nhà mạng hướng dẫn nâng cấp SIM. Khi nạn nhân làm theo hướng dẫn, số điện thoại di động của nạn nhân sẽ bị chiếm đoạt và sử dụng. Sau đó, họ sẽ chiếm đoạt tiền từ các tài khoản ngân hàng gắn với số điện thoại đó. 13. Lập sàn giao dịch tiền ảo để chiếm đoạt tài sản
Quảng cáo hấp dẫn về lợi nhuận để thu hút nhà đầu tư. Ngay khi nhà đầu tư nạp số tiền lớn vào thì sàn sập, nhà đầu tư không rút được tiền. 14. Lừa đảo cho số ‘đánh đề’
Để nhận được số có khả năng trúng nhiều hơn thì người chơi phải đóng phí. Nếu không trúng thì mất phí, nếu trúng thì nạn nhân còn phải trả thêm tiền hoa hồng. 15. Làm nhiệm vụ qua ứng dụng lạ
Nạn nhân phải đóng tiền trước khi nhận được nhiệm vụ. Số tiền này và thù lao được hoàn trả lại cho nạn nhân trong những lần đầu khi hoàn thành công việc. Sau đó, với những công việc bắt đóng số tiền nhiều hơn, nạn nhân sẽ không nhận lại được khoản tiền đã đóng vì hệ thống bị lỗi. Họ lại yêu cầu nạn nhân đóng tiền thêm để có thể nhận lại khoản đã đóng. 16. Tuyển cộng tác viên làm việc trên các ứng dụng thương mại điện tử
Đăng tuyển cộng tác viên xử lý các đơn hàng trên các ứng dụng thương mại điện tử. Cộng tác viên sẽ được cung cấp thông tin đăng nhập vào các ứng dụng, đường link. Để nhận được thù lao, công tác viên (nạn nhân) phải đặt mua hàng, chuyển tiền thanh toán để tăng tương tác và uy tín cho các cửa hàng. Nạn nhân sẽ nhận lại tiền đặt mua hàng và thù lao sau những lần đầu hoàn thành công việc. Tuy nhiên, sau đó nạn nhân sẽ bị lừa chuyển số tiền lớn hơn và không được nhận lại. 17. Giả làm cán bộ viễn thông, cán bộ trung tâm thông tin tín dụng quốc gia
Thông báo nạn nhân nợ cước phí hoặc nợ xấu tín dụng sau đó họ lại tự xưng là công an yêu cầu nạn nhân đóng tiền để phục vụ quá trình điều tra. 18. Giả danh cán bộ xử phạt vi phạm giao thông
Thông báo nạn nhân có biên lai nộp phạt sắp hết hạn hoặc nạn nhân có liên quan đến đường dây vận chuyển ma túy. Yêu cầu nạn nhân cung cấp thông tin đăng nhập ngân hàng trực tuyến và sau đó chiếm đoạt tiền. 19. Giả mạo lãnh đạo tỉnh, sở, ban, ngành
Lập các tài khoản mạng xã hội (Facebook, Zalo, v.v.), sử dụng các hình ảnh của lãnh đạo để tạo niềm tin cho nạn nhân (là các nhân viên cấp dưới của vị lãnh đạo này), sau đó nhắn tin cho nạn nhân để mượn tiền. 20. Gọi điện quấy rối, khủng bố đòi nợ
Các đối tượng tự xưng nhân viên công ty tài chính nhắn tin, gọi điện khủng bố đòi nợ người vay và cả người thân, bạn bè của người vay. Để tránh dính lừa đảo, người dùng thực hiện một số điều sau đây:
· KHÔNG chuyển tiền cho bất kỳ ai thông qua điện thoại, internet mà chưa biết rõ về họ; · Cơ quan nhà nước KHÔNG làm việc qua điện thoại, nếu cần sẽ mời lên trụ sở; · KHÔNG cung cấp mã OTP, tài khoản ngân hàng trực tuyến cho bất kỳ ai; · Khi người thân, người quen hỏi mượn tiền, nhờ chuyển tiền, hãy gọi điện để xác nhận lại. HÃY LUÔN NGHI NGỜ! · Đa số các cách kiếm tiền dễ dàng qua mạng xã hội đều là ‘trò lừa đảo’. HÃY CẢNH GIÁC!