Nghiên cứu mới đưa ra dữ liệu thuyết phục chứng minh nước giàu gây tổn hại khí hậu cho nước nghèo

Suốt nhiều thập kỷ qua, các nhà hoạt động môi trường, cùng với một số viên chức chính phủ và các khoa học gia, đã tranh luận kịch liệt vấn đề nước giàu cần chấp nhận bỏ ra nhiều chi phí hơn để giải quyết biến đổi khí hậu, và thậm chí là phải trả tiền bồi thường cho các nước nghèo, bởi không ai khác ngoài các quốc gia công nghiệp là tác giả của phần lớn lượng khí nhà kính trên Trái đất.
Mới đây, một nghiên cứu đã được thực hiện bởi hai nhà khoa học tại Dartmouth, nhằm tính toán tác động kinh tế mà các quốc gia lớn nói trên đã và đang gây ra cho các quốc gia nhỏ hơn khác. Xuất bản hôm thứ ba trên tạp chí Climatic Change, nghiên cứu cho biết những số liệu thu thập được có thể dùng làm bằng chứng trước tòa, và trong các phiên đàm phán khí hậu quốc tế về vấn đề bồi thường của các nước giàu - vốn đốt nhiều than, dầu mỏ và khí gas hơn - đối với các nước nghèo bị thiệt hại bởi khí thải.
Ví dụ, dữ liệu chỉ ra quốc gia xả thải carbon hàng đầu thế giới, Mỹ, đã gây ra thiệt hại khí hậu lên đến hơn 1,9 nghìn tỷ USD cho các quốc gia khác từ năm 1990 - 2014, bao gồm 310 tỷ USD thiệt hại đối với Brazil, 257 tỷ USD đối với Ấn Độ, 124 tỷ USD đối với Indonesia, 104 tỷ USD đối với Venezuela, và 74 tỷ USD đối với Nigeria. Trong khi đó, chính sự xả thải này mang lại cho nước Mỹ hơn 183 tỷ USD.
Có phải mọi quốc gia nên yêu cầu Mỹ bồi thường? Đúng vậy” - theo đồng tác giả Justin Mankin, một nhà khoa học khí hậu tại Đại học Dartmouth. “Mỹ đã gây tổn hại kinh tế khủng khiếp do xả thải, và chúng tôi có dữ liệu chứng minh điều đó”
Các quốc gia đang phát triển liên tục thuyết phục các quốc gia giàu có hơn thực hiện lời hứa hỗ trợ tài chính, nhằm giúp họ giảm lượng khí thải carbon trong tương lai, nhưng chưa hề nhận được bồi thường vì những thiệt hại đã gây ra - trong đàm phán khí hậu toàn cầu, khái niệm này được gọi là “tổn thất và thiệt hại”. Trong những cuộc đàm phán đó, các nước xả thải carbon lớn nhất, như Mỹ và Trung Quốc, luôn tìm lý do để phủ nhận những hành động của họ đã gây ra thiệt hại nhất định cho các quốc gia khác - theo tác giả nghiên cứu Christopher Callahan, một nhà nghiên cứu tác động khí hậu tại Dartmouth. Nghiên cứu của ông có thể “thổi bay” những lý lẽ đó.
Những nghiên cứu khoa học như nghiên cứu chấn động này cho thấy các quốc gia xả thải nhiều không thể dựa vào lý lẽ gì để tránh nghĩa vụ giải quyết tổn thất và thiệt hại nữa” - theo nhà khoa học khí hậu Adelle Thomas thuộc Climate Analytics, người không tham gia vào nghiên cứu. Bà cho rằng những nghiên cứu gần đây “cho thấy rõ tổn thất và thiệt hại đang ngày càng khiến các quốc gia đang phát triển bị kiệt quệ”
Nghiên cứu mới đưa ra dữ liệu thuyết phục chứng minh nước giàu gây tổn hại khí hậu cho nước nghèo
Dù hoạt động xả thải carbon đã được theo dõi trong suốt nhiều thập kỷ qua ở cấp độ quốc gia, và thiệt hại cũng đã được tính toán kỹ lưỡng, Callahan và Mankin nói rằng đây là nghiên cứu đầu tiên kết nối mọi điểm dữ liệu lại với nhau, từ các quốc gia sản sinh ra khí thải, đến các quốc gia bị ảnh hưởng bởi nó. Nghiên cứu còn đánh giá lợi ích (từ hoạt động xả thải carbon), chủ yếu được hưởng bởi các quốc gia phương bắc như Canada và Nga, cũng như các quốc gia giàu có như Mỹ và Đức.
Các quốc gia xả thải ít nhất cũng là những quốc gia có xu hướng bị tổn hại bởi tình trạng ấm lên toàn cầu. Chính sự bất bình đẳng gấp đôi đó là phát hiện quan trọng mà tôi muốn nhấn mạnh” - Callahan nói.
Để thực hiện nghiên cứu, đầu tiên Callahan đánh giá lượng carbon mà mỗi quốc gia thải ra và tác động của nó đối với nhiệt độ toàn cầu, bằng cách sử dụng các mô hình khí hậu quy mô lớn và giải lập một thế giới bằng số liệu khí thải carbon đó - có thể xem đây là một phiên bản mang tính khoa học của kỹ thuật từng được sử dụng để nghiên cứu các sự kiện thời tiết khắc nghiệt. Sau đó, ông kết nối kết quả thu được với các nghiên cứu kinh tế xoay quanh mối quan hệ giữa sự tăng nhiệt độ và thiệt hại tại từng quốc gia.
Chúng tôi có thể khẳng định Mỹ là một trong những nguyên nhân góp phần dẫn đến những hệ quả trong nền kinh tế của Angola” - Mankin cho biết.
Sau Mỹ, các quốc gia gây ra nhiều thiệt hại nhất kể từ năm 1990 - năm được các nhà nghiên cứu lựa chọn dựa trên sự nhất trí về khoa học, và cũng là thời điểm mà các quốc gia không thể phủ nhận không biết về sự ấm lên toàn cầu - là Trung Quốc (1,8 nghìn tỷ USD), Nga (986 tỷ USD), Ấn Độ (809 tỷ USD), và Brazil (528 tỷ USD). Chỉ riêng Mỹ và Trung Quốc kết hợp lại đã chiếm khoảng 1/3 thiệt hại khí hậu toàn cầu!
5 quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất tính theo dollar là Brazil, Ấn Độ, Ả-rập Saudi, UAE, và Indonesia, nhưng đó là bởi họ là những nền kinh tế lớn nhất trong khu vực bị ảnh hưởng mạnh nhất. Nếu tính theo GDP, các quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất sẽ là UAE, Mauritania, Ả-rập Saudi, Oman, và Mali. Brazil và Ấn Độ vừa nằm trong số các quốc gia xả thải nhiều nhất, vừa bị thiệt hại nặng nhất, và cả hai đều chưa nộp đơn kiện để được đền bù vì thiệt hại khí hậu.
Câu hỏi về tính công bằng trong việc lựa chọn ra những quốc gia phải hi sinh, và làm thế nào để chuẩn bị đối phó và khắc phục những tác động của khí hậu trong bối cảnh cộng đồng toàn cầu tìm cách làm chậm lại sự ấm của Trái đất, đã trở thành một chủ đề ngày càng được quan tâm trong các sự kiện khí hậu thế giới. Một số quốc gia, cộng đồng địa phương, và các nhà hoạt động khí hậu, đã kêu gọi các nước xả thải carbon nhiều nhất trong lịch sử phải chi trả “bồi thường khí hậu” cho thiệt hại mà họ gây ra trong quá trình phát triển kinh tế đối với các quốc gia và các cộng đồng vốn đã bị ảnh hưởng tiêu cực bởi các hệ thống bóc lột, như chủ nghĩa thực dân và nô lệ. Nghiên cứu này ủng hộ quan điểm nói trên.
Theo cách suy nghĩ này, nghiên cứu củng cố những lý lẽ liên quan tổn thất và thiệt hại đang được chú ý” trong Công ước khung Liên Hợp Quốc về Biến đổi Khí hậu - theo Nikki Reisch, giám đốc chương trình khí hậu và năng lượng thuộc Trung tâm Luật Môi trường Quốc tế.
Đáng chú ý, các quốc gia xả thải nhiều vẫn tìm cách từ chối đền bù tổn thất và thiệt hại, bởi họ “quan ngại” các quốc gia nghèo sẽ không sử dụng nguồn tài chính khí hậu như kế hoạch đề ra.
Dẫu vậy, Mankin nói rằng ông kỳ vọng nghiên cứu sẽ giúp trao quyền cho “những quốc gia yếu thế và đang đối phó với thay đổi khí hậu toàn cầu”. Nhưng một số chuyên gia khác trong cộng đồng khí hậu, những người đã đọc qua nghiên cứu, thì cho rằng sẽ cần thêm thông tin để đảm bảo những quốc gia bị ảnh hưởng nhiều nhất bởi biến đổi khí hậu được đền bù hợp lý với những tổn thất họ đã gánh chịu. Thông tin và dữ liệu trong nghiên cứu quả thực rất quý giá, nhưng phải có áp lực đặt lên những quốc gia chịu trách nhiệm, từ đó lập nên chính sách khí hậu để buộc họ phải bồi thường cho những thiệt hại đã gây ra cho các quốc gia nghèo hơn.
Basav Sen, giám đốc khí hậu của Viện Nghiên cứu Chính sách, nói rằng việc nghiên cứu “chỉ rõ mối liên kết nhân quả là rất hữu ích”.
Nhưng ông cũng nói thêm rằng, “đó chỉ là một mảnh ghép trong chiến dịch gây áp lực đang được thực hiện để biến thông tin thành dòng tài chính thực sự từ các quốc gia giàu có, xả thải nhiều, sang các quốc gia thu nhập thấp hơn và đang đối mặt với nhiều tác động tiêu cực của khí hậu hơn”
Tham khảo:
TheStar
 


Đăng nhập một lần thảo luận tẹt ga
Thành viên mới đăng
Top