Người đàn ông đã tiêm 217 mũi Covid-19 giờ ra sao?

Bỉ Ngạn Hoa

Moderator
Các nhà khoa học cho biết hàng trăm mũi tiêm Covid không khiến người đã tiêm 217 liều vắc-xin Covid trở thành siêu nhân nhưng cũng chưa gây ra tác hại đáng kể nào với sức khỏe. Đặc biệt, người này chưa bao giờ nhiễm virus Covid.
Người đàn ông đã tiêm 217 mũi Covid-19 giờ ra sao?
Theo trang Gizmodo, người đàn ông Đức dường như không tệ hơn sau khi được cho là đã tiêm hơn 200 liều vắc xin ngừa Covid-19. Trong một nghiên cứu mới công bố tuần vừa qua, các nhà khoa học đã kiểm tra máu và nước bọt của người này. Kết quả họ đã không tìm thấy bằng chứng nào cho thấy việc “việc tiêm quá nhiều liều vắc-xin” đã gây tổn hại cho hệ miễn dịch cũng như sức khỏe nói chung.
Những hành vi tai quái về việc tiêm vắc xin của người đàn ông này lần đầu tiên được chính quyền Đức báo cáo vào mùa xuân năm 2022. Tháng 3 năm đó, người này bị bắt quả tang tiêm vắc-xin ngừa Covid-19 tại cùng một trung tâm tiêm chủng ở bang Saxony trong hai ngày liên tiếp. Cảnh sát cáo buộc vào thời điểm đó rằng người đàn ông - được mô tả là cư dân của thành phố Magdeburg ở độ tuổi 60 - đã tiêm thêm vắc xin để lấy số thẻ tiêm chủng bán cho người dân không muốn tiêm phòng.
Các công tố viên địa phương đã mở một cuộc điều tra đối với người đàn ông này vì cáo buộc lừa đảo, nhưng cuối cùng đã không truy cứu trách nhiệm hình sự. Các nhà nghiên cứu tại Đại học Erlangen–Nuremberg và Bệnh viện Đại học Erlangen đã nghe về câu chuyện của người đàn ông này từ các bản tin và quyết định liên hệ để đề nghị được theo dõi và kiểm tra sức khỏe. Người đàn ông sẵn sàng đồng ý. Bài báo tiếp theo của nhóm nghiên cứu về trường hợp bất thường này đã được xuất bản trên tạp chí bệnh truyền nhiễm Lancet.
Trước khi cuộc điều tra kết thúc, các công tố viên xác định rằng người đàn ông này đã được tiêm ít nhất 130 mũi tiêm chủng ngừa Covid-19 trong khoảng thời gian 9 tháng. Các nhà nghiên cứu đã tìm thấy tài liệu về 108 bức ảnh, một số trong đó trùng lặp với những bức ảnh được chính quyền tìm thấy. Nhưng người đàn ông tuyên bố rằng anh ta thực sự đã tiêm 217 mũi tiêm chủng trong suốt 29 tháng. Những mũi tiêm này được lấy từ nhiều loại vắc xin khác nhau, phần lớn là vắc xin mRNA.
Sau khi được phát hiện tiêm quá nhiều liều vắc-xin Covid, người đàn ông đã trải qua nhiều lần xét nghiệm máu trong những năm sau đó. Người này đã cấp cho các nhà nghiên cứu quyền truy cập vào hồ sơ y tế và các mẫu được lưu trữ của mình, cũng như cho phép họ lấy các mẫu máu và nước bọt thường xuyên. Đặc biệt sau khi đã bị phát hiện tiêm quá nhiều vắc-xin Covid, người đàn ông này vẫn tiếp tục tiêm thêm hai mũi tiêm chủng nữa trong thời gian các nhà nghiên cứu đang theo dõi.
Trong suốt quá trình này, người đàn ông cho biết ông không thấy có tác dụng phụ nào liên quan đến vắc xin. Và khi các nhà nghiên cứu so sánh mẫu xét nghiệm của người này đối chứng với những người đã tiêm ba liều mRNA, họ không tìm thấy tác động tiêu cực rõ ràng nào từ hàng trăm lần tiêm chủng của người đàn ông này và thậm chí có thể có một số tác động tích cực.
Chẳng hạn, nhóm nghiên cứu không tìm thấy bằng chứng nào cho thấy phản ứng miễn dịch của anh ta với các vi trùng khác bị suy giảm. Số lượng kháng thể và tế bào T đặc hiệu của người đàn ông này cũng cao hơn so với mức thông thường. Đặc biệt, người đàn ông này còn là trường hợp hiếm hoi có một lượng kháng thể kháng protein S (anti-Spike) tồn tại trong nước bọt.
Mặc dù có một số lo ngại về mặt lý thuyết rằng việc tiêm chủng Covid-19 lặp lại trong khoảng thời gian quá ngắn có thể làm suy yếu phản ứng với loại vắc xin mới nhất, nhóm nghiên cứu nhận thấy rằng khả năng miễn dịch của người đàn ông này vẫn tăng nhẹ sau mũi tiêm thứ 217. Có lẽ phát hiện thú vị nhất là người đàn ông này dường như chưa bao giờ mắc phải Covid-19, với hàng chục xét nghiệm được thực hiện trong nhiều năm đều cho kết quả âm tính cho đến nay.
“Quan sát cho thấy không có tác dụng phụ đáng chú ý nào xảy ra mặc dù việc tiêm quá nhiều liều vắc-xin cho thấy rằng thuốc có mức độ dung nạp tốt”, tác giả nghiên cứu Kilian Schober cho biết trong một tuyên bố từ trường đại học thực hiện nghiên cứu.
Các tác giả lưu ý rằng họ không thể chứng minh chắc chắn rằng người đàn ông này vẫn không nhiễm bệnh do thói quen bất thường của mình. Và suy cho cùng, đây chỉ là một trường hợp duy nhất. Chúng ta cũng biết rằng vắc xin có thể gây ra những biến chứng hiếm gặp nhưng đôi khi nghiêm trọng, ngay cả khi lợi ích của việc tiêm vắc xin ngừa Covid-19 vượt xa những rủi ro có thể xảy ra.
 


Đăng nhập một lần thảo luận tẹt ga
Thành viên mới đăng
Top