Người mắc chứng rối loạn lo âu và trầm cảm dễ phát triển bệnh mãn tính

Một nghiên cứu mới cho thấy những người mắc chứng rối loạn lo âu và trầm cảm có nguy cơ cao phát triển các bệnh mãn tính như hen suyễn và hầu hết các loại bệnh ung thư khi so sánh với những người không bị rối loạn tâm lý.
Người mắc chứng rối loạn lo âu và trầm cảm dễ phát triển bệnh mãn tính
Phụ nữ ở mọi lứa tuổi và nam thanh thiếu niên mắc phải một số dạng rối loạn cảm xúc nhất định có khả năng cao mắc một số bệnh mãn tính.
Trong một hồi cứu được công bố trên tạp chí JAMA Network Open, các nhà nghiên cứu đã phân tích dữ liệu sức khỏe của 40.360 người trưởng thành ở quận Olmsted, Minnesota từ hệ thống liên kết hồ sơ y tế của Dự án Dịch tễ học Rochester.
Nhóm nghiên cứu chia những người trưởng thành theo ba nhóm tuổi và theo giới tính: 20, 40 và 60 tuổi. Những người tham gia được chia thành 4 nhóm: những người rối loạn lo âu; trầm cảm; rối loạn lo âu và trầm cảm; hoặc không lo âu cũng không trầm cảm.
Phụ nữ ở cả ba nhóm tuổi và nam giới ở độ tuổi 20 mắc chứng trầm cảm hoặc bị cả lo âu và trầm cảm có nguy cơ phát triển bệnh mãn tính cao hơn đáng kể so với những người tham gia không bị lo lắng hoặc trầm cảm.
Một vài bệnh trong số 15 bệnh mãn tính được quan sát thấy trong nghiên cứu bao gồm: tăng huyết áp, hen suyễn, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính (COPD) và hầu hết các bệnh ung thư.
“Chúng ta có xu hướng đánh giá những người trẻ tuổi sẽ là đầy sức sống, khoẻ mạnh. Chúng ta cũng hay quan niệm rằng các bệnh mãn tính chỉ ảnh hưởng đến những người lớn tuổi”, Jasmin Wertz, một giảng viên tâm lý học tại Trường Triết học, Tâm lý học và Khoa học Ngôn ngữ thuộc Đại học Edinburgh ở Vương quốc Anh cho biết.
Trong số tất cả nhóm phụ nữ trong nghiên cứu thì phụ nữ ở độ tuổi 20 có nhiều khả năng mắc bệnh mãn tính nhất nếu họ bị cả rối loạn lo âu và trầm cảm, với nguy cơ tăng hơn 61% so với những người tham gia không bị rối loạn tâm thần. Phụ nữ ở độ tuổi 60 ít có khả năng xảy ra nhất nếu chỉ bị rối loạn lo âu, với nguy cơ tăng hơn 5% so với những người không có vấn đề sức khoẻ tâm thần.
Trong số những người đàn ông trong nghiên cứu, những người bị lo âu và trầm cảm ở nhóm 20 tuổi sẽ nhiều khả năng phát triển bệnh mãn tính nhất, với mức tăng gần 72% nguy cơ so với nhóm đối chứng. Nam giới mắc phải rối loạn lo âu ở nhóm 60 tuổi là ít nguy cơ nhất với 8% rủi ro.

Đi tìm lời giải cho sự khác biệt​

Người mắc chứng rối loạn lo âu và trầm cảm dễ phát triển bệnh mãn tính
Các nhà nghiên cứu không thể xác định lý do tại sao phụ nữ lại dễ bị ảnh hưởng hơn nam giới, nhưng có một số giả thuyết cần xem xét, tác giả nghiên cứu, Tiến sĩ William Bobo, giáo sư tâm thần học, chủ tịch và cố vấn của khoa tâm thần học và tâm lý học tại Mayo Clinic, Jacksonville, Florida cho biết.
Ông nói: “Có sự khác biệt về giới tính trong tần suất mắc các chứng rối loạn lo âu, trầm cảm và yếu tố này có thể đóng một vai trò nào đó trong sự khác biệt này”.
Theo Mayo Clinic, phụ nữ nhiều khả năng mắc chứng rối loạn lan toả (Generalized Anxiety Disorder) hơn nam giới và có nguy cơ mắc bệnh trầm cảm cao hơn gấp đôi.
Các yếu tố nội tiết, sinh học và tâm lý cũng có thể đóng một vai trò tác động nào đó, Bobo nói thêm.
Những người tham gia thí nghiệm mắc phải rối loạn lo âu và trầm cảm cũng bị ảnh hưởng bởi nhiều bệnh mãn tính, chứ không chỉ một hoặc hai, Wertz nói.

Có nhiều yếu tố tác động đến các chứng rối loạn tâm thần​

Nghiên cứu không xét đến các bệnh mãn tính mà mọi người đã mắc phải trước khi tham gia thí nghiệm và thay vào đó phân tích dữ liệu thu thập được ở mỗi cột mốc, Kyle Bourassa, một thành viên cao cấp của Geriatrics Research, Education and Clinical Center tại Durham VA Health Care System, Bắc Carolina cho biết.
Ông giải thích rằng một vài người ở độ tuổi 60 có thể đã bị rối loạn lo âu hoặc trầm cảm hoặc mắc phải cả hai trong phần lớn cuộc đời của họ và đã phát triển các bệnh mãn tính ở tuổi 60 vì những yếu tố trên.
Một yếu tố hạn chế khác đó là hơn 86% người tham gia là người Da trắng, theo Wertz.
Có sự chênh lệch lớn về sức khỏe tinh thần và thể chất theo chủng tộc và sắc tộc, bởi vì những người xuất thân từ các nhóm dân tộc thiểu số thường không được tiếp cận với dịch vụ chăm sóc sức khỏe có chất lượng, bà nói.
Điều này có nghĩa là những người có nguồn gốc chủng tộc và dân tộc thiểu số có thể liên quan lớn hơn với chứng lo âu và trầm cảm, có thể dẫn đến nguy cơ phát triển các bệnh mãn tính cao hơn so với báo cáo, Wertz giải thích.

Làm thế nào để giảm thiểu rủi ro​

Người mắc chứng rối loạn lo âu và trầm cảm dễ phát triển bệnh mãn tính
Bourassa cho biết có các phương pháp điều trị hành vi và dược lý đối với chứng lo âu và trầm cảm đã được chứng minh là cải thiện sức khỏe của bệnh nhân.
Những phát hiện có được từ nghiên cứu này cho thấy rằng những phương pháp điều trị đó cũng có thể cải thiện sức khỏe thể chất, đặc biệt là đối với cả nhóm tuổi trẻ hơn, ông nói.
Theo Bourassa, thực hiện các hoạt động thể chất, thiền định và ngủ đủ giấc cũng đã được chứng minh là làm giảm lo lắng và trầm cảm.
Ngoài những hoạt động đó, tránh hút thuốc và uống nhiều rượu có thể giúp giảm nguy cơ phát triển bệnh mãn tính, ông nói.
Nếu cảm thấy mình có thể mắc phải rối loạn lo âu hoặc trầm cảm, bạn nên nói chuyện với bác sĩ trị liệu để lập kế hoạch điều trị.
 


Đăng nhập một lần thảo luận tẹt ga

Gợi ý cộng đồng

Top