“Người phụ nữ hot nhất Trung Quốc” và câu chuyện đằng sau đế chế ớt Lao Gan Ma

Có một câu nói thường được dùng để miêu tả tỉnh Quý Châu ở miền tây nam Trung Quốc: “không có một mét đất bằng phẳng nào, không có ba ngày liên tục không mưa, không có nhà nào có đủ ba đồng bạc”. Nhưng nhờ sự giúp sức của một loại gia vị cay nồng, Tao Huabi (Đào Hoa Bích), được mệnh danh là “người phụ nữ hot nhất Trung Quốc”, đã thực sự thách thức quy luật đó.
Đào Hoa Bích là tác giả của món “Ớt giòn cay Lao Gan Ma”, một loại tương giòn, cay nồng làm từ những trái ớt được rang đến khi gần chuyển sang màu đen. Cái tên “Lao Gan Ma” có nghĩa là “Mẹ đỡ đầu của bạn”, và mỗi khi nhấc một chai tương này lên, bạn sẽ thấy khuôn mặt nghiêm nghị của một người phụ nữ tóc ngắn. Mở nắp ra, trước mắt bạn là một hỗn hợp có phần đáng sợ của đậu phộng, đậu tương muối giòn, bột ngọt, và dầu ăn hòa quyện với ớt. Một món ăn trông khá nguy hiểm với những ai sợ cay!
“Người phụ nữ hot nhất Trung Quốc” và câu chuyện đằng sau đế chế ớt Lao Gan Ma
Bà Đào Hoa Bích, "nữ hoàng" trong "xích quốc" Lao Gan Ma
Ấy thế nhưng, món ăn đã trở thành biểu tượng tại Trung Quốc này đang ngày một phổ biến hơn trong tủ lạnh của người dân trên toàn thế giới. Nó phổ biến đến mức mang lại cho Đào Hoa Bích khối tài sản lên đến 1,05 tỷ USD - theo ước tính của Forbes Trung Quốc.
Sinh năm 1947, là người con gái thứ 8 của một gia đình làm nông nghèo ở ngôi làng miền núi thuộc Quý Châu, bà Đào không được đi học, và hiển nhiên không biết đọc lẫn viết. Bà trải qua một tuổi thơ đói khổ, sống sót qua nạn đói lớn ở Trung Quốc bằng cách ăn rễ cây. Khi chồng qua đời, bà chuyển đến thành phố Quý Dương và bắt đầu bán mỳ với nước tương tự làm. Vào thập niên 1990, bà trở thành chủ một nhà hàng tên “Tiết kiệm”. Khi tuyến đường cao tốc mới được mở đưa giới tài xế xe tải đến Quý Dương ngày càng nhiều, bà Đào tận dụng cơ hội mở rộng danh tiếng bằng cách tặng họ những chai tương miễn phí mà bà làm ra. Năm 1996, bà mở một xưởng sản xuất đặt trong một ngôi nhà ở Quý Dương, và một năm sau đó, Công ty Thực phẩm Hương vị Đặc biệt Lao Gan Ma ra đời.
Hiện nay, theo website của công ty, số lượng chai tương ớt Lao Gan Ma được sản xuất mỗi ngày lên đến con số 1,3 triệu. Trong khi đó, Heinz sản xuất được 1,8 triệu chai tương ớt, và Huy Fong Sriracha - còn được gọi là “Tương gà” - là 55.000 chai.

Xích quốc

Miranda Brown, giáo sư Trung Hoa học tại Đại học Michigan, người đang soạn thảo cuốn sách về lịch sử thức ăn Trung Quốc, cho biết tại quốc gia đông dân nhất thế giới, Lao Gan Ma phổ biến một phần nhờ sự độc đáo của bà Đào. Người tiêu dùng Trung Quốc có xu hướng muốn thử những món ăn đậm vị vùng miền và sử dụng nguyên liệu được làm ra từ chính những vùng miền đó. Vẻ ngoài và phong thái như một bà mẹ đỡ đầu chính hiệu của bà Đào cũng làm gợi lên sự hoài niệm về một thời xa xưa khi mọi thứ còn đơn giản.
Cách thiết kế nhãn hiệu “đậm chất chủ nghĩa cộng sản” của Lao Gan Ma “không thực sự mới mẻ ở Trung Quốc, nhưng câu chuyện về nó thì lại mới mẻ ở Trung Quốc” - Brown nói. Việc bà Đào không có lấy nổi “một mét đất bằng phẳng” cũng là một lợi thế: chính vùng đất dốc đứng này là nơi những loại “thực phẩm của tân thế giới” như ớt phát triển mạnh mẽ nhất!
“Người phụ nữ hot nhất Trung Quốc” và câu chuyện đằng sau đế chế ớt Lao Gan Ma
Công nhân trong nhà máy Lao Gan ma ở Quảng Châu.
Tại Trung Quốc, ớt giòn sử dụng được với mọi thứ. Không như ớt tương, người ta có thể rắc ớt giòn lên cả kem. Ngoài thực phẩm, nhãn hiệu Lao Gan Ma hiện diện ở khắp nơi, từ ốp điện thoại, quần áo, vỏ bút chì, và những câu bông đùa nữa. Kênh tin tức tài chính nhà nước Yicai China từng nói rằng, khi một người đàn ông kết hôn, anh ta có hai người phụ nữ: vợ và Đào Hoa Bích.
Sản phẩm của bà Đào phổ biến đến mức vào năm 2016, Bloomberg đã ca ngợi Lao Gan Ma vì giúp tỉnh nghèo Quý Châu đạt mức tăng trưởng 10,5% - mức tăng trưởng nhanh thứ nhì toàn quốc vào năm đó, vượt cả mức tăng trưởng quốc gia là 6,7%.
Nhưng Lao Gan Ma cũng ngày càng phổ biến ở nước ngoài, đặc biệt là Mỹ, nơi nhiều phiên bản khác của Lao Gan Ma mọc lên như nấm trong vài năm trở lại đây, bao gồm ớt Fly By Jing và Momofuku - cả hai đều loại bỏ bột ngọt để chuyển sang các loại gia vị tự nhiên hơn. Điều đáng nói là giá bán của chúng cao gấp nhiều lần Lao Gan Ma, vốn chỉ khoảng 2 USD/chai tại Trung Quốc.
Một nghiên cứu được thực hiện bởi hai học viện thuộc Đại học Ngoại ngữ Quảng Đông nói rằng thành công ở nước ngoài của Lao Gan Ma tất cả là nhờ Đào Hoa Bích. “Lao Gan Ma đặt hình ảnh một người phụ nữ Trung Quốc già cỗi và ngoại hình tầm thường lên bao bì, gây cảm giác tò mò mạnh mẽ đối với người tiêu dùng nước ngoài” - nghiên cứu viết.
Năm 2021, trong bối cảnh đại dịch COVID bùng nổ, mọi người buộc phải làm quen với các bữa ăn tự nấu tại nhà, doanh số Lao Gan Ma của nhà bán lẻ trực tuyến Sous Chef ở Anh đã tăng vọt 1.900%.
Về bản thân Đào Hoa Bích, một bài viết trên trang Yicai Global miêu tả bà là “Nữ hoàng” của một “xích quốc” nơi tràn ngập những cánh đồng ớt và một nhà máy nơi bà ngủ trong một phòng ngủ sát cạnh phòng làm việc.
Màu đỏ của ớt có thể thấy ở gần như khắp mọi nơi trong nhà máy” - bài báo nói. Bà Đào lái một chiếc Rolls-Royce phiên bản giới hạn với gương hậu màu đỏ và biển số may mắn: “Gui A8888”.
Tham khảo: TheGuardian
>> Bộ não phản ứng ra sao khi chúng ta ăn ớt?
 


Đăng nhập một lần thảo luận tẹt ga
Thành viên mới đăng
Top