Nguyên nhân lừa đảo online tăng mạnh

Mr. Macho

Writer
Theo Cục An toàn thông tin - Bộ Thông tin và Truyền thông, đây là một trong ba nguyên nhân dẫn đến tình trạng lừa đảo trực tuyến gia tăng mạnh thời gian qua. Trong 6 tháng đầu năm, lừa đảo trực tuyến tại Việt Nam tăng 64,78% so với cùng kỳ năm ngoái và tăng 37,82 % so với 6 tháng cuối 2022.
Phó cục trưởng Trần Quang Hưng cho biết các nhóm lừa đảo không chỉ có cơ sở ở Việt Nam mà phần lớn đang tập trung ở các nước lân cận. "Trước đây, chúng ta đã biết tới các tổ chức lừa đảo người Việt nhưng ở Campuchia, nay xuất hiện thêm ở Lào, Philippines. Họ hình thành các nhóm lớn với nhiều người Việt tham gia để lừa đảo người Việt", ông Hưng cho hay.
Nguyên nhân lừa đảo online tăng mạnh
Ông Trần Quang Hưng, Phó Cục trưởng An toàn thông tin phát biểu tại cuộc họp. Ảnh: Anh Dũng
Bên cạnh đó, sự phát triển của công nghệ, đặc biệt là AI, deepfake cũng khiến hành vi lừa đảo tinh vi và phát triển mạnh hơn. Các nhóm đã ứng dụng nhiều công nghệ mới để tạo hệ thống lừa đảo một cách nhanh chóng, giả mạo "giống thật", khiến việc nhận diện của người dùng gặp khó khăn.
Nguyên nhân thứ ba được đại diện Cục nêu ra là smartphone được phổ cập đến mọi người dân, nhưng khả năng nhận diện hành vi lừa đảo chưa cao. "Nhóm nạn nhân bị lừa có sự dịch chuyển khá rõ về phía người cao tuổi, trẻ em, sinh viên, công nhân, nhân viên văn phòng thu nhập thấp", ông Hưng nói.
Trong 24 hình thức lừa đảo online được phát hiện, nhóm người lao động, nhân viên văn phòng thu nhập thấp là mục tiêu bị dẫn dụ của 19 hình thức lừa đảo, người cao tuổi là mục tiêu của 15 hình thức; trẻ em 3 và sinh viên/thanh niên là 13 hình thức.
Bên cạnh đó, đại diện Cục cho biết đã có những dấu hiệu tích cực trong việc ngăn chặn lừa đảo vì người dân đã chủ động báo cáo cho cơ quan nhà nước khi gặp vấn đề. Lấy ví dụ với chiến dịch lừa nộp thuế, ông Hưng cho biết từ phản ánh của người dùng lên cổng không gian mạng, Cục đã phân tích và phát hiện nhóm tội phạm mạng sử dụng 195 hệ thống khác nhau để dẫn dụ mục tiêu, với kịch bản xoay quanh việc nộp thuế online, từ đó lừa tiền của nạn nhân.
Trong thông báo về chiến dịch phòng chống lừa đảo trực tuyến cuối tháng 6, Cục An toàn thông tin cho biết không gian mạng Việt Nam đang tồn tại ba nhóm lừa đảo chính, gồm giả mạo thương hiệu, chiếm đoạt tài khoản và các hình thức kết hợp. Trong đó có một số hình thức nở rộ thời gian qua, như thực hiện cuộc gọi video deepfake; giả danh cơ quan công an, viện kiểm sát, tòa án, lừa "khóa SIM" vì chưa chuẩn hóa thuê bao; giả mạo biên lai chuyển tiền; rao bán hàng giả hàng nhái trên sàn thương mại điện tử.
Lưu Quý/VnExpress
 


Đăng nhập một lần thảo luận tẹt ga
Thành viên mới đăng

Gợi ý cộng đồng

Top