Nhà đầu tư F0 – “công thần” hay “tội đồ”?

Trong những phiên giao dịch chứng khoán đầu tháng 12/2021, nhà đầu tư F0 được đề cập tới nhiều, đặc biệt là sau những phiên VN-Index giảm mạnh và có thời điểm, từ mức trên 1.500 điểm chỉ số đã phải lùi xuống mức 1.413,58 điểm.
Nhà đầu tư F0 – “công thần” hay “tội đồ”?
(ảnh minh họa) “Công thần” Từ tháng 4.2020, chỉ số VN-Index sau khi chạm đáy do ảnh hưởng tiêu cực của đại dịch COVID-19 đã bắt đầu hồi phục trở lại và từng bước vượt qua các ngưỡng cản. Các thống kê cũng chỉ ra một nét mới: Số lượng tài khoản chứng khoán mở mới của nhà đầu tư đã không ngừng tăng, giúp bổ sung một lượng lớn nhà đầu tư mới và dòng tiền mới vào thị trường, kích thích thị trường bùng nổ cả về thanh khoản và chỉ số. Tuy nhiên, những con số tài khoản chứng khoán mở mới của nhà đầu tư cá nhân trong nước từ quý 2/2020 đến hết năm này so ra vẫn “chưa là gì” so với năm 2021. Bởi trước đó, lượng tài khoản mở mới nhiều nhất mỗi tháng cũng chỉ dừng lại ở 5 con số, còn sang năm 2021 có những tháng đã vượt lên 6 con số. Thậm chí, tháng 11/2021 có tới hơn 220.000 tài khoản chứng khoán mở mới từ những nhà đầu tư cá nhân trong nước. Dòng tiền theo đó cũng không ngừng gia tăng, thể hiện rõ nét nhất qua thanh khoản trên sàn giao dịch chứng khoán TPHCM (HoSE). Từ mức vài ngàn tỉ đồng mỗi phiên vào tháng 4/2020 trở về trước, thanh khoản sàn HoSE đã liên tục tăng lên mức hơn chục ngàn tỉ đồng, rồi vượt mốc 20.000 tỉ đồng, vượt qua cả mốc 30.000 tỉ đồng. Phiên có thanh khoản kỷ lục tính tới thời điểm hiện nay là vào ngày 19.11.2021, đạt mức hơn 44.802 tỉ đồng trên sàn HoSE. Chắc chắn, nếu không có dòng tiền của các nhà đầu tư cá nhân trong nước nói chung và các nhà đầu tư F0 nói riêng, khó có thể có được sự bùng nổ thanh khoản liên tục trong suốt gần 2 năm qua, và đặc biệt là không thể có được phiên bùng nổ thanh khoản hơn 2 tỉ USD trên toàn thị trường. Bởi ngoài dòng tiền tự có, nhà đầu tư cá nhân nói chung và nhà đầu tư F0 nói riêng còn có thể sử dụng đòn bẩy tài chính là vay margin từ các công ty chứng khoán để giao dịch. Từ đó, hàng trăm ngàn tỉ đồng từ các công ty chứng khoán dồn dập bơm vào thị trường. Dư nợ margin cao nhất tại một thời điểm trên toàn thị trường vượt mức 140.000 tỉ đồng. Khi nhà đầu tư cá nhân hay nhà đầu tư F0 “kiếm ăn” được tất nhiên thị trường cũng được hưởng lợi, thể hiện qua sự hưng phấn giao dịch trên thị trường. Tính đến hết tháng 11 vừa qua, số lượng tài khoản chứng khoán tại Việt Nam đã vượt ngưỡng 4 triệu tài khoản trên chưa đầy 100 triệu dân. Như vậy một khả năng hoàn toàn có thể xảy ra là, tổng số tài khoản chứng khoán có thể cán đích mức 5% dân số ngay tại năm 2021 này chứ không cần phải chờ tới năm 2025 như chỉ tiêu được đề ra trong Đề án phát triển thị trường chứng khoán Việt Nam. Và “tội đồ”? Nhưng khi hàng triệu nhà đầu tư F0 gia nhập thị trường chứng khoán, dù muốn hay không thị trường cũng ít nhiều bị tác động theo cách đầu tư hay đầu cơ, lướt sóng của nhóm những nhà đầu tư này. Nhà đầu tư F0 được cho là thiếu kiến thức và kinh nghiệm, và rất nhiều trong số họ có độ tuổi còn rất trẻ, có lượng vốn hạn chế. Họ đánh theo nhiều kiểu, nhiều luồng thông tin, từ tư vấn của chuyên viên môi giới, các thông tin “phím hàng” trên mạng, và cả lời đồn truyền miệng hay rỉ tai nhau. Thắng nhờ theo sóng, nhưng đầu tư chứng khoán nhiều khi còn phụ thuộc rất nhiều vào yếu tố may mắn. Song, sự may mắn không bao giờ là mãi mãi. Bởi cũng có lúc sóng đảo chiều. Đặc biệt đối với những làn sóng cấp tập ập vào các cổ phiếu đầu cơ, sự đảo chiều càng khó lường. Khi đó, nhà đầu tư F0 được cho là thiếu bản lĩnh ứng phó và dễ bị lay động, có thể dẫn tới hốt hoảng bán vội, bán tháo. Từ tháng 4/2020 đến nay, thị trường chứng khoán với VN-Index đã xảy ra ít nhất 4 đợt điều chỉnh mạnh khiến chỉ số giảm sâu một cách bất ngờ và đột ngột. Đợt 1 vào cuối tháng 7/2020 khi xảy ra đợt bùng phát dịch tại Đà Nẵng. Đợt 2 vào tháng 1/2021, dịch bùng phát tại Hải Dương. Đợt 3 vào tháng 7/2021, và đợt 4 đang diễn ra trong tháng 12 hiện tại. Trong 4 đợt thị trường điều chỉnh, nhiều phiên đã xảy ra bán tháo và các dữ liệu thống kê từ FiinPro cho thấy nhà đầu tư trong nước thường bán ròng mạnh. Điển hình mới nhất là một số phiên chỉ số VN-Index giảm mạnh vào đầu tháng 12 vừa qua, trong khi khối ngoại, tự doanh và cả nhà đầu tư tổ chức trong nước đều mua ròng thì nhà đầu tư cá nhân trong nước lại bán ròng. Tất nhiên trong những phiên bán tháo đó không chỉ nhà đầu tư F0 mới là “tội đồ”, mà còn nhiều nhà đầu tư cá nhân khác dù cũng có không ít “kinh nghiệm chiến trường”, nhưng vì bị vướng vào tình trạng “căng margin” cho nên cũng buộc phải bán tháo để cân bằng margin, khiến càng tác động tiêu cực đến chỉ số. Thị trường chứng khoán vốn dĩ rất nhạy với thông tin đặc biệt là những thông tin bất lợi. Khi thông tin đó tác động đến nhà đầu tư khiến cho tâm lý giao dịch trên thị trường trở nên bất an, làn sóng bán ra cổ phiếu có thể bị kích hoạt và khó mà kìm giữ được. Trên dưới 90% nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán Việt Nam hiện nay là nhà đầu tư cá nhân, và rất nhiều người trong số đó là nhà đầu tư F0, vốn dĩ có thuộc tính bầy đàn rất cao. Và yếu tố kết nối bầy đàn nhà đầu tư cá nhân trên thị trường chứng khoán không gì khác mà chính là tâm lý. Dạ Thảo
 


Đăng nhập một lần thảo luận tẹt ga

Gợi ý cộng đồng

Top