Những con người đứng sau trào lưu idol ảo ở Trung Quốc

Vào ngày 1/5/2022, Nijisanji, một công ty tìm kiếm nhân tài Nhật Bản, mở tài khoản cho idol ảo mang tên Vox Akuma của mình trên website chia sẻ video nổi tiếng ở Trung Quốc là Bilibili. Chưa hết ngày, Vox đã có 700.000 lượt đăng ký (subs); một buổi livestream dài 90 phút mà anh chàng này tổ chức trong tuần đó đã mang về cho Nijisanji hơn 1,1 triệu Nhân dân tệ (khoảng 149.000 USD).
Vox là một trong nhiều YouTuber ảo, hay VTuber, đang ngày một phổ biến hơn. Tương tự như các livestreamer thật, các VTuber làm trò giải trí cho người xem thông qua các hình thức biểu diễn, stream game, và tương tác thời gian thực, kiếm thu nhập từ tiền tips của người xem và hoa hồng từ quảng cáo. Điểm khác biệt duy nhất là VTuber sử dụng avatar kỹ thuật số thay cho khuôn mặt thật của họ. Đối tượng khán giả chính của các VTuber bao gồm nhóm người trẻ đang ở cuối giai đoạn tuổi teen, cho đến những người vừa bước sang tuổi 30, vốn lớn lên trong văn hóa “ACG”, một thuật ngữ dùng để chỉ những sản phẩm truyền thông có sức ảnh hưởng to lớn của Nhật Bản là hoạt hình (animation), truyện tranh (comics), và trò chơi điện tử (games).
Khi thế hệ này trưởng thành, họ biến các VTuber từ một dạng văn hóa hâm mộ đặc thù thành một hiện tượng văn hóa - và một ngành công nghiệp sinh lời cao.
VNReview.vn

Hatsune Miku
Các VTuber ngày nay có “gốc gác” từ một ngôi sao nhạc pop ảo tóc xanh, “mãi mãi tuổi 16”, Hatsune Miku. “Sinh” năm 2007, Hatsune Miku được tạo ra bởi Crypton Future Media bằng phần mềm tổng hợp giọng nói Vocaloid. Những live show của cô, nơi tràn ngập lực lượng fan đông đảo trên tay cầm thanh phát sáng còn miệng liên tục hò reo ảnh chiếu holographic của idol, trông không khác gì một tuyệt tác của ma thuật thời hiện đại.
Giống các ngôi sao nhạc pop khác, Hatsune Miku kiếm tiền từ các nhãn hàng và show diễn, cũng như một series game PlayStation sử dụng hình ảnh của cô. Tuy nhiên, không như những người nổi tiếng ngoài thực, Hatsune Miku không già đi, không diễn sai kịch bản, hoặc không vướng vào những vụ scandal; cô không bao giờ cần nghỉ ngơi, và có lẽ quan trọng nhất, cô không cần trả lương. Và những điều đó đã truyền cảm hứng cho sự ra đời của một làn sóng những bản sao giống Hatsune Miku. Chỉ riêng ở Trung Quốc, những cái tên nổi bật phải kể đến là Luo Tianyi, Oriental Gardenia, và Violet, tất cả đều thường xuyên xuất hiện tại các sự kiện truyền thông lớn và tại các lễ hội mùa xuân địa phương.
Điểm chưa hoàn hảo duy nhất là công nghệ cần thiết để duy trì Hatsune Miku và những bản sao của cô là cực kỳ đắt đỏ. Một buổi diễn của Hatsune Miku tiêu tốn hàng triệu đô, và công nghệ holographic hiện nay vẫn còn những hạn chế đáng kể về mặt hiệu suất.
VNReview.vn

Kizuna AI
Phải đến gần đây, khi một mô hình idol ảo mới, ít tốn kém hơn, ra mắt vào năm 2017, thì ngành công nghiệp VTuber mới thực sự “cất cánh”. Có tên là Kizuna AI, cô nàng này là VTuber thực thụ đầu tiên. Giống Hatsune Miku, Kizuna AI được dựng dưới dạng 3D, nhưng VTuber này không phải là một sản phẩm lập trình sẵn. Thay vào đó, cô được mang ra đời thực bởi một nghệ sỹ biểu diễn là con người: những chuyển động của người này sẽ được ghi lại, tinh chỉnh, và chuyển sang dạng hoạt họa nhờ công nghệ motion capture (bắt chuyển động) và các ứng dụng theo dõi khuôn mặt.
Tại Trung Quốc, người hâm mộ gọi những VTuber theo kiểu Kizuna AI là “pitao ren” (tạm dịch: “vỏ người”). Người nghệ sỹ biểu diễn đằng sau VTuber gọi là “zhongzhi ren”, hay “người trong vỏ”.
Một vài trong số những VTuber pitao ren nổi tiếng nhất Trung Quốc là các thành viên của A-SOUL, một nhóm nhạc nữ ảo thuộc Yuehua Entertainment (công ty con của Bytedance) vào cuối năm 2020. Nhóm này bao gồm 5 cô gái phong cách anime ở tuổi 20: Diana dễ thương và xinh đẹp, Carol lãnh đạm, Ava láu cá, Bella nhẹ nhàng và gần gũi, và Eileen bảo thủ và độc đoán. Họ ra mắt với khẩu hiệu yongbu tafang, dịch ra là “We’ll never collapse the house” (tại Trung Quốc, một “collapsed house” ám chỉ những vụ scandal hoặc thông tin tiêu cực phá hỏng sự ngưỡng mộ mà các fan dành cho idol của họ - những cạm bẫy mà các idol ảo miễn nhiễm, ít nhất là trên lý thuyết).
Mỉa mai thay, vào thời điểm A-SOUL ra mắt, đã có sự cố xảy ra với Kizuna AI. Dưới áp lực từ các nhà đầu tư nhằm nhanh chóng đẩy mạnh nguồn thu nhập của idol ảo này, đội ngũ đằng sau cô đã thuê 4 zhongzhi ren mới, đồng thời dần hắt hủi người nghệ sỹ biểu diễn ban đầu. Khi biết được sự thật, các fan của Kizuna AI lập tức phàn ứng.
Sự giận giữ của họ cho thấy một nghịch lý mang tính nền tảng trong ngành công nghiệp VTuber. Với các công ty, lớp vỏ là ngôi sao; người nghệ sỹ đưa các idol ra đời thực chỉ là công cụ và có thể dễ dàng thay thế. Tuy nhiên, với người hâm mộ, người nghệ sỹ là linh hồn của idol. Họ là chủ thể thực sự mà cảm xúc của người hâm mộ hướng đến.
Những con người đứng sau trào lưu idol ảo ở Trung Quốc
A-SOUL
Không lâu sau màn ra mắt của A-SOUL, người hâm mộ đã sử dụng các livestream hàng ngày của nhóm để xác định tính cách của từng zhongzhi ren của các nhân vật. Họ để ý thấy người nghệ sỹ đứng sau Diana thường không tập trung chú ý và có lần ngủ gật giữa buổi stream, trong khi người nghệ sỹ đứng sau Eileen thì vụng về hơn nhiều so với “vẻ đẹp thanh lịch” mà Yuehua tạo ra cho nhân vật của cô. Những khoảnh khắc ngoài kịch bản đó trở thành một phần quan trọng quyết định sức hút của mỗi nhân vật.
Nijisanji, hiện là một trong những công ty tìm kiếm tài năng VTuber thành công nhất trong lịch sử, đã xoa dịu căng thẳng này bằng cách xây dựng một hướng tiếp cận nhẹ nhàng hơn đến các nhân vật , đồng thời cải thiện khâu quản lý đội ngũ nghệ sỹ biểu diễn. Khi ký hợp đồng với một zhongzhi ren, công ty sẽ cung cấp cho họ quyền truy cập đến nền tảng đặc thù của mình, các thiết kế avatar có thể sử dụng, và phần mềm liên quan. Đổi lại, livestreamer chỉ cần hoàn thành một số sự kiện được chỉ định và hợp tác với các idol khác của Nijisanji. Những nghệ sỹ phổ biến hơn sẽ nhận được thêm tài nguyên từ công ty, bao gồm diện mạo mới cho các nhân vật của họ trong trò chơi, phim ảnh, và thậm chí là bộ hoạt họa toàn thân sử dụng trong các hoạt động offline như các buổi biểu diễn âm nhạc. Nhưng tần suất stream, nội dung, và cuộc sống ngoài đời thực của họ hoàn toàn do họ quyết định.
Hướng đi mới, dù có phần liều lĩnh, nhưng giải quyết được vấn đề chi phí, cho phép các nghệ sỹ biểu diễn như người đằng sau Vox Akuma nhiều cơ hội hơn để trải nghiệm và kết nối với người hâm mộ theo cách riêng của họ. Dưới hình tượng một lãnh chúa 400 tuổi tự biến mình thành quỷ dữ sau khi bị sát hại trong thời kỳ chiến tranh của Nhật Bản (1467 - 1615), Vox hiện có hơn 800.000 lượt subs trên YouTube, cùng với hơn 1 triệu trên Bilibili, nhiều trong số đó bị thu hút bởi tài năng và uy tín của zhongzhi ren đằng sau.
VNReview.vn

Vox Akuma
Nghệ sỹ biểu diễn của Vox thường stream 7 ngày/ tuần, đôi lúc đến 4 lần livestream mỗi ngày, và thường lộ diện để tương tác với người hâm mộ. Trong một buổi phát sóng trực tuyến vào đầu tháng 2, anh dành đến nửa tiếng để bày tỏ cảm xúc của mình sau khi nhận được nhiều tin nhắn chúc mừng năm mới âm lịch từ các fan Trung Quốc. Vào ngày 25/4, anh khóc òa trong buổi livestream mừng sinh nhật mình do các fan tổ chức. Dù không sành sỏi công nghệ livestream như các VTuber khác, anh vẫn tạo được sự thích thú khi giải thích những sự cố kỹ thuật trong quá trình livestream theo cách một gã 400 tuổi lần mò giữa thời đại internet.
Ấy thế nhưng, mặc cho những thành công của Vox và Nijisanji, người ta lại hiếm khi tập trung vào zhongzhi ren khi thảo luận về tương lai của ngành công nghiệp VTuber. Các nhà đầu tư và các công ty tìm kiếm tài năng quá ám ảnh với công nghệ, như thể sức hấp dẫn của các ngôi sao ảo của họ chỉ đơn thuần nằm ở cách dựng hình và các thiết bị bắt chuyển động vậy!
Suy nghĩ đó có thể dẫn đến những hệ quả không mấy dễ chịu. Vào ngày 10/5, chỉ vài ngày sau khi Vox Akuma ra mắt trên Bilibili, Yuehua đã chấm dứt hợp đồng với zhongzhi ren đằng sau nhân vật Carol của A-SOUL. Sau đó, người nghệ sỹ này đã lên tiếng cáo buộc công ty về hành vi lợi dụng và chèn ép trên các tài khoản mạng xã hội cá nhân của mình, khiến cả cộng đồng mạng dậy sóng. Người này tiết lộ rằng cô phải làm việc 7 ngày trong tuần mà chỉ nhận được mức lương 7.000 Nhân dân tệ mỗi tháng, dù nhóm idol ảo của cô mang về cho công ty hàng triệu mỗi năm. Để ủng hộ idol của mình, hàng trăm ngàn người hâm mộ A-SOUL đã hủy đăng ký kênh của nhóm. Không ngôi nhà nào, bất kể được xây dựng cẩn trọng đến mức nào đi nữa, có thể trụ vững mãi mãi!
Tham khảo: SixthTone
 


Đăng nhập một lần thảo luận tẹt ga
Thành viên mới đăng
Top