Nội bộ bất đồng, các hãng xe Đức gây áp lực muốn châu Âu giảm thuế xe điện cho Trung Quốc

Bỉ Ngạn Hoa

Moderator
Theo hãng tin Nikkei, các nhà sản xuất ô tô và hiệp hội công nghiệp Đức đang kêu gọi Ủy ban châu Âu (EC) hủy bỏ lời đe dọa áp thuế nhập khẩu trừng phạt đối với xe điện của Trung Quốc, cho rằng động thái này gây tổn hại cho chính ngành công nghiệp của châu Âu và gây nguy hiểm cho khả năng kinh doanh của các nhà sản xuất xe châu Âu tại Trung Quốc.
1719119947513.png

Trung Quốc hôm 21/6 cảnh báo rằng các khoản thuế của châu Âu với xe điện Trung Quốc có thể gây ra một cuộc chiến thương mại. "Trách nhiệm hoàn toàn thuộc về phía EU", người phát ngôn của Bộ Thương mại Trung Quốc nói ngay khi Bộ trưởng kinh tế Đức, Robert Habeck, bắt đầu chuyến thăm ba ngày tới Bắc Kinh.

Với sự hậu thuẫn của Pháp, EC tuần trước đã công bố mức thuế nhập khẩu có thể lên tới 48% đối với xe điện Trung Quốc sau khi nhận thấy các nhà sản xuất xe điện ở nước này được hưởng lợi không công bằng từ trợ cấp của nhà nước. Các nhà sản xuất ô tô Đức cho biết họ sẽ bị ảnh hưởng nặng nề hơn nhiều so với các đối thủ Pháp và Ý vì thị trường ô tô Đức và Trung Quốc có mối liên hệ chặt chẽ với nhau.

Theo Trung tâm Nghiên cứu Ô tô (CAR) ở Bochum của Đức, gần 14% trong số 111.000 xe điện đăng ký tại Đức được sản xuất tại Trung Quốc trong 4 tháng đầu năm nay. Số liệu từ Hiệp hội Công nghiệp Ô tô Đức (VDA) cho thấy khoảng 10% trong số 337.000 xe điện do các công ty Đức sản xuất tại Trung Quốc đã được xuất khẩu sang EU vào năm ngoái, có nghĩa là các nhà sản xuất ô tô này cũng sẽ phải đối mặt với mức thuế mới của EC.

Người phát ngôn của Volkswagen (VW) cho biết quyết định tăng thuế nhập khẩu lên xe điện sản xuất ở Trung Quốc gây bất lợi cho thị trường xe điện ở Đức và châu Âu vốn đang có nhu cầu yếu.

“Việc tăng thuế nhập khẩu ở EU có thể gây ra một loạt biện pháp đối phó nguy hiểm, đồng thời dẫn đến sự leo thang xung đột thương mại”, người phát ngôn của VW cho biết. “Chúng tôi cho rằng những tác động tiêu cực của quyết định này sẽ lớn hơn bất kỳ khía cạnh tích cực nào.”

Tương tự, giám đốc điều hành BMW Oliver Zipse cho biết trong một tuyên bố với hãng tin Nikkei: "Quyết định áp thuế nhập khẩu bổ sung này là một hướng đi sai lầm. Do đó, Ủy ban châu Âu đang gây tổn hại cho các công ty châu Âu và lợi ích của châu Âu."

Một số mẫu xe điện do các thương hiệu châu Âu sản xuất như BMW, Mini, VW, Polestar, Volvo, Smart, Dacia và Spring đều được sản xuất tại Trung Quốc. Một số xe Tesla cũng được sản xuất tại đây và xuất khẩu sang châu Âu.

Mức thuế này là tạm thời nhưng sẽ được thực hiện từ ngày 4/7 nếu các cuộc đàm phán giữa Ủy ban châu Âu - cơ quan điều hành của Liên minh châu Âu - và chính quyền Trung Quốc không mang lại kết quả nào. Mức thuế này sẽ tương xứng với mức độ hợp tác mà mỗi nhà sản xuất ô tô thể hiện trong cuộc điều tra của EU và SAIC thuộc sở hữu nhà nước phải đối mặt với mức thuế cao nhất là 38,1% so với mức thuế nhập khẩu 10% hiện có.

Cho đến nay, Bắc Kinh vẫn không khoan nhượng. Bộ Thương mại Trung Quốc hôm 20/6 được truyền thông dẫn lời nói rằng chính quyền EU yêu cầu một lượng lớn thông tin chi tiết từ các công ty Trung Quốc trong cuộc điều tra của họ, vượt xa những gì thường được yêu cầu cho một cuộc điều tra như vậy.

Những người trong ngành cho biết, nếu các cuộc đàm phán không suôn sẻ, các doanh nghiệp Đức ở Trung Quốc cũng có thể phải hứng chịu sự trả đũa từ Bắc Kinh. Số liệu của CAR cho thấy các nhà sản xuất Đức đã xuất khẩu khoảng 216.300 xe sang Trung Quốc vào năm ngoái.

Truyền thông Trung Quốc đưa tin rằng các nhà sản xuất ô tô Trung Quốc đang kêu gọi áp dụng mức thuế trả đũa 25% đối với xe nhập khẩu từ châu Âu.

Thêm vào đó, nhiều ý kiến cho rằng động thái thuế quan của châu Âu với xe điện đi ngược lại mục tiêu về trung hòa carbon của EU vào năm 2050.

Chủ tịch VDA Hildegard Mueller cho biết trong một tuyên bố: “Trung Quốc đóng một vai trò quan trọng trong quá trình chuyển đổi thành công theo hướng số hóa và điện hóa phương tiện, một cuộc xung đột thương mại cũng sẽ gây nguy hiểm cho sự chuyển đổi này”.

Các nhà đầu tư lo lắng về tác động tiêu cực đối với các nhà sản xuất ô tô châu Âu đã xuất hiện trên thị trường chứng khoán. Trong hai ngày sau thông báo của EC, cổ phiếu VW và BMW lần lượt giảm khoảng 6% và 5%.

Ngược lại, cổ phiếu của nhà sản xuất ô tô Trung Quốc BYD đã tăng gần 9% một ngày sau khi công bố thuế quan khiến nhà đầu tư lạc quan rằng hãng xe này sẽ duy trì lợi thế cạnh tranh bất chấp mức thuế 17,4% mà họ phải đối mặt đối với hàng xuất khẩu của châu Âu, tỷ lệ thấp hơn so với mức thuế mà các đối thủ Trung Quốc phải đối mặt.

>> Châu Âu chính thức tăng thuế lên tới 38% đối với xe điện Trung Quốc

>> Thương chiến leo thang, các hãng xe điện Trung Quốc yêu cầu tăng thuế xe nhập châu Âu

>> Lạ quá: cổ phiếu các hãng xe điện Trung Quốc đồng loạt “xanh sàn” sau khi bị châu Âu tăng thuế

 


Đăng nhập một lần thảo luận tẹt ga
Thành viên mới đăng
Top