Ô nhiễm vệ tinh trở thành mối đe doạ cho bầu trời đêm

Việc có quá nhiều vệ tinh bay xung quanh Trái Đất đang làm ảnh hưởng tới khả năng quan sát, khám phá các hành tinh xa xôi và các tiểu hành tinh nguy hiểm ngoài Trái Đất.
Ô nhiễm vệ tinh trở thành mối đe doạ cho bầu trời đêm
Bầu trời đêm là nguồn cung cấp thông tin quan trọng cho con người về các hành tinh xa xôi ngoài kia. Nhưng bầu trời đêm ngày nay đang bị “ô nhiễm” nghiêm trọng do có quá nhiều vệ tinh cách Trái Đất vài trăm cây số.
Samantha Lawler, trợ lý giáo sư thiên văn học tại Đại học Regina ở Canada cho biết: “Lần đầu tiên trong lịch sử loài người, chúng ta sẽ không thể tiếp cận bầu trời đêm theo cách mà chúng ta từng thấy”.
Lawler đã theo dõi trang trại của cô ở Saskatchewan, Canada khi số lượng vệ tinh đang hoạt động đã tăng lên từ khoảng 1.000 vào năm 2017 lên hơn 5.000 hiện nay. Khi CNN đến thăm Lawler vào một buổi tối quang đãng hồi tháng 3, chỉ mất vài phút nhìn lên bằng mắt thường để nhìn thấy vệ tinh đầu tiên trong số nhiều vệ tinh xuất hiện trên bầu trời.
Lawler chia sẻ với CNN: “Chuyện này tồi tệ hơn tôi tưởng rất nhiều. Nó đang thay đổi nhanh chóng"
Và nó sắp trở nên tồi tệ hơn nhiều. Lawler và hai nhà thiên văn học Canada khác đã đăng tải một bài báo hồi tháng 12/2021 trên Tạp chí Thiên văn học dự đoán rằng, trong vòng chưa đầy một thập kỷ, cứ 15 điểm sáng trên bầu trời đêm thì có 1 vệ tinh chuyển động.
Lawler nhấn mạnh: "Hãy nghĩ về điều đó. Chỉ có khoảng 4.000 ngôi sao mà bạn có thể nhìn thấy bằng mắt thường và nếu 200 ngôi sao trong số đó đang chuyển động, điều đó rất khác so với bầu trời mà chúng ta nhìn thấy hiện tại”.
Các vệ tinh thậm chí còn gây rối hơn khi quan sát qua kính viễn vọng và chúng đang làm ô nhiễm hình ảnh vũ trụ khi được chụp từ các đài quan sát trên thế giới. Lawler tin rằng, các tác động của vệ tinh đối với hoạt động nghiên cứu thiên văn sẽ ngày càng tăng trừ khi có các thay đổi các quy định quốc tế về số lượng vệ tinh, hệ số phản xạ và phát sóng.
Có tới hàng chục ngàn vệ tinh nhỏ chỉ cách Trái Đất khoảng 483km do các công ty tư nhân phóng lên để thực hiện hóa mục tiêu phủ sóng Internet toàn cầu.
Công ty SpaceX của Elon Musk chịu trách nhiệm cho khoảng 1/3 trong tổng số vệ tinh đang hoạt động trên quỹ đạo, nhiều hơn bất kỳ công ty hoặc quốc gia nào khác, kể cả chính phủ Mỹ.
SpaceX đã phóng hơn 2.000 vệ tinh với kế hoạch phóng ít nhất 42.000 vệ tinh nữa để tạo thành một mạng lưới có tên là Starlink. Đó là chưa kể các đối thủ cạnh tranh khác như Amazon với dự án Kuiper và công ty vệ tinh OneWeb nhiều khả năng sẽ làm tăng thêm số lượng vệ tinh ngoài Trái Đất. Điều này chắc chắn sẽ làm khó cho giới thiên văn học.
Ô nhiễm vệ tinh trở thành mối đe doạ cho bầu trời đêm
Oleg Kutkov, một kỹ sư và nhà thiên văn nghiệp dư người Ukraina đã mua một thiết bị kết nối vệ tinh Starlink trên Ebay vào tháng 12 để tháo lắp cho vui. Ông không ngờ mình thực sự có thể sử dụng nó trong căn hộ ở Kiev cho tới khi chiến sự nổ ra giữa Nga và Ukraina vào cuối tháng 2. Elon Musk sau đó đã kích hoạt dịch vụ Starlink ở Ukraina và Kutkov đã sử dụng thiết bị này làm công cụ truy cập Internet dự phòng kể từ đó đến nay.
Kutkov chia sẻ: “Tôi là một nhà thiên văn học chính gốc. Tất nhiên là tôi không tán thành sự xuất hiện của quá nhiều vệ tinh. Nhưng trong tình hình hiện tại khi chúng ta thực sự cần kết nối Internet, điều đó bắt đầu trở nên quan trọng hơn”. Kutkov trước đây từng bày tỏ lo ngại về việc Starlink làm cản trở hoạt động quan sát vũ trụ.

Quá nhiều vệ tinh đe dọa "sự tồn vong" của Trái Đất​

Đối với Kutkov và những người Ukraine khác, Starlink là một chiếc phao cứu sinh. Nhưng NASA lo lắng rằng Starlink thế hệ thứ hai một ngày nào đó có thể góp phần “kết thúc sự sống” trên Trái đất. Lý do là vì NASA sử dụng kính thiên văn trên mặt đất để săn tìm các tiểu hành tinh có khả năng đâm vào Trái Đất. Nếu như không thể quan sát được chúng nữa, sẽ rất khó để các nhà khoa học có thể đánh giá được mức độ nguy hiểm của chúng.
Trong một bức thư gửi cho FCC vào tháng 2, NASA cho biết có khả năng mỗi bức hình khảo sát tiểu hành tinh của cơ quan này trong tương lai sẽ có hình một vệ tinh của Starlink. Điều này có thể gây tác động bất lợi cho khả năng phát hiện các tiểu hành tinh nguy hiểm.
SpaceX không trả lời yêu cầu bình luận về vấn đề này nhưng công ty cho biết đã giải quyết mối quan tâm của các nhà thiên văn học về việc vệ tinh ảnh hưởng đến các quan sát trong một tuyên bố vào tháng 4/2020.
Ô nhiễm vệ tinh trở thành mối đe doạ cho bầu trời đêm
SpaceX tuyên bố: “Chúng tôi tin tưởng chắc chắn vào tầm quan trọng của bầu trời đêm tự nhiên để tất cả chúng ta có thể tận hưởng nó. Đó là lý do tại sao chúng tôi đã làm việc với các nhà thiên văn học hàng đầu trên thế giới. Chúng tôi đã thêm một tấm che cho vệ tinh để chặn ánh sáng mặt trời chiếu vào những phần sáng nhất của vệ tinh”.
Tuy nhiên các nhà thiên văn học như Lawler cho rằng, những thay đổi này đơn giản là chưa đủ. Hiện tại không có quy tắc quốc tế ràng buộc nào giám sát các chòm sao lớn và SpaceX đã vượt ngoài các quy tắc. Trung bình SpaceX đang phóng khoảng 50 vệ tinh Starlink mới mỗi tuần.
Lawler kết luận: “Chúng tôi đã nhìn thấy rất nhiều vệ tinh hiện nay. Và sắp có gấp 10 lần số này ngoài vũ trụ”.
Nguồn: CNN
 


Đăng nhập một lần thảo luận tẹt ga

Gợi ý cộng đồng

Top