Ở quá sạch lại dễ bị bệnh - nghe vô lý mà lại rất thuyết phục!

Từ vài chục năm qua, các bác sĩ nổi tiếng đã đưa ra một giả thuyết trái ngược với quan sát bình thường về thế giới hiện đại được khử trùng siêu sạch của chúng ta: Chúng ta có thể bị dị ứng, hen suyễn, viêm ruột và nhiều rối loạn tự miễn khác vì... ở quá sạch.
Giả thuyết này được đặt tên là giả thuyết vệ sinh. Theo nhà dị ứng nhi khoa von Mutius-một trong những bác sĩ đầu tiên trên thế giới nghiên cứu giả thuyết vệ sinh, sự thiếu tiếp xúc với vi khuẩn, virus và dị ứng ở trẻ em ở các nước giàu sẽ ngăn cản hệ miễn dịch phát triển bình thường, tăng thêm nguy cơ mắc các rối loạn của hệ miễn dịch (gọi chung là rối loạn tự miễn). “Hệ miễn dịch của một đứa trẻ cần được giáo dục, như bất kỳ cơ quan nào khác đang phát triển trong cơ thể con người”. “Sự tiếp xúc sớm với vi khuẩn ở giai đoạn đầu đời sẽ có ích trong việc giáo dục hệ miễn dịch đang phát triển của một trẻ sơ sinh”, lời Mutius được Vox dẫn lại.
Ở quá sạch lại dễ bị bệnh - nghe vô lý mà lại rất thuyết phục!
(Ảnh: Allergy and Asthma Center of Boston)
Nếu không được giáo dục, hệ miễn dịch sẽ có thể tấn công sai mục tiêu. Trong các trường hợp rối loạn tự miễn, mục tiêu của hệ miễn dịch là chính bạn.
Dù giả thuyết vệ sinh vẫn còn là đề tài tranh luận của các nhà khoa học nhưng bằng chứng cho giả thuyết này theo thời gian đã gia tăng ở cả con người lẫn động vật. Giả thuyết vệ sinh đã được dùng để giải thích tỉ lệ dị ứng và hen suyễn ở các nước giàu cao hơn nhiều so với các nước còn lại. Theo một nghiên cứu năm 2014, trẻ em lớn lên trong những ngôi nhà có mức độ vi khuẩn nhất định mang lại từ gián, chuột, vảy da mèo... lại ít bị hen suyễn và thở khò khè khi lên ba tuổi.
Sau đây là một lý giải về giả thuyết vệ sinh, trả lời cho câu hỏi sự dơ bẩn giúp chúng ta khỏe hơn như thế nào?

Ở bẩn có thể giúp bạn khỏe mạnh

Trong vài thập niên qua, các thói quen vệ sinh cơ bản mà xã hội chúng ta đã phát triển như xây dựng cơ sở hạ tầng để loại bỏ rác và nước thải ở thành phố đã mang lại nhiều lợi ích. Các thói quen này là lý do chủ yếu khiến cho số người Mỹ bị bệnh truyền nhiễm như dịch tả, thương hàn ngày nay là rất ít.
Tuy vậy, khi chúng ta giữ vệ sinh tốt hơn thì một số bệnh tự miễn như hen suyễn, viêm mũi dị ứng, viêm ruột và nhiều loại dị ứng khác cũng phổ biến hơn nhiều, nhất là ở các nước giàu – đó là quan sát của các nhà nghiên cứu.
Nhà dịch tễ học Anh quốc David Strachan khi nghiên cứu dị ứng trẻ em ở Tây Đức và Đông Đức vào cuối những năm 1980 đã nhận ra là, trẻ em ở các thành phố Đông Đức nghèo, dơ bẩn, ô nhiễm lại có tỉ lệ viêm mũi dị ứng và suyễn thấp hơn trẻ ở các thành phố Tây Đức sạch sẽ, giàu sang hơn.
Strachan sau khi xem xét các khác biệt lối sống đã phát hiện ra là, trẻ em Tây Đức dành thời gian chơi với các trẻ khác trong lớp học ban ngày ở nhà trẻ ít hơn nhiều so với trẻ em Đông Đức. Theo ông, bằng một cách nào đó, sự thiếu tiếp xúc với vi khuẩn và các tác nhân gây bệnh khác mà thông thường có được từ các trẻ khác sẽ tác động đến hệ miễn dịch của trẻ, làm cho trẻ gia tăng nguy cơ bị các bệnh tự miễn.

Các bằng chứng của thuyết vệ sinh

Ý kiến của nhà dịch tễ học Strachan đã được củng cố qua các bằng chứng dịch tễ học vài mươi năm sau đó.
Đầu tiên, theo Strachan, trẻ em ở Anh lớn lên trong những gia đình lớn hơn sẽ có nguy cơ bị hen suyễn và viêm mũi dị ứng thấp hơn bạn bè sinh ra trong các gia đình nhỏ hơn, vì chúng tiếp xúc với vi khuẩn từ anh em họ hàng nhiều hơn.
Tiếp đến, theo các bác sĩ khác, người sống ở các nước giàu, sạch khuẩn hơn có tỉ lệ hen suyễn và dị ứng cao hơn nhiều so với người sống ở các nước đang phát triển. Lý do là vì các biến thể tự nhiên trong các quần thể. Tuy vậy, gần đây các bác sĩ lại nhận thấy là, những người ở nước đang phát triển chuyển đến một nước giàu hơn sẽ có khả năng bị các bệnh trên cao hơn những người vẫn sống tại đất nước quê nhà của họ.
Kể cả trong cùng một đất nước đang phát triển như Ghana, trẻ nhà giàu sống ở thành phố có tỉ lệ mắc bệnh tự miễn cao hơn trẻ nông thôn hay trẻ sống ở thành phố nghèo hơn. Những người trưởng thành trong thế giới giàu sang dọn dẹp nhà bằng chai xịt kháng khuẩn lại có tỉ lệ suyễn cao hơn, còn những người tiếp xúc với hoạt chất triclosan trong xà phòng kháng khuẩn thường xuyên hơn thì sẽ bị dị ứng và viêm mũi dị ứng với tỉ lệ cao hơn. Và các trẻ lớn lên ở nông trại hay có thú nuôi thì bị dị ứng và suyễn với tỉ lệ thấp hơn.
Ở quá sạch lại dễ bị bệnh - nghe vô lý mà lại rất thuyết phục!
(Ảnh: Hoard's Dairy)
Tất cả những điều này là những mối tương quan chứ không phải là nguyên nhân. Tuy vậy, chúng cũng gợi lên một điều gì đó về môi trường đô thị hiện đại và sạch sẽ đã làm cho các bệnh tự miễn có nhiều khả năng gia tăng hơn.
Giả thuyết vệ sinh càng được củng cố mạnh mẽ hơn qua những nghiên cứu đối chứng về đề tài này.
Chẳng hạn như một nghiên cứu ở Uganda, khi các bà mẹ được cho dùng thuốc chữa giun sán ký sinh trong thời kỳ mang thai, kết quả là con họ bị suyễn và chàm với tỉ lệ cao hơn.
Ngoài ra, còn có những bằng chứng thuyết phục từ các nghiên cứu đối chứng trên động vật. Nghiên cứu trên chuột không mang mầm bệnh trong môi trường vô trùng cho thấy chúng dễ bị suyễn và viêm đại tràng hơn rất nhiều, nhà dị ứng học von Mutius cho biết. Nhưng có điều thú vị là, nếu các con chuột siêu sạch này khi còn nhỏ được tiêm vi khuẩn ruột ở chuột bình thường, chúng sẽ không gia tăng nguy cơ bị bệnh tự miễn nữa. Dường như việc không tiếp xúc với vi khuẩn trong thời thơ ấu sẽ làm tăng nguy cơ bị bệnh tự miễn ở cả người và chuột theo một cách nào đó.

Vi khuẩn giúp bạn phòng bệnh

Khi các nhà khoa học thức tỉnh tầm quan trọng của vi khuẩn “tốt” trong cơ thể con người, số bằng chứng về giả thuyết vệ sinh cũng tăng lên. Tất cả vi khuẩn trong cơ thể con người chúng ta được gọi chung là hệ vi sinh vật hay quần thể vi sinh vật (microbiome), liên quan tới việc phòng ngừa béo phì, tiểu đường, trầm cảm.
Ở quá sạch lại dễ bị bệnh - nghe vô lý mà lại rất thuyết phục!
(Ảnh: Getty Images)
Việc hạn chế tiếp xúc vi khuẩn sẽ dẫn tới các rối loạn tự miễn như thế nào? Các nhà khoa học đề ra một vài cơ chế khác nhau. Cơ chế khả thi nhất hiện nay liên quan đến các tế bào T, một thành phần chuyên biệt trong hệ miễn dịch con người.
Theo quan sát trong các thử nghiệm trên cùng nhóm chuột nói trên, chuột sạch vi khuẩn có số lượng tế bào T ở dạ dày và phổi đặc biệt cao. Thông thường, tế bào T đảm nhận nhiều vai trò trong hệ miễn dịch, một trong số đó là nhận dạng và loại bỏ vi khuẩn, virus gây hại.
Tuy nhiên, một vài loại tế bào T lại gây hen suyễn và viêm ruột già ở chuột trong một số trường hợp. Dường như đây cũng là trường hợp của những chú chuột siêu sạch không bị ảnh hưởng bởi bệnh tật bởi vì chúng không còn bị các bệnh tự miễn ở mức cao sau khi được cho uống một loại hóa chất làm cho các tế bào T nói trên ngủ yên.
Một cơ chế tương tự ở con người sẽ lý giải tất cả các phát hiện dịch tễ học về các bệnh tự miễn và củng cố mạnh mẽ giả thuyết vệ sinh.
Một câu hỏi đặt ra là, vì sao hành vi bất thường của tế bào T lại xảy ra trong môi trường không có vi khuẩn?
Theo thuyết “Những người bạn cũ” (“Old friends”), hệ miễn dịch của con người chúng ta là một tổng thể đã tiến hóa với sự hiện diện của vi khuẩn, virus, và các sinh vật nhỏ này cư ngụ trong cơ thể chúng ta một cách tự nhiên.
Tuy chúng ta vẫn chưa hiểu hết hệ miễn dịch phát triển khi chúng ta trưởng thành như thế nào, quan điểm của thuyết “Những người bạn cũ” là, sự tiếp xúc này là thật sự cần thiết để giúp hệ miễn dịch phát triển đúng đắn. Nếu không tiếp xúc với vi khuẩn thường xuyên, hệ miễn dịch sẽ không thể học được cách nhận ra chính xác một số kẻ xâm nhập gây hại cần bị loại trừ. Kết quả của việc này là, các bệnh tự miễn – những bệnh do hệ miễn dịch khiến cơ thể chúng ta làm việc sai, đi tấn công ngược lại chính mình – ngày càng phổ biến hơn.

Những quan điểm khoa học chưa thống nhất

Hiện nay, giả thuyết vệ sinh vẫn chỉ là một lý thuyết đang xây dựng và còn được hoàn thiện.
Có một lời cảnh báo quan trọng đó là, không có nhà khoa học nào cho rằng giả thuyết vệ sinh sẽ giải thích được tất cả các trường hợp dị ứng và hen suyễn. Các rối loạn tự miễn có một phần hiển nhiên là do di truyền nên tương tác giữa gen di truyền và môi trường của con người đều góp phần ảnh hưởng tới tỉ lệ mắc bệnh tự miễn.
Ngoài ra, giả thuyết vệ sinh lý giải được sự gia tăng của một số loại dị ứng nhưng không giải thích được vì sao bệnh hen suyễn vì tỉ lệ hen suyễn ở các nước giàu đã không tăng thêm cho mãi tới thập niên 1980, nhiều chục năm sau khi mức độ vệ sinh như hiện nay đã ổn định ở nhiều nơi. Có những loại hen suyễn là do phản ứng dị ứng nhưng những loại khác thì không. Trong thực tế, có những loại dị ứng sẽ trầm trọng hơn do tiếp xúc với bụi bẩn, các điều kiện kém vệ sinh.
Liên quan tới dị ứng, giả thuyết vệ sinh vẫn chưa thể trả lời được một số câu hỏi dịch tễ học khác. Ví dụ như câu hỏi vì sao con của người nhập cư từ các nước khác lại có tỉ lệ dị ứng thấp hơn con người bản xứ tại một số thành phố châu Âu, tuy các điều kiện sống của chúng đều giống nhau. Rõ ràng, chúng ta vẫn đang trong những giai đoạn đầu tiên tìm hiểu sự phát triển của hệ miễn dịch, và không biết rõ sự tiếp xúc với vi khuẩn ảnh hưởng tới điều đó như thế nào.
Điều quan trọng nhất là, tất cả các nhà khoa học đều thống nhất với nhau rằng, các thói quen vệ sinh cơ bản đã đem lại cho chúng ta các lợi ích khổng lồ: cứu sống hàng triệu người bằng cách giảm bớt tất cả các bệnh truyền nhiễm. Đây có thể là những tiến bộ quan trọng nhất về mặt sức khỏe mà con người – là một giống loài - đã làm được cho đến hôm nay.
Do vậy, mấu chốt ở đây là sử dụng nghiên cứu để tìm ra sự cân bằng hợp lý giữa vệ sinh và tiếp xúc vi khuẩn nhằm hạn chế sự lây lan các bệnh truyền nhiễm mà không làm cho các rối loạn tự miễn gia tăng.

Giả thuyết vệ sinh có ý nghĩa gì?

Không có ý nào trong giả thuyết vệ sinh có nghĩa là bạn nên bắt đầu uống nước có thể bị nhiễm độc từ rác thải hay ngừng lau nhà, ngừng tắm cho chính bạn.
Với một ai đó, hầu hết những kết luận của thuyết vệ sinh liên quan đến sự tiếp xúc với vi khuẩn vào thời thơ ấu chứ không phải tuổi trưởng thành. Một điều nữa là, hầu hết sự giảm tiếp xúc vi khuẩn trong xã hội con người hiện đại xuất phát từ các xu hướng lớn hơn là những lựa chọn cá nhân, ví dụ như lạm dụng kháng sinh, các nhà máy xử lý nước thải.
Vì vậy, ứng dụng thực tế của các nghiên cứu về giả thuyết vệ sinh ở cấp độ cá nhân vào thời điểm này còn tương đối hạn chế. Giả thuyết vệ sinh có thể làm bạn suy nghĩ lại trước khi cho con dùng xà phòng kháng khuẩn (nói thế nào thì, đây là cái mà thật ra bạn không nên dùng). Quan trọng hơn, giả thuyết này cung cấp một số bằng chứng cho thấy sinh con qua đường ****** (thường gọi là sinh tự nhiên) và cho con bú là hai điều quan trọng với sự phát triển của hệ vi sinh vật khỏe mạnh ở trẻ sơ sinh.
Ở quá sạch lại dễ bị bệnh - nghe vô lý mà lại rất thuyết phục!
(Ảnh: Henry Ford Health)
Điều quan trọng hơn nữa là, giả thuyết vệ sinh sẽ định hướng cho tư duy của các bác sĩ về sự phát triển các bệnh tự miễn như thế nào. Trong tương lai, khi các nhà khoa học hiểu rõ hơn cơ chế của giả thuyết vệ sinh ở cấp độ tế bào, chúng ta có thể tìm ra cách cân bằng giữa vệ sinh cơ bản và sự tiếp xúc vi khuẩn, cách thức tiếp xúc đúng để phòng ngừa các bệnh dị ứng, viêm ruột, hen suyễn.

>>> Bóng đèn sợi đốt có hại cho môi trường như thế nào?
Nguồn: Vox
 


Đăng nhập một lần thảo luận tẹt ga
Top