Phát hiện đột biến virus cúm gia cầm giết chết cả hải cẩu và cáo

Theo thông tin mới nhất, đợt bùng phát dịch cúm gia cầm bất thường xảy ra ở Anh đã giết chết 5 con thiên nga, 3 con hải cẩu và 1 con cáo tại một trung tâm chăm sóc động vật hoang dã. Điều này đã dấy lên những mối quan ngại về tình hình dịch bệnh hiện nay, nhất là khi dịch COVID-19 vẫn chưa hoàn toàn được kiểm soát.
Đợt bùng phát dịch này xảy ra vào cuối năm 2020, nó đã khiến các nhà nghiên cứu hết sức ngạc nhiên vì từ trước đến nay, virus cúm gia cầm hiếm khi lây nhiễm cho động vật có vú. Tuy vậy, đã có ít nhất hai loài động vật có vú khác nhau bị nhiễm bệnh và tiến triển nặng hơn. Các nhà nghiên cứu cho biết: “Dựa vào các phân tích di truyền đã tìm thấy một loại đột biến duy nhất, có trong chủng cúm gia cầm - được gọi là H5N8. Đột biến này cho phép virus lây nhiễm từ chim sang động vật có vú”.
Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu cũng cho biết thêm: “Bản thân sự đột biến này không liên quan đến nhiễm trùng ở người và dường như không gây nguy cơ lây nhiễm cho người”.
Phát hiện đột biến virus cúm gia cầm giết chết cả hải cẩu và cáo
Trong báo cáo mới nhất được đăng tải trên tạp chí Các bệnh truyền nhiễm mới vào hôm 13/10 vừa qua, cho biết: "Mặc dù các phân tích di truyền cho thấy virus này có nguy cơ gia tăng và khả năng lây truyền cho con người khá thấp. Nhưng chúng hoàn toàn có thể gây ra những rủi ro sức khỏe nghiêm trọng và bất ngờ đối với động vật có vú khác". Vì vậy, việc giám sát dịch bệnh ở nhóm các động vật hoang dã là cần thiết và phải đề cao trong giai đoạn sắp tới.
Trước đây, virus cúm gia cầm thích nghi với các loài chim và hiếm khi lây lan sang các động vật khác, kể cả con người. Nhưng trong một số trường hợp đặc biệt, vài chủng cúm gia cầm vẫn có thể lây nhiễm sang người như H5N1, H7N9, H5N6 và gần đây nhất là H5N8. Ca nhiễm H5N8 được ghi nhận đầu tiên ở người vào tháng 2/2021 ở công nhân tại 1 nhà máy gia cầm Nga.
Dịch bệnh bắt đầu bùng phát ở Anh và ghi nhận lần đầu ở 5 con thiên nga. Chúng được đưa đến trung tâm phục hồi động vật hoang dã vào tháng 10-11/2020. Theo báo cáo cho biết, những con thiên nga này đang hồi phục tốt, tuy nhiên, rất nhanh sau đó, chúng đột nhiên trở nên yếu ớt và chết trong khoảng thời gian từ ngày 25/11 đến ngày 29/11, năm 2020.
Trong thời gian tiếp theo, từ ngày 5/12 đến ngày 6/12 năm 2020, trung tâm đã ghi nhận thêm cái chết của 4 con hải cẩu thường (Phoca vitulina), 1 con hải cẩu xám (Halichoerus grypus), 1 con cáo đỏ (Vulpes vulpes). Tất cả chúng đều được nuôi trong khu cách ly cùng với thiên nga, nhưng mỗi loài có một buồng riêng biệt. Báo cáo cho biết, trước khi chết, hải cẩu lên cơn co giật còn cáo thì suy nhược và chán ăn.
Phát hiện đột biến virus cúm gia cầm giết chết cả hải cẩu và cáo
5 con thiên nga đều có kết quả xét nghiệm dương tính với H5N8, tuy nhiên, không có con chim nào khác tại trung tâm bị ảnh hưởng. Ban đầu, các nhà nghiên cứu cho rằng cái chết của hải cẩu và cáo không liên quan đến cái chết của thiên nga. Sau khi kiểm tra mô của các con vật, các nhà nghiên cứu đã rất bất ngờ vì trong số các mẫu lấy từ ba con hải cẩu và cáo (bao gồm mẫu từ não, phổi và các cơ quan khác) đều cho kết quả dương tính với H5N8. Điều này có nghĩa là thiên nga có thể là nguồn lây nhiễm cho các động vật khác.
Sau cái chết của các động vật trên, hiện không có thêm trường hợp nào của H5N8 hoặc các bệnh bất thường xảy ra với các động vật ở trung tâm. Nhìn chung tại Vương quốc Anh đã có tất cả 26 trường hợp cúm gia cầm đã được báo từ tháng 11 năm 2020 đến tháng 3 năm 2021.
Nguồn: Live Science
 


Đăng nhập một lần thảo luận tẹt ga
Thành viên mới đăng
Top