Phát hiện sinh vật được ví như "ong dưới nước", giúp tảo biển thụ tinh

Mới đây, các nhà khoa học đã phát hiện ra một loài giáp xác nhỏ có tên là Idotea balthica có thể thụ tinh cho tảo biển đỏ, tương tự như cách các loài côn trùng giúp thực vật trên cạn thụ phấn.
Myriam Valero, nhà sinh vật học tại Đại học Sorbonne và là một trong những tác giả của nghiên cứu, cho biết:
“Quá trình thụ tinh nhờ sự trợ giúp của động vật được cho là đã xuất hiện giữa các loài thực vật khi chúng xuất hiện trên đất liền cách đây 450 triệu năm. Tảo đỏ xuất hiện cách đây hơn 800 triệu năm và hiện tượng thụ tinh thông qua động vật trung gian ở loài này có thể có trước cả quá trình này ở thực vật trên cạn. Tuy nhiên, không thể loại trừ khả năng các cơ chế thụ tinh nhờ động vật trong môi trường trên cạn và dưới nước hình thành một cách độc lập”.
Những con Idotea balthica giúp tảo biển đỏ thụ tinh
Vào năm 2016, sau khi các nhà khoa học phát hiện động vật phù du có thể thụ phấn cho cỏ biển ở Caribe, Valero bắt đầu tò mò liệu hiện tượng tương tự có thể xảy ra với loài tảo biển đỏ Gracilaria gracilis hay không.
Để trả lời câu hỏi đó, Valero và các cộng sự đã đặt một cây tảo biển đỏ đực và một cây cái cách nhau khoảng 6 inch trong bể cá. Tiếp theo, họ thêm 20 loài giáp xác I. balthica vào bể. Để so sánh, họ cũng thiết lập thêm một hồ cá có chứa cây đực và cây cái nhưng không thêm động vật giáp xác.
Nhóm nghiên cứu phát hiện ra rằng số lần thụ tinh trong các bể có giáp xác nhiều hơn 20 lần so với những bể không có. Các nhà khoa học cũng thu thập các loài giáp xác đã từng sống trong bể cá với các cây tảo đực và chuyển chúng vào bể chứa các cây cái chưa được thụ tinh. Điều này cũng tạo ra tỷ lệ thụ tinh cao hơn. Khi quan sát động vật giáp xác dưới kính hiển vi, họ cũng phát hiện ra spermatia – tế bào được ví như “tinh trùng” của tảo biển bị dính vào cơ thể của những con vật này.
Phát hiện sinh vật được ví như ong dưới nước, giúp tảo biển thụ tinh
"Tinh trùng" của tảo đỏ dính trên thân của những con I. balthica
Các nhà nghiên cứu nghi ngờ rằng các loài giáp xác cũng được hưởng lợi từ hành vi trợ giúp này. Cụ thể, các khóm tảo biển là nơi an toàn để ẩn náu khỏi những kẻ săn mồi và là nguồn thức ăn dồi dào.
Nhà khoa học sinh thái Jeff Ollerton - tác giả của “Pollinators and Pollination: Nature and Society” đánh giá đây là nghiên cứu đầu tiên ghi lại hình ảnh động vật thụ tinh cho tảo biển, “thực sự đã mở mang hiểu biết của chúng ta về cách sinh sản của tảo biển”.
Ông nói: “Kiểu tương tác này có thể đã diễn ra từ rất lâu trước khi thực vật tiến hóa và việc sử dụng bên thứ ba để hỗ trợ sinh sản có thể có nguồn gốc sâu xa hơn chúng ta từng biết.”
>> Ý tưởng nhấn chìm rong biển chứa carbon để ngăn chặn biến đổi khí hậu

Theo Smithsonian Magazine
 


Đăng nhập một lần thảo luận tẹt ga
Thành viên mới đăng
Top