Phi hành gia có cần thoa kem chống nắng để tránh tia UV không?

nhhgiap

Pearl
Ở Trái Đất, để bảo vệ làn da khỏi tia UV, chúng ta sử dụng kem chống nắng, mặc quần áo dày, hạn chế ra ngoài khi nắng nóng. Nhưng khi ở trong một môi trường với đủ loại tia cực tím như vũ trụ, các phi hành gia sẽ sử dụng thứ gì để bảo vệ cơ thể họ?
Phi hành gia có cần thoa kem chống nắng để tránh tia UV không?
Quan sát chuyến du hành lên mặt trăng của phi hành gia Mỹ Neil Armstrong, ta thấy ông ấy đội một chiếc mũ bảo hiểm hình bong bóng có gắn kính trong suốt, loại kính này còn có thể điều chỉnh tùy ý. Lớp che trong cùng và chiếc mũ bảo hiểm đều được làm bằng polycarbonate - một loại vật liệu chống hấp thụ tia cực tím quá nhiều.
Giống như chùm ánh sáng có thể nhìn thấy, tia UV là sóng điện từ do mặt trời phát ra. Tiếp xúc vừa phải với một số sóng đó có thể giúp ích cho cơ thể. Ví dụ, tiếp xúc với tia cực tím B (UV-B) sẽ thúc đẩy da người sản xuất vitamin D3. Nhưng khi chúng ta hấp thụ quá mức, DNA có nguy cơ bị tổn thương, gây ra bệnh ung thư da. Ở mức độ tiếp xúc bình thường, tia UV gây ra tình trạng cháy nắng.
Bên cạnh UV-B, có hai loại bức xạ UV chính khác: tia cực tím A (UV-A) và tia cực tím C (UV-C). Mỗi loại di chuyển ở một bước sóng khác nhau, tia UV-A có bước sóng dài nhất. Trong đó, tia UV-C được coi là đặc biệt có hại cho con người. May mắn thay, tầng ôzôn của Trái Đất có khả năng hấp thụ gần như tất cả các tia UV-C, còn tia UV-B có lợi lại được phép đi qua bầu khí quyển.
Tuy nhiên, bầu khí quyển của mặt trăng không có khả năng tuyệt vời như vậy, bề mặt của nó chứa đầy bức xạ tia cực tím. Có bằng chứng cho thấy, chính lượng tia cực tím dồi dào ở đây đã gây ra các đám mây bụi mặt trăng mà chúng ta quan sát được thông qua vệ tinh.
Với lượng tia cực tím khổng lồ như vậy, làm sao Neil Armstrong và đồng đội của ông có thể di chuyển được trên bề mặt mặt trăng. Được biết, bộ quần áo du hành mà phi hành gia mặc, được làm bằng loại vải đặc biệt, cực dày, có khả năng ngăn chặn tia UV.
Kính che mặt làm bằng polycarbonate, một loại nhựa siêu cứng bảo vệ khuôn mặt của các phi hành gia khỏi bức xạ UV. Dù chỉ giảm độ dày đặc 1% cũng đủ để khiến phi hành gia bị “mù tuyết” (một tình trạng đau mắt do tiếp xúc quá nhiều với tia UV mặt trời), hoặc nhiều tình trạng suy giảm thị lực khác do ảnh hưởng của tia UV.
Các phi hành gia cũng có thể bị cháy nắng khi ở ngoài vũ trụ. Nghe có vẻ phi thực tế nhưng vào năm 1963, Gene Cernan của phi hành đoàn Gemini 9 đã có những vết cháy nắng hình tam giác trên lưng. Điều tra nguyên nhân, nhóm khoa học biết ông đã ở trong quỹ đạo Trái đất thấp. Trong khi làm việc bên ngoài tàu vũ trụ, bộ đồ của ông vô tình bị rách, tạo điều kiện cho tia UV từ mặt trời lọt vào, gây cháy da.
Nguy cơ cháy nắng giảm dần khi các phi hành gia ở trong tàu vũ trụ. Nhiều phi hành gia thậm chí mặc áo thun và quần cotton để sinh hoạt hàng ngày. Để làm được điều đó, ISS (trạm vũ trụ Quốc tế) được lắp đặt loại cửa sổ giúp ngăn tia UV lọt vào khoang tàu.
Tuy nhiên, những thứ không có đồ bảo hộ sẽ bị tàn phá nhanh chóng bởi tia UV. Giống như sáu lá cờ Mỹ được cắm trên mặt trăng, giờ chúng đã bị tẩy trắng hoàn toàn.
Nguồn: Science
 


Đăng nhập một lần thảo luận tẹt ga

Gợi ý cộng đồng

Top