Quá nhiều người sở hữu, Chanel ở Hàn Quốc đang dần trở thành... hàng bình dân

Theo Kim Jae-heun, một nhà phân tích trong lĩnh vực kinh doanh thời trang thì Chanel, một trong những thương hiệu thời trang cao cấp được yêu thích của người Hàn Quốc đã giảm vị thế của mình tại nước này trong những tháng gần đây, lý do là vì quá nhiều người có thể sở hữu túi xách và các mặt hàng khác từ hãng này.
Nếu như trước đây, các sản phẩm của Chanel đắt đến nỗi hầu như không ai dám hỏi hoặc trả mức giá mong muốn, thì hiện tại thu nhập trung bình của người dân Hàn Quốc đã được cải thiện trong nhiều thập kỷ qua, và đại dịch Covid-19 giúp họ tiết kiệm được một khoản tiền khá lớn do không được đi du lịch. Để tiêu tiền, người Hàn Quốc lựa chọn mua các xa xỉ phẩm này.
Những khách hàng trẻ tuổi ở Hàn Quốc đã không còn ngần ngại bỏ ra hàng nghìn USD cho một món đồ xa xỉ nữa. Một số người khác coi túi Chanel như một tài sản đầu tư vì hãng này đã tăng giá sản phẩm của mình thường xuyên, và khi có ai đó hỏi mua, chủ sở hữu có thể bán lại với giá cao hơn để kiếm lời. Tình hình này cũng đang khiến mọi người đổ xô đến các cửa hàng Chanel mỗi khi có thông tin trên mạng rằng hãng thời trang từ Pháp đang chuẩn bị tăng giá một lần nữa. Điển hình vào năm 2021, Chanel đã tăng giá các mặt hàng thời trang của mình đến bốn lần, hiện không có mẫu túi xách cổ điển nào từ Chanel có giá thấp hơn 10 triệu won (8.343 USD) cho mỗi chiếc.

Quá nhiều người sở hữu, Chanel ở Hàn Quốc đang dần trở thành... hàng bình dân
Khách hàng đổ xô đến cửa hàng Chanel trong một Lotte Department Store ở Seoul vào tháng 5 năm 2020 sau khi có tin đồn rằng thương hiệu cao cấp của Pháp sẽ tăng giá các sản phẩm của mình từ 7 đến 17%
Tuy nhiên, nhiều dấu hiệu cho thấy các sản phẩm của Chanel cũng đang kém hấp dẫn hơn đối với người tiêu dùng Hàn Quốc so với trước đây. Giá của loại "Túi có nắp cỡ trung bình cổ điển" phổ biến nhất trên thị trường bán lại của địa phương gần đây đã giảm từ 1 đến 2 triệu won. Từ cuối năm ngoái cho đến đầu tháng 1 năm nay, loại túi này được giao dịch với giá trung bình là 14 triệu won trên thị trường bán lại trực tuyến Kreme, nhưng hiện giá đã giảm xuống còn 11 triệu won.
Hàng xa xỉ được gọi là "hàng xa xỉ" khi chỉ có một số ít người có tiền mới sở hữu được nó, còn khi mỗi người đều có thể mua được một chiếc túi Chanel trong tay, thì nó không còn là ước mơ nữa. "Sự khan hiếm cũng là điều quan trọng hàng đầu đối với hàng xa xỉ, đó cũng là lý do tại sao Hermes chỉ bán những chiếc túi Birkin đặc trưng của mình cho một số lượng hạn chế khách hàng VIP." Tại Hàn Quốc cũng đã xảy ra tình trạng thừa nguồn cung với túi Chanel trên thị trường bán lại, có hơn 70% số túi Chanel có sẵn ở đây được các đại lý mua lại từ các cửa hàng bách hóa và cửa hàng Chanel.
Một chủ cửa hàng bách hóa lớn cho biết:"Vì có rất nhiều túi Chanel có sẵn trên các nền tảng bán lại trực tuyến, hình ảnh sang trọng của thương hiệu đã trở nên mờ nhạt dần. Chanel gần đây đã quyết định không bán sản phẩm của mình cho những người bán lại ghé thăm cửa hàng của mình quá thường xuyên hoặc mua hết tất cả các mặt hàng xa xỉ cùng một lúc, nhưng chính sách bán hàng này đã được chứng minh là không hiệu quả."
 


Đăng nhập một lần thảo luận tẹt ga
Thành viên mới đăng
Top