Quá nhiều rào cản đối với fintech và ngân hàng số

Tại Diễn đàn "Quản trị rủi ro và đảm bảo an toàn tài chính, thúc đẩy hoạt động Fintech và ngân hàng số tại Việt Nam" do VCCI tổ chức ngày 8/12, các chuyên gia nhấn mạnh việc thiết lập cơ chế thử nghiệm có kiểm soát hoạt động Fintech trong lĩnh vực ngân hàng tại Việt Nam là hết sức cấp bách và cần thiết, đặc biệt trước chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước về phát triển "chính phủ và nền kinh tế số".

THIẾU NHÂN LỰC CÔNG NGHỆ THÔNG TIN

Quá nhiều rào cản đối với fintech và ngân hàng số
Ông Hoàng Quang Phòng, Phó chủ tịch VCCI, cho biết năm 2021 đã chứng kiến những bước tiến nhảy vọt của thị trường Fintech Việt Nam khi nền kinh tế internet đạt giá trị 21 tỷ USD, đứng ở vị trí 14/50 ở khu vực châu Á và vị trí thứ 70 trên bảng xếp hạng toàn cầu.
Fintech Việt Nam đã tăng trưởng đáng kể nhờ việc mở rộng các hình thức thanh toán số cũng như việc áp dụng ngày càng nhiều các giao dịch kỹ thuật số và sự phát triển của thị trường thương mại điện tử.
Theo Phó chủ tịch VCCI, hiện nay, nhiều ngân hàng đã triển khai các hoạt động như mở tài khoản thanh toán, gửi tiết kiệm được số hoá 100%. Hiện đã có 68% người Việt Nam trưởng thành có tài khoản ngân hàng
Theo Báo cáo thị trường Fintech Việt Nam 2021, số lượng công ty Fintech đã tăng lên 4 lần, từ 39 công ty vào cuối năm 2015 lên đến hơn 154 công ty vào cuối năm 2021. Khoảng 70% trong số đó là công ty khởi nghiệp.
Tuy nhiên, các chuyên gia cũng đánh giá tốc độ phát triển nói trên là chưa tương xứng với tiềm năng. Hoạt động chuyển đổi số trong lĩnh vực tài chính - ngân hàng tại Việt Nam còn đối mặt với nhiều rào cản từ hạ tầng số, nguồn nhân lực đến hành lang pháp lý.
Lấy ví dụ về nguồn nhân lực, ông Trần Minh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Kinh tế số và Xã hội số, Bộ Thông Tin và Truyền thông, cho biết, hiện nay, tỷ lệ trường đại học có chuyên ngành đào tạo kỹ thuật là 160/240 trường, với số lượng tốt nghiệp đại học chuyên ngành công nghệ thông tin hàng năm khoảng 50.000 sinh viên. Trong khi đó, tỷ lệ nhân lực công nghệ thông tin chỉ chiếm 1,1% trong tổ số lao động trong nền kinh tế.
Đồng thời, ông Trần Minh Tuấn cũng nêu ra 5 mục tiêu phát triển hạ tầng số. Bao gồm: Làm chủ hạ tầng thông tin và truyền thông, bảo đảm chủ quyền quốc gia trên không gian mạng bằng các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam; tạo sự phát triển đột phá bằng các hạ tầng mới IoT và cloud; kiến tạo các khu vực động lực kinh tế mới bằng công nghiệp công nghệ số; tối ưu hoá nguồn lực quốc gia bằng tạo lập liên kết với các hạ tầng năng lượng, hạ tầng logistic...; nâng cao năng lực cạnh tranh quốc tế.

KIỂM SOÁT RỦI RO TRONG ĐỊNH DANH KHÁCH HÀNG

Đại diện phía ngân Hàng thương mại, bà Nguyễn Thị Nga, Giám đốc Ngân hàng số, Ngân hàng PVcomBank cũng nêu ra những thách thức chuyển đổi số trong hệ thống ngân hàng thương mại tại Việt Nam.
Theo bà Nga, trong quá trình chuyển đổi số ở ngân hàng, hầu như toàn bộ hệ thống và phương pháp thực hiện có sự thay đổi, các cán bộ cần có thời gian cập nhật xử lý và làm quen nên đôi khi xảy ra chậm trễ trong giao dịch hoặc lỗi hệ thống. Vấn đề tiếp theo là cơ sở dữ liệu và phân tích, dự báo môi trường kinh doanh… còn thiếu và yếu, dẫn đến các ngân hàng còn gặp rất nhiều khó khăn, lúng túng trong việc hoạch định chiến lược dài hạn.
Một số thách thức khác như: Các yêu cầu về quản lý rủi ro hoạt động trong các quy định của các ngân hàng và theo tiêu chuẩn quốc tế (Basel II/III) đòi hỏi người đọc và áp dụng phải có trình độ cao, một số thuật ngữ khá trừu tượng gây khó hiểu hoặc nhầm lẫn ảnh hưởng đến việc các ngân hàng thương mại chưa triển khai được.
"Trong quá trình chuyển đổi số ở ngân hàng, hầu như toàn bộ hệ thống và phương pháp thực hiện có sự thay đổi, các cán bộ cần có thời gian cập nhật xử lý và làm quen nên đôi khi xảy ra chậm trễ trong giao dịch hoặc lỗi hệ thống". Bà Nguyễn Thị Nga, Giám đốc Ngân hàng số Pvcombank.
Đưa ra khuyến nghị cho các ngân hàng trong quá trình chuyển đổi số, các chuyên gia nhấn mạnh cần thúc đẩy quy trình rà soát thẩm định thông tin về bên thứ ba trước khi ký hợp đồng. Bởi lẽ, việc triển khai áp dụng ngân hàng số sẽ liên quan đến việc nhiều nhà cung cấp bên thứ ba tham gia vào quá trình cung ứng, hỗ trợ hoạt động.
Do lĩnh vực tài chính ngân hàng rất nhạy cảm và yêu cầu bảo mật cao nên các ngân hàng cần sớm chuẩn hóa hợp đồng cung ứng dịch vụ, quy định rõ vai trò và trách nhiệm của các bên và thường xuyên giám sát năng lực, đánh giá định kỳ.
Bên cạnh đó, việc đầu tiên và khó khăn nhất trong công tác phòng chống tội phạm tài chính là xác định danh tính khi khách hàng mở tài khoản trực tuyến. Các ngân hàng có thể giảm thiểu rủi ro trong xác định danh tính khách hàng ngay từ khâu lựa chọn nhà cung cấp giải pháp đủ năng lực để triển khai. Đồng thời, tìm kiếm các giải pháp liên kết dữ liệu để định danh khách hàng.
Theo VnEconomy
 


Đăng nhập một lần thảo luận tẹt ga
Top