Quan chức Trung Quốc bị khai trừ Đảng vì hành vi hỗ trợ đào tiền ảo

Một cựu quan chức chính quyền địa phương ở tỉnh Giang Tây thuộc phía Đông Nam Trung Quốc mới đây đã lên tiếng xin lỗi công khai vì là một “tội nhân” và đã gây ra “tổn thất nghiêm trọng” cho thành phố của mình trong một bản tin được truyền hình nhà nước thực hiện hôm Chủ nhật với mục đích tố cáo các hành vi sai trái của người này. Ông này bị sa thải vào năm 2021 với cáo buộc lạm dụng quyền lực nhằm hỗ trợ hoạt động khai thác tiền số.
Xiao Yi, cựu phó chủ tịch ủy ban tỉnh Giang Tây của Hội nghị Hiệp thương Chính trị Nhân dân Trung Quốc và là cựu Chánh văn phòng Đảng Cộng sản thành phố Phúc Châu, đã giúp một công ty khai thác tiền số tại địa phương che giấu các hoạt động của mình bằng cách mạo danh một doanh nghiệp chuyên về dữ liệu lớn và điện toán đám mây, Truyền hình Trung ương Trung Quốc (CCTV) cho biết.
Xiao Ji đã vạch đường cho Jiumu Group Genesis Technology, công ty mà ông giới thiệu như một ví dụ điển hình của nền kinh tế kỹ thuật số địa phương, “đóng một vở kịch” trong suốt các chuyến thăm và kiểm tra của các cơ quan, quan chức chính quyền khác. Trung Quốc bắt đầu triển khai các chiến dịch đàn áp tiền số vào năm 2018.

Quan chức Trung Quốc bị khai trừ Đảng vì hành vi hỗ trợ đào tiền ảo
Xiao Yi
Theo các báo cáo, trong khoảng thời gian từ năm 2017 đến năm 2020, Jiumu Group Genesis Technology đã điều khiển 160.000 máy chuyên “đào” tiền số, tiêu tốn hết 10% tổng lượng điện tiêu thụ của thành phố Phúc Châu.
Để che đậy việc tiêu thụ điện bất thường của công ty, Xiao đã yêu cầu các cơ quan nhà nước khác có liên quan soạn thảo số liệu thống kê cũng như điều chỉnh các danh mục sao cho việc tiêu thụ điện trở thành “được chỉ định”. Xiao cũng bị cáo buộc đã giúp Jiumu Group Genesis Technology huy động được 2,4 tỷ nhân dân tệ (354 triệu USD) tài trợ từ nguồn ngân sách nhà nước, bao gồm các khoản vay và bảo lãnh tài chính, CCTV cho hay.
Bản tin này trở thành tờ kê khai chính thức toàn diện nhất về những hành vi sai trái của Xiao kể từ khi ông này bị cách chức và khai trừ khỏi Đảng Cộng sản Trung Quốc hồi tháng 11/2021. Thời điểm đó, một tuyên bố từ Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương và Ủy ban Giám sát Quốc gia đã cáo buộc Xiao vi phạm chính sách công nghiệp của đất nước khi giúp các công ty tham gia vào hoạt động khai thác tiền số; ngoài ra tuyên bố không tiết lộ thêm bất kỳ chi tiết nào.
Các cuộc điều tra sau đó cũng chỉ ra rằng Xiao còn phạm tội nhận hối lộ và tham dự các bữa tiệc chiêu đãi có thể ảnh hưởng đến quá trình công tác của mình; bên cạnh đó, Xiao tiếp tục bị cáo buộc đã thực hiện các vụ trao đổi quyền lực để nhận lấy tiền bạc và tình dục, đồng thời triệt để lợi dụng vị trí của mình để ưu ái, nâng đỡ những người thân cận được cất nhắc, bổ nhiệm cũng như phê duyệt dự án để đổi lấy lợi ích vật chất.
Trong khi việc khai thác tiền số tiêu thụ rất nhiều năng lượng và tạo ra một lượng lớn khí thải và chất thải, hoạt động này lại “đóng góp rất ít” vào vấn đề giải quyết việc làm, phát triển công nghiệp và tiến bộ công nghệ, CCTV lên án.
Ngoài ra, tiền số cũng có thể trở thành công cụ để trốn tránh sự giám sát của cơ quan quản lý và thực hiện các giao dịch bất hợp pháp, do đó gây tổn hại đến an ninh tài chính, bản tin cho biết thêm.
Tôi là một tội đồ của nhân dân Phúc Châu, tôi đã bỏ mặc đồng bào”, Xiao trực tiếp đối diện với ống kính chương trình. “Xuất phát từ những quan điểm lệch lạc của tôi về thành tựu chính trị… Tôi đã hành động thật liều lĩnh và gây ra những tổn thất nghiêm trọng”.
Xiao là quan chức cấp cao nhất của Trung Quốc bị xử lý vì ủng hộ hoạt động khai thác tiền số, phát đi một tín hiệu mạnh mẽ đến các quan chức chính quyền địa phương về lập trường cứng rắn của Bắc Kinh xung quanh vấn đề nhức nhối này.

Quan chức Trung Quốc bị khai trừ Đảng vì hành vi hỗ trợ đào tiền ảo
Một cây ATM Bitcoin ở Hong Kong, nơi tiền mã hoá không bị cấm như ở đại lục
Tháng 5/2021, Ủy ban Ổn định và Phát triển Tài chính của Hội đồng Nhà nước, do Phó Thủ tướng Lưu Hạc khi đó làm chủ tịch, tuyên bố sẽ dập tắt hoạt động đào bitcoin.
Trong những tháng sau đó, các trung tâm khai thác tiền số lớn - bao gồm Nội Mông, Tứ Xuyên và Tân Cương - đã hưởng ứng mạnh mẽ chiến dịch của Bắc Kinh nhằm đóng cửa các trại khai thác, đẩy nhiều thợ đào phải rời Trung Quốc để đến Bắc Mỹ và Trung Á tiếp tục hoạt động.
Hoạt động khai thác tiền số tại Trung Quốc giảm xuống zero vào tháng 7/2021 trước sức mạnh của cuộc đại kiểm soát, thế nhưng sau đó chúng nhanh chóng được tái kết nối và phục hồi. Theo dữ liệu ghi nhận vào năm ngoái từ Trung tâm Tài chính Thay thế Cambridge (CCAF), từ tháng 9/2021 đến tháng 01/2022, lưu lượng truy cập từ Trung Quốc chiếm khoảng 20% tổng tỷ lệ băm của bitcoin (Tỷ lệ băm hay hash rate là đơn vị đo lường khả năng giải thuật toán của thiết bị đào tiền mã hóa, trong đó có Bitcoin; nói cách khác, tỉ lệ băm cho ta biết mức độ thường xuyên tham gia vào mạng Bitcoin của các máy đào và sức mạnh của chúng).
Một cộng đồng lớn các nhà đầu tư tiền số tiếp tục tồn tại ở Trung Quốc. Theo tiết lộ tại đơn phá sản của sàn giao dịch tiền số toàn cầu FTX hồi tháng 11, người dùng ở đại lục chiếm đến 8% cơ sở khách hàng.

Tham khảo: SCMP
>> Cuộc vui đã tàn: các công ty tiền mã hóa quay cuồng trong cơn bão sa thải
 


Đăng nhập một lần thảo luận tẹt ga
Thành viên mới đăng
Top