Quảng cáo rầm rộ, chatbot AI của Meta tích hợp trong Messenger, Instagram "vẫn đầy lỗi"

Trong nỗ lực đưa trí tuệ nhân tạo (AI) đến gần hơn với người dùng hàng ngày, Meta của Mark Zuckerberg đã tích hợp chatbot AI vào các ứng dụng phổ biến như Instagram, Messenger và WhatsApp. Đây được coi là bước đi táo bạo nhất từ một công ty công nghệ lớn nhằm phổ cập hóa công nghệ AI.
Khác với các chatbot và trình tạo hình ảnh khác, trợ lý AI của Meta là công cụ miễn phí được tích hợp sẵn vào các ứng dụng mà hàng tỷ người sử dụng hàng ngày. "Chúng tôi tin rằng Meta AI hiện là trợ lý AI thông minh nhất mà bạn có thể thoải mái sử dụng", ông Mark Zuckerberg, CEO của Meta, chia sẻ trên Instagram.
Tuy nhiên, theo tờ New York Times, chatbot của Meta vẫn tồn tại nhiều lỗi, đặc biệt trong tác vụ tìm kiếm. Đại diện công ty thừa nhận rằng do công nghệ còn mới nên không phải lúc nào chatbot cũng đưa ra phản hồi chính xác, tương tự các hệ thống AI khác. Người dùng không có lựa chọn tắt dịch vụ này trên ứng dụng.
Quảng cáo rầm rộ, chatbot AI của Meta tích hợp trong Messenger, Instagram vẫn đầy lỗi
Meta tham vọng trở thành công ty AI hàng đầu
Meta tuyên bố chatbot AI có thể thay thế các công cụ tìm kiếm trên trình duyệt web. Tuy nhiên, ngay cả với những truy vấn đơn giản như tìm công thức nấu ăn, giá vé máy bay hay hoạt động cuối tuần, thuật toán vẫn không thể đưa ra kết quả chính xác.
Dù vậy, trợ lý AI của Meta cũng ghi nhận một số điểm sáng. Một trong số đó là khả năng chỉnh sửa văn bản hiệu quả, có thể lược bỏ từ ngữ thừa, biến đổi linh hoạt giữa câu chủ động và bị động khi người dùng yêu cầu viết lại đoạn văn dài. Ngoài ra, tốc độ tạo hình ảnh của AI Meta nhanh hơn nhiều so với các trình khác như Midjourney.
Để bắt kịp đối thủ OpenAI, Meta đang tăng tốc phát triển trong lĩnh vực AI. Công ty dự kiến sẽ tích hợp phiên bản mới nhất của mô hình ngôn ngữ lớn Llama 3 lên chatbot AI trong vài tháng tới. Đồng thời, các mẫu kính đeo thông minh do Meta hợp tác với Ray-Ban cũng sẽ được cập nhật tính năng AI, cho phép người dùng nhận diện vật thể và trả lời câu hỏi liên quan.
Trước đó, Meta đã công bố hợp tác với Google để đưa kết quả tìm kiếm thời gian thực vào phản hồi của chatbot, bổ sung cho thoả thuận hiện có với công cụ Bing của Microsoft.
Trong khi đó, trợ lý AI cũng đã được triển khai ra ngoài thị trường Mỹ, bao gồm hàng chục quốc gia và vùng lãnh thổ khác như Úc, Canada, Singapore, Nigeria và Pakistan. Tuy nhiên, công nghệ này vẫn chưa có mặt tại châu Âu do các quy định nghiêm ngặt về quyền riêng tư và yêu cầu tiết lộ dữ liệu huấn luyện thuật toán.
Theo chia sẻ của ông Mark Zuckerberg, mô hình Llama-3 lớn nhất đang được Meta phát triển có tới 400 tỷ tham số, trong khi các phiên bản nhỏ hơn gồm 8 tỷ và 70 tỷ tham số. Để giảm thiểu vấn đề về ngữ cảnh, công ty cho biết họ sử dụng "dữ liệu chất lượng cao" để mô hình có thể phân biệt được các sắc thái khác nhau. Lượng dữ liệu đầu vào huấn luyện Llama-3 nhiều gấp 7 lần so với Llama-2.
 


Đăng nhập một lần thảo luận tẹt ga
Thành viên mới đăng
Top