Rác thải điện tử trong năm 2021 nặng hơn cả Vạn lý trường thành

Theo một ước tính, lượng rác thải điện tử toàn cầu tính riêng trong năm 2021 đã nặng hơn cả Vạn lý trường thành của Trung Quốc.
Rác thải điện tử trong năm 2021 nặng hơn cả Vạn lý trường thành
Các nhà nghiên cứu ước tính "núi" rác thải thiết bị điện và điện tử bị loại bỏ trong năm 2021 sẽ nặng tới hơn 57 triệu tấn. Đây là con số nặng hơn cả Vạn Lý Trường Thành, vật thể nhân tạo nặng nhất hành tinh tại Trung Quốc.
Đánh giá trên là kết quả sau một phân tích của nhóm chuyên gia quốc tế chuyên giải quyết vấn đề rác thải thiết bị điện và điện tử (WEEE) toàn cầu.
Họ chỉ ra rằng, giá trị của những vật liệu bỏ đi đó là rất lớn. Theo một báo cáo năm 2019 của Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF), rác thải điện tử trên thế giới có giá trị lên tới 62,5 tỷ USD, tức nhiều hơn GDP của nhiều quốc gia.
Tiến sĩ Ruediger Kuehr, giám đốc chương trình Chu kỳ bền vững (SCYCLE) của Liên hợp quốc cho biết: “Một tấn điện thoại di động bị bỏ đi chứa lượng vàng nhiều hơn lượng vàng thu được từ một tấn quặng vàng".
Chất thải điện tử bao gồm các vật dụng như smartphone, tủ lạnh, ấm đun nước, TV và đồ chơi điện tử.
Trên toàn cầu, số lượng chất thải điện tử phát sinh đang tăng thêm 2 triệu tấn mỗi năm. Người ta ước tính có ít hơn 20% rác thải điện tử được thu gom và tái chế.
Pascal Leroy, tổng giám đốc của nhóm chuyên gia Diễn đàn WEEE cho biết, các sản phẩm có tuổi thọ ngắn và ít lựa chọn sửa chữa là một trong những nguyên nhân hàng đầu làm gia tăng chất thải điện tử. Và chắc chắn rằng, các nhà sản xuất thiết bị điện tử đóng vai trò lớn trong đó.
Ông chia sẻ với BBC News: “Sự phát triển nhanh chóng của điện thoại di động đã dẫn đến sự phụ thuộc của thị trường vào việc thay thế nhanh chóng các thiết bị cũ hơn”.
Rác thải điện tử trong năm 2021 nặng hơn cả Vạn lý trường thành
Người tiêu dùng cũng có thể miễn cưỡng tái chế thiết bị điện tử cá nhân của họ. Tại Vương quốc Anh, một nghiên cứu năm 2019 của Hiệp hội Hóa học Hoàng gia cho thấy có tới 40 triệu thiết bị không sử dụng đang ở trong nhà của chúng ta. Điều này gây áp lực lên việc cung cấp nhiều nguyên tố quý hiếm.
Các nguyên tố được sử dụng để sản xuất smartphone có thể cạn kiệt trong thế kỷ tới gồm:
- Gali: được sử dụng trong nhiệt kế y tế, đèn LED, tấm pin mặt trời, kính thiên văn và có khả năng chống ung thư.
- Asen: được sử dụng trong pháo hoa, chất bảo quản gỗ.
- Bạc: được sử dụng trong gương, thấu kính đổi màu làm tối dưới ánh sáng mặt trời, quần áo và găng tay kháng khuẩn dùng được với màn hình cảm ứng.
- Indium: được sử dụng trong bóng bán dẫn, vi mạch, hệ thống phun nước chữa cháy, làm lớp phủ cho ổ bi trong xe F1 và các tấm pin mặt trời.
- Yttrium: được sử dụng trong đèn LED trắng, ống kính máy ảnh và dùng để điều trị một số bệnh ung thư.
- Tantali: được sử dụng trong cấy ghép phẫu thuật, điện cực cho đèn neon, cánh tua bin, vòi phun tên lửa và mũi cho máy bay siêu thanh, máy trợ thính và máy điều hòa nhịp tim.
Pascal Leroy chia sẻ: "Người tiêu dùng muốn làm điều đúng đắn nhưng cần được cung cấp thông tin đầy đủ và có đủ cơ sở hạ tầng để tiện cho việc xử lý rác thải điện tử đúng cách”. Ông cũng chỉ ra rằng việc tái chế rác thải điện tử thay vì vứt bỏ sẽ góp phần làm giảm lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính.
Ông chia sẻ: “Mỗi tấn rác thải điện tử được tái chế sẽ tránh được khoảng 2 tấn khí thải CO2. Vì vậy, điều này quan trọng hơn bao giờ hết khi chính phủ các nước tham gia COP26 để thảo luận về hành động toàn cầu nhằm giảm lượng khí thải carbon”.
Nguồn: BBC
 


Đăng nhập một lần thảo luận tẹt ga
Thành viên mới đăng
Top