Sắp thương mại hóa 5G, các nhà mạng đã sẵn sàng chưa?

Ánh Mai

Editor
Thành viên BQT
Tại buổi Tọa đàm chủ đề “Thương mại hóa 5G xây dựng hạ tầng số cho Việt Nam” do Câu lạc bộ Nhà báo CNTT-TT Việt Nam (ICT Press Club) tổ chức, câu chuyện chính thức đưa 5G vào cuộc sống từ năm 2024 cho thấy có lẽ phải chờ vào kết quả đấu giá tần số dự kiến được tổ chức vào đầu năm 2024.
Ông Nguyễn Việt Phú, Chủ nhiệm ICT Press Club cho hay: “Năm 2024 là năm Bộ TT&TT sẽ thương mại hóa 5G trên phạm vi toàn quốc. Tọa đàm này sẽ là cầu nối giữa cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp và người dân. Mục tiêu của chúng tôi tổ chức buổi tọa đàm này để chúng ta cùng lắng nghe tiếng nói của cơ quan quản lý, các doanh nghiệp viễn thông và các chuyên gia về lộ trình thương mại hóa 5G xây dựng hạ tầng số cho Việt Nam để thúc đẩy quá trình này”.
Sắp thương mại hóa 5G, các nhà mạng đã sẵn sàng chưa?
Sở dĩ nói việc thương mại hóa 5G phải chờ vào kết quả đấu giá tần số, là vì kế hoạch đấu giá tần số mạng 5G đã bị trì hoãn nhiều lần, do các doanh nghiệp chưa sẵn sàng. Hồi cuối tháng 5, đầu tháng 6/2023, cụ thể trong các ngày 15/5, 25/5 và 2/6/2023, Bộ TT&TT đã tổ chức đấu giá băng tần 2300MHz, gồm 3 khối băng tần A1(2300-2330 MHz), A2 (2330-2360 MHz), A3 (2360-2390 MHz). Tuy nhiên, đến hết thời hạn nộp hồ sơ đăng ký tham gia đấu giá của từng khối A1, A2, A3, không có doanh nghiệp nào nộp hồ sơ và nộp tiền đặt trước đăng ký tham gia đấu giá. Vì vậy, các cuộc đấu giá quyền sử dụng tần số đối với các khối băng tần A1, A2, A3 là đấu giá không thành.
Theo quy định của Nghị định 88/2021/NĐ-CP, chỉ có doanh nghiệp được Bộ TT&TT xác nhận đủ điều kiện tham gia đấu giá mới được nộp hồ sơ tham gia vòng đấu giá. Hiện 4 doanh nghiệp viễn thông VNPT, Viettel, MobiFone và Vietnamobile đều đã được Bộ TT&TT cấp giấy xác nhận đủ điều kiện tham gia đấu giá, thế nhưng doanh nghiệp không nộp hồ sơ tham gia.
Lần trì hoãn gần nhất, lẽ ra cuộc đấu giá được tổ chức vào tháng 11/2023 nhưng đã tiếp tục bị lùi sang năm 2024. Ngày 6/9, thông tin về kế hoạch đấu giá các băng tần và triển khai thương mại hóa mạng 5G, Cục Tần số Vô tuyến điện, Bộ TT-TT cho biết theo kế hoạch đã được Bộ Thông tin và Truyền thông phê duyệt về việc đấu giá quyền sử dụng tần số đối với các băng tần cho 4G/5G, thì việc tổ chức đấu giá các băng tần cho mạng 4G/5G sẽ tổ chức vào tháng 11/2023. Sau đó tiếp tục có thông tin lùi sang tháng 12 và bây giờ là sẽ lùi sang đầu năm 2024.
Tại buổi Tọa đàm, bà Vũ Thu Hiền, Trưởng phòng Chính sách và Quy hoạch tần số, Cục Tần số vô tuyến điện, cho biết, dự kiến tháng 1/2024, Bộ TT&TT sẽ công bố phương án tổ chức đấu giá tần số để các doanh nghiệp nắm bắt và tham gia. "Hy vọng cuộc đấu giá sẽ thành công tốt đẹp và kết thúc vào cuối tháng 2, đầu tháng 3/2024", bà Hiền nói. Như vậy, thời hạn chính xác tổ chức đấu giá chưa xác định.

Tại sao doanh nghiệp chưa mặn mà?​

Trước đây, việc cấp phép tần số do các cơ quan nhà nước phê duyệt cho doanh nghiệp, tiếp theo đó là hình thức thi tuyển để lấy tần số, tức là trước đây băng tần được cấp phép miễn phí cho các doanh nghiệp, hàng năm các nhà mạng chỉ phải trả phí băng tần theo quy định của Bộ Tài chính. Tuy nhiên khi Luật Tần số vô tuyến điện có hiệu lực và các nhà mạng muốn có băng tần tốt để cung cấp dịch vụ cho khách hàng sẽ phải tham gia đấu giá băng tần.
Sau khi đấu giá các băng tần cho 4G/5G, các doanh nghiệp trúng đấu giá sẽ được cấp giấy phép kinh doanh dịch vụ viễn thông và giấy phép sử dụng băng tần để triển khai mạng 5G thương mại. Bộ Thông tin và Truyền thông cho rằng, lộ trình thương mại hóa 5G diện rộng chỉ được xác định khi đấu giá tần số 5G thành công.
Theo công bố của Cục Tần số vô tuyến điện, giá khởi điểm đấu giá tần số 2300-2400 MHz cho 3 khối băng tần là 17.394 tỷ đồng. Cụ thể đối với khối băng tần A1 (2300 – 2330 Mhz), A2 (2330 – 2360 Mhz), A3 (2360 – 2390 Mhz) đều có giá khởi điểm 5.798 tỷ đồng và thời hạn sử dụng là 15 năm.
Với giá khởi điểm 5.798 tỷ đồng và thời hạn sử dụng là 15 năm, mỗi nhà mạng sẽ trả phí tần số trên lý thuyết ít nhất là 386 tỷ đồng/năm. Đây là con số không hề nhỏ với tất cả các mạng di động. Thêm vào đó, để có thể cung cấp dịch vụ, nhà mạng sẽ phải đầu tư hạ tầng và xây dựng các mô hình kinh doanh mới cho 5G. Việc này cũng chiếm một khoản đầu tư rất lớn cho các nhà mạng.
Giới phân tích cho rằng, để xây dựng một mạng di động phủ sóng toàn quốc, nhà đầu tư cũng phải bỏ ra vài tỷ USD đầu tư ban đầu. Tuy nhiên, trong bối cảnh dịch vụ viễn thông truyền thống như thoại và SMS đang suy giảm, doanh thu đến từ 5G còn chưa rõ thế nào, việc bỏ một số tiền lớn để đầu tư là điều cần cân nhắc.
Đây cũng là nhận định của nguyên Thứ trưởng thường trực Bộ Bưu chính Viễn thông Mai Liêm Trực tại buổi Tọa đàm, rằng đứng trước một khoản đầu tư lớn như vậy thì doanh nghiệp còn nhiều băn khoăn, nhất là với các doanh nghiệp nhà nước phải chịu sức ép tăng trưởng dương hàng năm, nếu đầu tư lớn sẽ ảnh hưởng tới kết quả kinh doanh chung.
Theo thống kê của Bộ TT&TT, Việt Nam có 126 triệu thuê bao di động và thị trường bắt đầu đến ngưỡng bão hòa. Một thống kê khác cho thấy, mỗi năm các nhà mạng đang giành nhau khoảng 800.000 thuê bao mới gia nhập thị trường.
Nếu như lần thi tuyển 3G trước đây, các nhà mạng mang không khí sục sôi chuẩn bị hồ sơ thi tuyển, thì với việc đấu giá tần số 4G và 5G lần này không khí khá trầm lắng. Các điều kiện hiện nay, bắt buộc các nhà mạng sẽ phải tính toán kỹ khi bỏ tiền ra đấu giá và bài toán hiệu quả kinh doanh. Ngoài các nguyên nhân trên, việc chuyển từ miễn phí giấy phép chuyển sang trả phí cũng là bước chuyển không dễ dàng cho các nhà mạng.
Tại buổi Tọa đàm, đại diện các doanh nghiệp VNPT, Viettel, MobiFone đều nói đã sẵn sàng cho việc triển khai 5G, Bộ TT-TT cũng đã cấp phép "đủ điều kiện tham gia đấu giá" cho các nhà mạng này, nhưng kết quả đấu giá tần số vẫn còn là một ẩn số.
Sắp thương mại hóa 5G, các nhà mạng đã sẵn sàng chưa?
Từ năm 2020, Việt Nam đã được xem là một trong những quốc gia đầu tiên thí điểm và ứng dụng 5G. Đến thời điểm hiện tại, Việt Nam đã thử nghiệm 5G ở 55 tỉnh, thành phố. Việt Nam muốn thúc đẩy các công ty nghiên cứu, sản xuất thiết bị đầu cuối kết nối 5G; đồng thời sẽ thí điểm 5G ở khu công nghệ cao, các trường đại học, viện nghiên cứu... Thương mại hóa 5G là tất yếu, nhưng vẫn còn phải chờ…
 


Đăng nhập một lần thảo luận tẹt ga
Thành viên mới đăng
Top