cpsmartyboy
Pearl
Naver và LG đã trở thành những hãng công nghệ tiếp theo trở thành nạn nhân của tấn công mạng. Sự việc đặc biệt nguy hiểm trong bối cảnh hoạt động ransomware (mã độc tống tiền) ngày càng tăng và mối đe dọa chiến tranh mạng từ Nga.
NAVER SmartStore, trung tâm mua sắm trực tuyến do Naver điều hành đã gặp sự cố ngừng hoạt động kéo dài 1 giờ 20 phút vào khoảng trưa 22/3. Sự gián đoạn cũng xảy ra với các dịch vụ trả phí của Apple như Apple Store, Apple Music và Apple TV+. Hơn 20 dịch vụ của Apple đã bị ảnh hưởng bởi sự cố ngừng hoạt động và hàng ngàn người dùng Apple không thể gửi ảnh qua iMessage, nghe nhạc hoặc sử dụng Apple Maps. Naver và Apple vẫn chưa xác định nguyên nhân chính xác của tình trạng ngừng hoạt động. Trong cùng ngày, Microsoft và LG cũng bị tấn công bởi các nhóm hacker. Nhóm hacker Lapsus$ có trụ sở tại Nam Mỹ (trước đó đã từng đột nhập vào Samsung) mới đây đã tải lên file chứa thông tin tài khoản của ước tính 90.000 nhân viên và người dùng dịch vụ của LG, đồng thời đe dọa tiết lộ dữ liệu trên cơ sở hạ tầng của hãng điện tử Hàn Quốc. Đại diện LG Electronics chia sẻ: “Mặc dù email công việc của các nhân viên đã bị tiết lộ nhưng dữ liệu khách hàng và các chương trình nội bộ của chúng tôi không bị rò rỉ”.
Lapsus$ cũng tuyên bố trên Telegram rằng, họ đã tấn công mã nguồn nội bộ của công cụ tìm kiếm Bing và trợ lý giọng nói Cortana của Microsoft. Nhóm hacker đã tải lên ảnh chụp màn hình của các kho mã nguồn nội bộ. Cùng ngày, Microsoft thông báo đã mở một cuộc điều tra trước những tuyên bố này. Đầu tháng này, Lapsus$ đã đánh cắp khoảng 1 TB dữ liệu nhạy cảm như sơ đồ mạch của bộ xử lý đồ họa (GPU) từ công ty bán dẫn NVidia và tiết lộ 190 GB dữ liệu của Samsung bao gồm cả mã nguồn thiết bị Galaxy. Lapsus$ tuyên bố, mục tiêu của họ là kiếm tiền và lý do của nhóm hacker này không phải là chính trị. Nhưng cho đến nay, Lapsus vẫn chưa dọa đòi tiền chuộc dữ liệu và chỉ dừng lại ở việc thể hiện khả năng hack của mình. Sự nổi lên của Lapsus$ làm dấy lên những nghi ngờ về sự hậu thuẫn của Nga. Lapsus$ không phải là băng nhóm hacker táo tợn duy nhất đang hoạt động. Kojima Industries, nhà cung cấp phụ tùng ôtô lớn và là một trong những nhà cung cấp của Toyota Motor Group cũng đã bị tấn công mạng vào tháng 2/2022 nhưng không rõ thủ phạm của vụ tấn công. Hậu quả là Toyota buộc phải tạm ngừng sản xuất. Chưa đầy hai tuần sau, một nhà cung cấp khác của Toyota là Denso cũng bị một nhóm hacker không rõ danh tính tấn công. Tổng thống Mỹ Joe Biden sau đó đã kêu gọi các công ty và tổ chức tư nhân "khóa cánh cửa kỹ thuật số của họ" sau khi trích dẫn cáo buộc về các cuộc tấn công mạng quy mô lớn của Nga. Các công ty sẽ phải sao lưu dữ liệu của họ thường xuyên hơn bởi ngay cả các đối gã khổng lồ công nghệ cũng phải đối mặt với nạn tấn công mạng chứ không riêng gì các công ty nhỏ. Nguồn: Pulsenews