Sinh vật lưỡng cư không chân duy nhất tại Việt Nam, thân hình trơn nhớt như rắn "dọa" nhiều người bỏ chạy

xunghuduongkhi

Cháu đã lớn thế này rồi à. Lại đây chú ôm cái coi.
Nhắc đến ếch, người ta thường hình dung đến loài lưỡng cư có làn da trơn bóng, cặp chân sau khỏe khoắn và khả năng nhảy xa ấn tượng. Tuy nhiên, ếch giun (Ichthyophiidae) lại là một ngoại lệ, sở hữu vẻ ngoài giống rắn hơn là ếch, khiến nhiều người giật mình khi lần đầu tiên nhìn thấy.

Với cơ thể dài, da trơn nhẵn, nhiều nếp gấp dọc thân và không có chân, ếch giun trông chẳng khác gì một con rắn thực thụ. Thậm chí, cách di chuyển uốn éo cơ thể của chúng cũng khiến người ta liên tưởng ngay đến loài bò sát đáng sợ. Không ít trường hợp nhầm lẫn ếch giun với giun đất hoặc rắn nhỏ, đặc biệt là khi chúng ẩn mình dưới đất, trong lớp lá mục - môi trường sống lý tưởng giúp chúng dễ dàng luồn lách qua các khe hở.

Đầu và thân ếch giun không phân biệt rõ ràng. Miệng và mắt của chúng rất nhỏ, khó phát hiện. Gần mắt là hai xúc tu ngắn giúp ếch giun cảm nhận môi trường và tìm kiếm thức ăn - chủ yếu là giun đất, ấu trùng côn trùng, sâu bọ,... Nhờ vai trò kiểm soát số lượng côn trùng, ếch giun góp phần duy trì sự cân bằng sinh thái trong môi trường sống.

1722307909558.png

1722308024174.png

1722308031272.png

1722308141003.png


Khác với phần lớn các loài lưỡng cư khác thường bỏ bê con non sau khi đẻ trứng, ếch giun mẹ lại là một "bà mẹ mẫu mực". Khi đến mùa sinh sản, ếch giun cái tìm đến những nơi ẩm ướt gần nguồn nước để đẻ trứng. Sau đó, chúng sẽ cuộn tròn cơ thể, bao bọc lấy những quả trứng bé nhỏ, đồng thời tiết ra dịch nhầy giúp trứng không bị khô. Không chỉ vậy, ếch giun mẹ còn điều chỉnh nhiệt độ, độ ẩm xung quanh để đảm bảo điều kiện lý tưởng nhất cho trứng nở.

Ban đầu, các nhà khoa học cho rằng ếch giun không có độc. Tuy nhiên, nghiên cứu gần đây đã phát hiện ra tuyến độc trong miệng loài ếch này. Nọc độc có thể được tiết ra khi chúng cắn. Dù vậy, do kích thước miệng nhỏ, ếch giun khó có thể cắn người và tiêm nọc độc. Tác động của nọc độc ếch giun đối với con người đến nay vẫn chưa được nghiên cứu rõ ràng.

Trên thế giới hiện có khoảng 200 loài ếch giun, phân bố chủ yếu ở vùng nhiệt đới và cận nhiệt đới. Riêng khu vực Đông Nam Á có 11 loài, trong đó Việt Nam có 4 loài, bao gồm 3 loài đặc hữu:

1722308205568.png


Ếch giun Cát Lộc (Ichthyophis catlocensis): Phát hiện năm 2015 tại Vườn Quốc gia Cát Tiên (Lâm Đồng), loài ếch giun này có kích thước nhỏ (khoảng 20cm khi trưởng thành) và không có sọc vàng dọc thân như các loài khác. Do số lượng rất ít ỏi, thông tin về đặc tính sinh học của ếch giun Cát Lộc vẫn còn là một ẩn số.

1722308123558.png


Ếch giun Cha Lo (Ichthyophis chaloensis): Được tìm thấy lần đầu tiên vào năm 2015 tại Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng (Quảng Bình), ếch giun Cha Lo có màu xanh đen tuyền, không có sọc vàng dọc thân và chiều dài cơ thể khi trưởng thành khoảng 22cm. Cũng giống như ếch giun Cát Lộc, thông tin về loài này còn rất hạn chế do số lượng cá thể ít ỏi.

1722308070296.png


Ếch giun Nguyễn (Ichthyophis nguyenorum): Phát hiện năm 2012 tại Kon Tum, loài ếch giun đặc hữu của Việt Nam này được đặt tên để vinh danh hai nhà khoa học Nguyễn Quảng Trường và Nguyễn Thiên Tạo. Ếch giun Nguyễn phân bố ở khu vực Tây Nguyên và miền Nam, có thể dài tới 30cm khi trưởng thành, với lưng màu tím đen, bụng nhạt màu hơn và hai sọc vàng chạy dọc từ hàm trên đến gần chóp đuôi. Chúng thường xuất hiện sau những cơn mưa lớn, sống chủ yếu ở những khu vực ẩm ướt dưới tán rừng, ven suối, đôi khi được tìm thấy trong các vườn cà phê, ruộng lúa hoặc khu dân cư.

1722308047988.png


Ếch giun Koh Tao (Ichthyophis kohtaoensis): Được đặt tên theo hòn đảo Koh Tao (Thái Lan) - nơi chúng được tìm thấy lần đầu tiên vào năm 1960. Ếch giun Koh Tao phân bố rộng rãi ở khu vực phía nam Trung Quốc, Việt Nam, Lào, Campuchia và Thái Lan. Tại Việt Nam, loài ếch giun này rất hiếm, chỉ được ghi nhận tại một số tỉnh như Phú Thọ, Tiền Giang, An Giang, Cà Mau... Chúng có kích thước lớn hơn các loài ếch giun khác (khoảng 40cm khi trưởng thành), với hai sọc vàng chạy dọc từ mắt đến chóp đuôi, lưng màu nâu, bụng màu nâu sáng.

Hiện nay, các loài ếch giun tại Việt Nam đang phải đối mặt với nguy cơ tuyệt chủng do mất môi trường sống và cạn kiệt nguồn thức ăn do nạn phá rừng, xói mòn đất, lũ lụt... Để bảo vệ loài lưỡng cư đặc biệt này, Việt Nam đã đưa ếch giun vào sách đỏ, cấm săn bắt và thực hiện các biện pháp bảo tồn hiệu quả.
 


Đăng nhập một lần thảo luận tẹt ga
Thành viên mới đăng
Top