Sony "đại đế" tham vọng thay đổi cả ngành điện ảnh lẫn thị trường TV, từ Hollywood cho tới phòng khách gia đình

SummerKisses❤️WinterTears

Bao Nhiêu Tình Yêu, Bấy Nhiêu Nước Mắt
Thành viên BQT
TV và đầu phát Blu-ray hỗ trợ HDR lần đầu xuất hiện vào năm 2015, với việc nở rộ của các nền tảng trực tuyến, nội dung HDR dần phổ biến rộng rãi trong ngành. Ban đầu, tiêu chuẩn độ sáng là 1.000 nit đối với đa số các phim HDR bạn xem ở định dạng HDR10.
Một số ít nội dung HDR có độ sáng cao hơn, lên tới 4.000 nit (The Great Gatsby, The Angry Birds Movie, Storks, In the Heart of the Sea) hoặc thậm chí 10.000 nit (Gran Turismo 7). Các con số bạn đọc ở trên từ 1.000 đến 10.000 nit, ám chỉ đỉnh sáng đạt được ở 1 số chi tiết nhất định trên 1 phân vùng nhỏ, không phải toàn màn hình và cũng không tồn tại lâu.
Và bây giờ, Sony muốn thay đổi hiện trạng này. Hãng cố gắng xây dựng hệ sinh thái HDR lấy mốc 4.000 nit làm đích đến.
Trên thị trường, phần lớn TV 4K HDR không vượt quá được 1.000 nit trừ khi đó là mẫu cao cấp. Các hãng TV hiện đang tích cực chạy đua độ sáng nên ngày càng xuất hiện nhiều mẫu có thể vượt qua 1.000 nit khi phát nguồn HDR. Tuy nhiên, mốc 4.000 nit vẫn khá hiếm. Một vấn đề khó hơn nữa mà Sony mong muốn giải quyết còn nằm ở thượng nguồn Hollywood. Nơi các hãng TV khác như Samsung, LG, TCL ít hiện diện.
Sony đại đế tham vọng thay đổi cả ngành điện ảnh lẫn thị trường TV, từ Hollywood cho tới phòng khách gia đình
"Gran Turismo 7" là 1 trong các nguồn phát HDR cực hiếm hiện nay đạt tới 10.000 nit
Những studio Hollywood bây giờ chủ yếu sử dụng màn hình tham chiếu TRIMASTER OLED X300 của Sony, mệnh danh "huyền thoại studio" với công nghệ RGB OLED từng 2 lần nhận giải Emmy thành tựu kỹ thuật. Nó có đỉnh sáng 1.000 nit và được tín nhiệm rộng rãi trong ngành, được nhiều nhà làm phim lẫn colorist tôn thờ. Nhưng rõ ràng nó không thể color grading nội dung ở 4.000 nit như Sony mong muốn.
Từng có mẫu màn hình Dolby Pulsar làm mát bằng chất lỏng có thể đạt 4.000 nit, nhưng nó không còn khả dụng đã lâu. Thành ra, trong ngành thiếu hụt công cụ làm việc có thể thúc đẩy HDR tiến lên 4.000 nit. Chưa kể theo quan điểm của 1 số nhà làm phim thì họ thích phong cách cũ hơn. Đây hoàn toàn là tư duy sáng tạo cá nhân nên không thể ép buộc.
Camera thì đã đáp ứng được. Ngày nay, không thiếu máy quay có thể ghi hình lên đến 8K với độ sáng thu nhận vượt quá 4.000 nit. Ví dụ CineAlta VENICE của chính Sony. Phim quay bằng phim nhựa có thể quét lại và xử lý để tái phát hành ở định dạng 4K HDR chất lượng cao. Các tiêu chuẩn HDR, HDR10, HDR10+ hay Dolby Vision đều đã sẵn sàng. Các nền tảng streaming video hay console cũng vậy.
Bây giờ, 2 thách thức nổi lên là màn hình tiêu dùng trên TV ở phòng khách và màn hình tham chiếu trong studio Hollywood. Cùng với đó, khuyến khích các nhà làm phim đi vào quy trình làm việc mới. Tập đoàn Nhật Bản vừa hay lại có thể "gánh" cả 2 nhiệm vụ này. Mục tiêu thay đổi ngành công nghiệp điện ảnh lẫn thị trường TV nhằm phá vỡ rào cản 1.000 nit, thiết lập 4.000 nit làm tiêu chuẩn HDR mới.
Sony đại đế tham vọng thay đổi cả ngành điện ảnh lẫn thị trường TV, từ Hollywood cho tới phòng khách gia đình

Sony đại đế tham vọng thay đổi cả ngành điện ảnh lẫn thị trường TV, từ Hollywood cho tới phòng khách gia đình
Công ty duy nhất trên thế giới tham gia cả 4 khía cạnh của nội dung gồm thiết bị tiêu thụ; công cụ sáng tạo; phương tiện lưu trữ và tiêu chuẩn nghe nhìn
Với sự hiện diện rộng rãi trên nhiều lĩnh vực khác nhau, Sony có vị thế đặc biệt để theo đuổi tham vọng đó. Họ sở hữu Sony Pictures với nhiều xưởng phim, Sony Interactive quản lý nhiều studio phát triển video game, Sony Electronics tham gia phát triển máy quay điện ảnh lẫn màn hình tham chiếu. Và đương nhiên, bộ phận Electronics cũng bán cả TV với 1 số mẫu cao cấp được đánh giá đứng đầu về chất lượng hiển thị. Bộ phận Pictures còn cho studio bên ngoài thuê các điểm sản xuất bên ngoài khuôn viên, do đó tầm ảnh hưởng còn vượt xa các tựa phim do chính họ làm ra.
Sony là công ty duy nhất trên thế giới bao trùm cả 4 khía cạnh xoay quanh nội dung. Gồm thiết bị tiêu thụ; công cụ sáng tạo; phương tiện lưu trữ; tiêu chuẩn nghe nhìn. Tập đoàn có thể làm 2 việc sau đây cùng 1 lúc, điều mà các hãng Canon, Flanders Scientific, Samsung hay LG đều không thể vì chuyên môn của họ chỉ cho phép theo đuổi 1 lĩnh vực TV hoặc màn hình tham chiếu:
- Phát triển TV tiêu dùng cao cấp hướng đến mốc 4.000 nit, bắt đầu từ Bravia 9 mặc dù nó chưa đáp ứng được yêu cầu đỉnh sáng.
- Bán màn hình chuyên nghiệp TRIMASTER HX BVM-HX3110 để color grading tại studio Hollywood. Tấm nền LCD dual-cell đạt đỉnh sáng 4.000 nit ở cửa sổ trắng 10% diện tích màn hình và 1.000 nit toàn màn hình.
Sony đại đế tham vọng thay đổi cả ngành điện ảnh lẫn thị trường TV, từ Hollywood cho tới phòng khách gia đình
Sony sản xuất cả màn hình tham chiếu cho studio Hollywood lẫn TV đặt tại phòng khách gia đình
Phức tạp nhất vẫn là thói quen làm việc của nhà sáng tạo. Hãng tiết lộ studio Company 3 chịu trách nhiệm color grading cho 80% phim ở Hollywood vẫn hài lòng với X300 huyền thoại ở trên. Ngay khi biết Sony sắp dừng sản xuất loại này để chuyển sang LCD dual-cell, studio đã đặt mua toàn bộ số hàng còn trong kho nhằm dùng lâu dài. Sự tôn thờ huyền thoại studio trong giới Hollywood mãnh liệt đến mức, hãng thừa nhận mẫu HX310 không bán chạy như kì vọng vì không vượt qua người tiền nhiệm.
Sau khi ra HX3110, họ đã giảm giá HX310 để phổ cập nó đến nhiều khách hàng hơn. Song, niềm tin vào X300 vững chắc như Vạn Lý Trường Thành, khiến nhiều người vẫn nâng niu và săn lùng nó. Dù vậy, đạo diễn Joseph Kosinski (Top Gun: Maverick, Tron: Legacy và Oblivion) vẫn đánh giá cao HX3110 - "tôi vô cùng ngạc nhiên với độ sáng 4.000 nit". Cho thấy công ty cần nhiều thời gian hơn để thay thế mẫu X300.
Việc thuyết phục Hollywood và ngành công nghiệp video game phát hành nội dung HDR ở độ sáng hàng ngàn nit, thậm chí 10.000 nit không hề dễ. Hiện tại, Gran Turismo của Sony là 1 trong số cực ít nội dung có bản HDR đạt tới 10.000 nit. Màn hình color grading cho nó chính là nguyên mẫu TV từng được trưng bày ở CES 2018, độ phân giải 8K và đỉnh sáng 10.000 nit. Nó đang hoạt động tại văn phòng ở Tokyo.
Một chiếc TV có thể đạt 4.000 nit có lẽ phải tới năm 2026 mới xuất hiện. Hiện tại đã có 1 số TV cao cấp trên thị trường đạt đến 2.000 nit. Mới đây, TCL và Hiense đã ra mắt sản phẩm vượt qua cả con số này.
Sony đại đế tham vọng thay đổi cả ngành điện ảnh lẫn thị trường TV, từ Hollywood cho tới phòng khách gia đình
Các mẫu màn hình tham chiếu chuyên nghiệp từ trái qua phải: HX310 - HX3110 - "huyền thoại studio" X300
Không phải 8K, hãng tin rằng 4.000 nit mới là mục tiêu tiếp theo cần chinh phục để thúc đẩy công nghệ HDR. Và cũng trong sự kiện ra mắt TV vừa qua, họ ít đề cập đến các công nghệ AI như hãng khác, chỉ tập trung theo đuổi nâng cao chất lượng hình ảnh. Ông lớn Nhật Bản vẫn rất trung thành với tư duy kiểu mẫu, tham vọng thay đổi từ Hollywood cho tới phòng khách gia đình.

>>> Màn hình chuyên nghiệp Sony giá 30.000 USD, Apple hay Samsung cũng phải "ngước nhìn"
 


Đăng nhập một lần thảo luận tẹt ga

Gợi ý cộng đồng

Top