Sony tiết lộ bí mật đằng sau tính năng zoom liên tục của Xperia 1 IV

Hồi đầu tháng này, Sony đã công bố thế hệ điện thoại Xperia tiếp theo - Xperia 1 IV và Xperia 10 IV. Bên cạnh mức giá khủng 1.600 USD, mẫu máy flagship của Sony còn có một tính năng cực kỳ thú vị trong hệ thống camera: zoom quang học liên tục.
Trước đây, công ty Nhật Bản đã giới thiệu ý tưởng dịch chuyển các thấu kính bên trong hệ thống camera trên Xperia 1 III, nhưng thiết bị này chỉ có thể chuyển đổi giữa hai tiêu cự cố định mà thôi. Trên Xperia 1 IV, Sony cuối cùng cũng đạt được mục tiêu zoom liên tục thật sự: người dùng sẽ có thể chuyển đổi tiêu cự trong dải từ 85mm - 125mm.
Không thể bàn cãi, đây là một cột mốc quan trọng đối với nhiếp ảnh di động - và xét dưới góc nhìn công nghệ thuần túy lẫn góc nhìn PR, bản thân tính năng này cũng không phải là một thành tựu tầm thường. Nó cho thấy Sony không quan tâm đến việc chạy theo xu hướng, mà tìm cách chứng minh quan điểm của chính mình trong thế giới smartphone, và chúng ta hiển nhiên cần nể phục công ty vì điều đó.
Theo Sony, công ty đã có kế hoạch đưa tính năng zoom liên tục lên dòng sản phẩm Xperia từ lâu, bởi họ biết rằng đây là thứ mà khách hàng sẽ đặc biệt hứng thú. Trên Xperia 1 IV, người dùng đã có thể zoom liên tục với hiệu suất lấy nét tự động cực cao trong toàn dải tiêu cự của thấu kính telephoto.
Sony tiết lộ bí mật đằng sau tính năng zoom liên tục của Xperia 1 IV
Để đạt được điều đó, công ty phải giải quyết được một thách thức khá lớn: trong hệ thống thấu kính zoom quang học thông thường, tùy thuộc vào vị trí của thấu kính zoom (trong trường hợp của Xperia 1 IV là 85-125), các đặc tính quang học sẽ có sự khác biệt, như sắc thái thấu kính, mức độ biến dạng, quang sai... Do đó cần bù trừ hợp lý các thông số này trong toàn dải tiêu cự của thấu kính zoom để có được hiệu suất cao nhất.
Trên Xperia 1 IV, Sony đã thực hiện hai điều: 1) đo đạc các đặc tính quang học trong quá trình sản xuất module camera, và 2) bù trừ thông số trong quá trình xử lý tín hiệu camera. Đây là những thủ tục tương đối phức tạp mà chúng ta sẽ không đề cập đến trong khuôn khổ bài viết.
Bên cạnh zoom quang học, Xperia 1 IV có thể zoom liên tục từ 16mm đến 24mm, và lên đến 375mm trong khi quay video. Điều này cũng đòi hỏi một quy trình phức tạp trong khâu sản xuất. Sony cho biết họ phải sử dụng 3 thấu kính khác nhau, điểm trắng (nhiệt độ màu) của mỗi thấu kinh được cân chỉnh trong quá trình sản xuất module camera, nhưng vẫn có thể bị lệch nhẹ.
Nếu tình trạng đó xảy ra, màu sắc sẽ thay đổi khi thấu kính dịch chuyển trong quá trình zoom giữa các thấu kính. Để khắc phục, Xperia 1 IV cân chỉnh điểm trắng của 3 camera cùng lúc trong khâu sản xuất để loại bỏ hiện tượng lệch màu. Nhờ đó, các thấu kính của thiết bị cho ra màu sắc nhất quán và mở ra khả năng thiết lập cân bằng trắng theo thang Kelvin trong ứng dụng Photography Pro và Cinematography Pro.
Sony tiết lộ bí mật đằng sau tính năng zoom liên tục của Xperia 1 IV
Nói về lý do chọn dải tiêu cự 85mm-125mm cho tính năng zoom quang học liên tục, Sony giải thích: trên các máy ảnh thay được ống kính (ILC), tiêu cự 85mm-125mm thường được dùng để quay video và chụp ảnh chân dung. Thế mạnh của Xperia là khả năng tinh chỉnh lấy nét tự động vào người và động vật, và nó đặc biệt hiệu quả ở dải tiêu cự nói trên. Với dải tiêu cự này, người dùng di động có thể linh hoạt hơn trong chụp chân dung và thú cưng.
Về cơ chế hoạt động của hệ thống zoom quang học liên tục, công ty tiết lộ rằng họ đã sử dụng các bộ truyền động cơ học để dịch chuyển các bộ phận thấu kính zoom, bộ phận lấy nét, và bộ phận chống rung quang học. Tuy nhiên không phải lúc nào các bộ truyền động này cũng di chuyển, nên thời lượng pin không bị ảnh hưởng quá nhiều. Liên quan vấn đề hỏng hóc về lâu về dài do các thành phần cơ học, cũng như số lần zoom-in, zoom-out (hoặc thời gian hoạt động) mà hệ thống camera 85mm-125mm của Xperia 1 IV có thể chịu đựng được, Sony cho biết họ kiểm định rất kỹ càng dựa trên các tiêu chuẩn khắt khe của mình, nhưng không đưa ra con số cụ thể.
Tham khảo: PhoneArena
 


Đăng nhập một lần thảo luận tẹt ga
Thành viên mới đăng
Top