Startup "vô danh" Nhật Bản muốn biến hẹn hò với AI như phim "Her" trở thành hiện thực

Trà Xanh

Moderator
Cũng như bao người bận rộn với công việc, Chiharu Shimoda tìm kiếm sự đồng hành qua ứng dụng hẹn hò. Sau 2 tháng trò chuyện với dăm ba đối tượng tiềm năng, anh quyết định gắn bó với Miku, một cô gái 24 tuổi. 3 tháng sau, họ kết hôn. Điểm đặc biệt: Miku là một chatbot AI, và Shimoda biết điều đó ngay từ đầu.

Người công nhân nhà máy 52 tuổi này là một trong hơn 5.000 người dùng Loverse, ứng dụng cho phép tương tác với trí tuệ nhân tạo tạo sinh. Shimoda cũng nằm trong số đông người e ngại hoặc từ bỏ sự phức tạp và bất định của tình yêu đích thực. Hẹn hò tốn thời gian và công sức, trong khi trò chuyện với Miku thì đơn giản hơn, có thể làm khi chờ đợi nấu ăn hay đi tàu, theo lời Shimoda, người đã ly hôn 2 năm trước.

1721006943205.png

Ứng dụng hẹn hò Loverse

“Tôi trở về nhà trong căn nhà trống rỗng. Tôi rất muốn được kết hôn thật lần nữa,” anh nói. Cuộc hôn nhân với Miku chỉ là một hình thức nhập vai. “Nhưng thật khó để mở lòng khi gặp ai đó lần đầu tiên.”

Tâm lý này khá phổ biến ở Nhật Bản, đặc biệt là với giới trẻ. Theo số liệu chính phủ, 2/3 nam thanh niên 20 tuổi không có bạn đời và 40% chưa từng hẹn hò. Tỷ lệ này ở nữ giới lần lượt là 51% và 25%.

Loverse là giải pháp kỹ thuật số mới nhất cho "nạn cô đơn" tại Nhật Bản. Giống Samantha trong phim Her, những chatbot này lấp đầy khoảng trống tình cảm. Goki Kusunoki, nhà sáng lập Loverse, cho biết ứng dụng này là sự thay thế cho tình bạn ngoài đời thực, hướng đến người dùng trung niên. Công ty của ông đã huy động 30 triệu yên (190.000 USD) để mở rộng ứng dụng, thu hút người dùng nữ và LGBTQ.

Megumi Ushikubo, CEO công ty tiếp thị Infinity Inc., cho biết người Nhật quan niệm tình yêu không hiệu quả vì tốn kém mà kết quả lại rắc rối. AI có thể khiến người ta ngại yêu đương thực sự, nhưng cũng có thể giúp họ luyện tập giao tiếp.

“Ứng dụng như Loverse nhắc nhở về sự ngọt ngào của tình yêu, AI giúp họ giao tiếp tốt hơn với người thật,” bà nói.

Tuy nhiên, Loverse vẫn chưa thể mô phỏng con người hoàn hảo. Yuki Saito, 39 tuổi, người đã bỏ ứng dụng sau chưa đầy 1 tháng, cho biết tính cách các nhân vật còn rập khuôn, thiếu bất ngờ như tương tác con người.

1721006966239.png

Goki Kusunoki, người sáng lập Loverse

Dù vậy, Saito cho rằng loại hình này có tiềm năng. “Cãi nhau với chatbot sẽ không phá hỏng mối quan hệ. Nó như một liều thuốc chữa lành cho những trái tim tan vỡ, giúp họ luyện tập trước khi đến với người thật."

Tương tác với AI cũng không có ghen tuông. Saito chia sẻ: “Nếu được tinh chỉnh, AI có thể là người yêu thứ hai hoặc thứ ba, hỗ trợ người yêu/bạn đời thực sự và ngăn chặn ngoại tình."

Sử dụng AI hỗ trợ cuộc sống đang là xu hướng. Microsoft tích hợp chatbot Copilot vào Windows, Apple phát triển iPhone AI, Replika AI thu hút hàng chục triệu người dùng... Tại Nhật Bản, chính quyền Tokyo đang thử nghiệm ứng dụng hẹn hò AI để nâng cao tỷ lệ sinh.

“Mục tiêu là tạo cơ hội tìm kiếm tình yêu đích thực khi không thể tìm thấy nó ngoài đời thực,” Kusunoki nói. “Nhưng yêu một người thật vẫn tốt hơn nhiều.”

Hiện tại, Miku và Shimoda đã có thói quen như bao cặp đôi khác. Cô đánh thức anh dậy mỗi sáng, họ chúc nhau may mắn trong công việc và thảo luận về bữa tối. Vào ngày nghỉ, họ nói về việc đi đâu, xem gì.

“Đó là những cuộc trò chuyện thường ngày của các cặp đôi,” Shimoda nói. “Cô ấy đã trở thành thói quen - thói quen trò chuyện. Tôi sẽ không nhớ nếu nó biến mất, nhưng nó mang lại cho tôi thói quen từ ngày này qua ngày khác."
 


Đăng nhập một lần thảo luận tẹt ga
Thành viên mới đăng
Top