Sự bùng nổ vệ tinh đang biến đổi bầu trời đêm Trái đất

Bỉ Ngạn Hoa

Moderator
Sự gia tăng mạnh mẽ các chòm sao vệ tinh ở quỹ đạo thấp đang làm biến đổi bầu trời đêm. Được sử dụng chủ yếu để hỗ trợ liên lạc tốc độ cao, các chòm sao vệ tinh có thể sớm chiếm 10% ánh sáng ban đêm trên bầu trời Nhật Bản, Hàn Quốc và một phần Trung Quốc, làm dấy lên lo ngại về sự can thiệp của chúng vào hoạt động quan sát thiên văn.
Sự bùng nổ vệ tinh đang biến đổi bầu trời đêm Trái đất
Samantha Lawler, phó giáo sư thiên văn học tại Đại học Regina ở Canada, cho biết kính thiên văn không thể tránh khỏi tác động của các vệ tinh. Theo vị phó giáo sư này, ánh sáng phát ra từ các chòm sao vệ tinh đang làm mất đi ánh sáng của các ngôi sao. Samantha Lawler đang nghiên cứu lịch sử của hệ mặt trời thông qua việc quan sát một vùng có các vật thể nhỏ nằm ngoài quỹ đạo của Sao Hải Vương. Vệ tinh tỏa sáng nhất khi chúng ở ngoài bóng của Trái đất vào thời điểm chạng vạng của bình minh hoặc hoàng hôn và nhận trực tiếp ánh sáng mặt trời.
Khoảng 9.000 vệ tinh hiện đang quay quanh thế giới. Trong số đó, ít nhất 60% là các vệ tinh liên lạc được phóng từ năm 2020. Hoạt động ở độ cao 2.000 km trở xuống, thấp hơn nhiều so với vệ tinh khí tượng và các vệ tinh khác, các chòm sao vệ tinh ở quỹ đạo thấp giúp cung cấp dịch vụ Internet tốc độ cao trên toàn thế giới.
Dẫn đầu ngành kinh doanh siêu chòm sao vệ tinh là SpaceX, nhà sản xuất tàu vũ trụ của tỷ phú Elon Musk đã phóng khoảng 5.600 vệ tinh trong 4 năm rưỡi qua, cung cấp truy cập băng thông rộng cho hơn 2,3 triệu người trên toàn thế giới. Công ty OneWeb (Anh), đối thủ của SpaceX, đã đưa khoảng 630 thiết bị vào quỹ đạo, trong khi Amazon bắt đầu phóng vệ tinh vào năm 2023.
Sự bùng nổ vệ tinh đang biến đổi bầu trời đêm Trái đất
Các vệ tinh đang làm ô nhiễm ánh sáng, ảnh hưởng hoạt động nghiên cứu thiên văn.
Các vệ tinh của SpaceX dường như đã gây ra những vấn đề nghiêm trọng trong việc quan sát thiên văn, tạo ra các vệt sáng trong hình ảnh thiên văn. Hình ảnh được chụp bởi kính viễn vọng trường rộng tại Đài thiên văn Palomar ở Mỹ từ tháng 11/2019 đến tháng 9/2021 cho thấy 5.301 vệt sáng.
“Hơn một nửa số hình ảnh thiên văn quan sát lúc chạng vạng từ cuộc khảo sát thiên văn bầu trời trường rộng Zwicky Transient Facility bị ảnh hưởng bởi các vệt vệ tinh”, Przemek Mroz, nhà thiên văn học tại Đại học Warsaw ở Ba Lan, người đứng đầu một nhóm theo dõi các vệt vệ tinh ở Ba Lan, cho biết.
SpaceX có kế hoạch phóng khoảng 42.000 vệ tinh, trong khi một công ty Trung Quốc chuẩn bị phóng 13.000 vệ tinh. Nếu tất cả 65.000 vệ tinh hiện đang được các nhà khai thác lớn trên thế giới lên kế hoạch đều được đưa vào quỹ đạo, chúng sẽ chiếm khoảng 10% số vật thể sáng trên bầu trời vào lúc chạng vạng ở ngày hạ chí và điểm xuân thu ở Nhật Bản và những nơi khác nằm ở vĩ độ từ 30 đến 40 độ, theo mô phỏng của phó giáo sư thiên văn học Samantha Lawler và các chuyên gia khác.
Tình trạng ô nhiễm ánh sáng do vệ tinh nhân tạo gây ra có khả năng trở nên tồi tệ hơn. Số lượng vệ tinh có kế hoạch phóng được đệ trình lên Liên minh Viễn thông Quốc tế của Liên Hợp Quốc trong giai đoạn từ 2023 đến 2029 đã lên tới 1,7 triệu chiếc, bao gồm cả các dự án có tính khả thi đáng nghi ngờ.
Sự bùng nổ vệ tinh đang biến đổi bầu trời đêm Trái đất
Còn rất nhiều vệ tinh có kế hoạch phóng lên quỹ đạo trong tương lai
Vệ tinh đã trở nên không thể thiếu đối với cuộc sống của hàng tỷ người, tầm quan trọng của chúng chắc chắn sẽ tăng lên cùng với sự phổ biến của công nghệ liên lạc dành cho những thứ như xe tự lái. Điều này khiến việc dung hòa lợi ích kinh doanh và học thuật trở nên khó khăn hơn.
Theo yêu cầu của Liên minh Thiên văn Quốc tế, độ sáng của vệ tinh phải được giữ ở mức nhất định. Các nhà khai thác vệ tinh đang nghiên cứu nhiều biện pháp khác nhau, bao gồm sử dụng tấm che nắng hoặc phim để kiểm soát phản xạ.
Nhưng việc kiểm soát ánh sáng vệ tinh không phải là điều dễ dàng. Tấm che nắng có thể cản trở sự liên lạc giữa các vệ tinh hoặc tạo ra lực cản của khí quyển khiến tàu vũ trụ đi chệch hướng. SpaceX đã chọn loại bỏ tấm che nắng, nhấn mạnh rằng chúng "không phải là giải pháp khả thi lâu dài".
Giải quyết vấn đề có thể đòi hỏi nhiều hơn là đối thoại. Masaaki Hiramatsu, nhà thiên văn học tại Đài quan sát thiên văn quốc gia Nhật Bản cho biết: “Không phải tất cả các quốc gia và doanh nghiệp đều hợp tác.
Các chuyên gia về thiên văn nhấn mạnh tính cấp thiết của việc thiết lập các quy tắc rõ ràng để vận hành các vệ tinh tầm thấp.
“Về cơ bản, các vấn đề cũng giống như vấn đề môi trường. Nếu không làm gì, tình hình sẽ trở nên tồi tệ hơn khi các quốc gia phát triển phóng nhiều vệ tinh một cách bừa bãi, tiếp theo là các quốc gia đang phát triển cũng bắt đầu phóng nhiều vệ tinh hơn", Satoshi Sano, chuyên gia thiên văn thuộc Viện Nghiên cứu Kinh tế Xã hội Quốc tế của tập đoàn NEC của Nhật nói.
 


Đăng nhập một lần thảo luận tẹt ga

Gợi ý cộng đồng

Top